Thứ Sáu, 29/03/2024 21:47:13 GMT+7

Tin đăng lúc 17-08-2018

Lượt xem: 1653

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội hay thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam?

Ngày 08/8/2018 vừa qua, Trung Quốc đã công bố thời điểm trả đũa 16 tỷ USD thuế quan của Mỹ. Trung Quốc sẽ áp mức thuế quan 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ kể từ ngày 23/8 tới, đáp trả tương ứng một động thái tương tự từ phía Mỹ. Đây là một bước leo thang hơn nữa trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội hay thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam?
Tổng giám đốc May 10 đang kiểm tra chất lượng sản phẩm xuất khẩu của Công ty May Thiệu Đô (thuộc hệ thống May 10)

Các biện pháp bảo hộ này sẽ ngày càng nhiều, với việc Mỹ đang xem xét mức thuế quan 10% cho 200 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc, sau một thời gian chờ góp ý kéo dài đến 6/9 thì còn có thể tăng lên đến 25%. Cuộc chiến này chưa có hồi kết thúc. Do vậy các chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi chiến lược khi xuất khẩu và làm ăn với hai đối tác này, tránh bị thiệt về kinh tế. Ông Đào Trần Nhân - nguyên Tham tán Công sứ của Thương vụ Việt Nam tại Mỹ lưu ý các doanh nghiệp, sẽ có một dòng các hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và Mỹ vào Việt Nam, đây là thách thức cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN của) nước ta. Dòng đầu tư có sự chuyển dịch khi một nước đánh thuế vào hàng hóa của nước kia thì các nước có xu hướng đầu tư vào thị trường không bị đánh thuế có xuất xứ hàng hóa của nước không bị đánh thuế để có thể xuất khẩu vào các nước khác.

 

Rõ ràng, Việt Nam cần có hướng chuyển dịch về chuỗi hàng hóa sản xuất và hướng chuyển dịch về đầu tư và doanh nghiệp cần biến cái rủi thành cái may, biến thách thức thành cơ hội thì sẽ vượt lên trong cuộc chiến này. “Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý nước Mỹ là nước tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới và Trung Quốc là công xưởng của thế giới nên khi hai nước này chiến tranh thương mại với nhau thì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Có nghĩa là khi nền kinh tế toàn cầu suy giảm thì nhu cầu của thị trường khác ở trên thế giới cũng sẽ giảm đi và như vậy việc xuất khẩu hàng sang các thị trường khác cũng bị sụt giảm nhu cầu và sẽ khó khăn hơn trong xuất khẩu”, ông Đào Trần Nhân cho biết.

 

Năm ngoái, xuất khẩu hàng hóa của các nước vào thị trường Mỹ đạt 1,57 nghìn tỷ đô la và ngược lại, các nước nhập khẩu từ Hoa Kỳ 2,35 nghìn tỷ đô la. Theo các chuyên gia kinh tế, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến chuyển dịch đầu tư của các nước vào Việt Nam và ảnh hưởng chuỗi cung ứng hàng hóa của các nước, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải xây dựng lại chuỗi cung ứng hàng hóa của mình cũng như đón các dòng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có đầu tư của Mỹ và Trung Quốc. Thách thức nữa là hàng Trung Quốc không xuất được sang Mỹ sẽ đưa sang Việt Nam với lượng lớn. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nghiên cứu kỹ danh mục hàng hóa mà Trung Quốc và Mỹ đánh thuế cao của nhau. Một vấn đề nữa là, doanh nghiệp Việt Nam đón đầu bằng cách liên hệ với các Tập đoàn, công ty lớn của Mỹ và các nước đang đầu tư vào Trung Quốc hiện nay vì khi không bán được hàng, chuyển hướng đầu tư vào thị trường bên cạnh thì mình thu hút vào Việt Nam đầu tư. Đơn cử một doanh nghiệp của Đài Loan có 5 công ty sản xuất giày dép ở Trung Quốc nhưng chuyển hết sang Việt Nam để tránh bị đánh thuế. Mình đón đầu bằng cách chọn công ty lớn có công nghệ tốt để thu hút về Việt Nam. Quan trọng là không để hàng hóa Trung Quốc trốn thuế thị trường Mỹ bằng cách chuyển giá, chuyển cảng qua Việt Nam để đi vào Trung Quốc, bởi nếu Mỹ phát hiện ra sẽ có những vụ kiện chống lại Việt Nam.  

