Thứ Sáu, 29/03/2024 01:54:43 GMT+7

Tin đăng lúc 05-04-2019

Lượt xem: 2892

Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030

Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh về kinh tế đã kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng cao. Do vậy, sử dụng năng lượng một cách hiệu quả sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cải thiện môi trường sống tự nhiên hiện tại.
Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030
ử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và xanh hóa môi trường tự nhiên.

Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và gần đây nhất, tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) giai đoạn 2019 - 2030.

 

Đây là Chương trình không những góp phần quan trọng cho việc đảm bảo, ổn định an ninh năng lượng quốc gia mà còn thể hiện hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính theo đúng thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Theo đó, Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể cho giai đoạn từ nay đến năm 2025, tổng mức năng lượng tiêu thụ toàn quốc tiết kiệm từ 5 - 7%; Mức tổn thất điện năng giảm xuống dưới 6,5%; Giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 - 2018; Đảm bảo 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo đúng quy định; Đạt 90% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và phê duyệt kế hoạch, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương; Đào tạo, cấp chứng chỉ cho 3.000 chuyên gia quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng…

 

Giai đoạn đến năm 2030, tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc tiết kiệm được từ 8 - 10%; Mức tổn thất điện năng giảm xuống dưới 6,0%; Giảm 5% lượng tiêu thụ xăng, dầu trong giao thông vận tải so với dự báo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của ngành đến năm 2030; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và phê duyệt kế hoạch, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương; Đạt 90% khu công nghiệp và 70% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Thực hiện dãn nhãn năng lượng đối với 50% các loại sản phẩm vật liệu xây dựng có yêu cầu về cách nhiệt sử dụng trong công trình xây dựng…

 

Trên cơ sở đó, Chương trình đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện với tổng kinh phí cho cả giai đoạn 2019 - 2030 là 4.400 tỷ đồng. Trong đó, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình là xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng sạch Việt Nam với đầy đủ các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và SDNLTK&HQ. Cụ thể, Trung tâm sẽ thực hiện chức năng thống kê năng lượng, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành về năng lượng; Xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về cơ sở dữ liệu năng lượng; Đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ, thiết bị thông minh được tích hợp trong quản lý, vận hành hệ thống sử dụng năng lượng và quản lý, điều hành giao thông vận tải; Xây dựng và hướng dẫn sử dụng phần mềm trong quản lý, cập nhật dữ liệu SDNLTK&HQ sao cho phù hợp với các đối tượng sử dụng năng lượng, các cơ quan quản lý