 

Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thì đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội xuất khẩu. Bà Đỗ Thị Hải Yến - Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ, với kim ngạch xuất khẩu hàng thêu của Công ty khoảng 1,5 triệu USD/năm sang thị trường Mỹ, “cái khó ló cái khôn”, trong hoàn cảnh mới bắt buộc các doanh nghiệp phải tạo cho mình một chiến lược kinh doanh mới: “Khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra thì doanh nghiệp lại nghĩ rằng đây là cơ hội tốt hơn để thâm nhập sâu vào thị trường Mỹ. Công ty tiếp tục đầu tư vào các dòng sản phẩm mới, tập trung thiết kế in trên vải để nắm bắt kịp xu thế thị trường và chuyển đổi kịp thời để mặt hàng xuất khẩu này tiếp tục có vị trí mạnh hơn trên thị trường Mỹ. Thị trường Mỹ rất khắt khe về chất lượng và quy cách đóng gói sản phẩm, nên chúng tôi rất quan tâm đến chọn lựa nguyên liệu và chỉ định tất cả các khâu đóng gói, kiểm định chất lượng phải hết sức chặt chẽ, đảm bảo sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ được chấp nhận và đón nhận tích cực”.

 

Hiện trong gói áp thuế 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc của Mỹ không có mặt hàng dệt may. Tuy nhiên, theo ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam, gói 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ có hàng dệt may nhưng không phải tất cả các mặt hàng. Nếu gói 200 tỷ USD được Mỹ thực hiện, xuất khẩu của Tập đoàn Dệt May sẽ bị ảnh hưởng vào năm 2019. Ông Cao Hữu Hiếu cho rằng: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong năm 2019 trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của hai nước lớn, cơ hội cho dệt may Việt Nam là 50-50 và vấn đề là doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội hay không”?

 

Thị trường Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, do vậy theo ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thì Bộ sẽ kết hợp với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để kết nối giao thương, tổ chức doanh nghiệp tham dự hội chợ mà có quy mô, uy tín ở Mỹ. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa vào đáp ứng được mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm phù hợp với từng thị trường, dễ dàng tiếp cận với các thị trường xuất khẩu hơn: “Đối với quan hệ Mỹ - Trung thì còn nhiều vấn đề phải bàn. Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị liên quan thu thập thông tin, đánh giá liên quan đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và cũng đặt ra những thay đổi chính sách cho phù hợp với công tác xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với thị trường Mỹ và Trung Quốc. Tôi cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Donal Trump đưa ra những chính sách cứng rắn về thương mại trên cơ sở Mỹ muốn thay đổi lại chính sách đối với tất cả đối tác thương mại khác của Mỹ, thì các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước cần hết sức chủ động trong việc nắm bắt tình hình cũng như chính sách mới, những thông tin mới từ thị trường Mỹ để điều chính chính sách trong các cơ quan quản lý, còn doanh nghiệp thay đổi thói quen, cách thức tiếp cận với thị trường Mỹ linh hoạt kịp thời, đáp ứng được yêu cầu phía Mỹ...”.

 

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có những diễn biến khó lường, khó đoán định thời gian kết thúc. Do vậy, điều quan trọng nhất với các doanh nghiệp Việt Nam là phải đa dạng thị trường để không phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường lớn nào. Cùng với đó, thận trọng trong việc liên kết sản xuất hay làm cầu nối thương mại giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với thị trường Mỹ để hạn chế rủi ro không đáng có, đồng thời chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường để có giải pháp ứng phó phù hợp./.

 

Hoàng Xuân Lan


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang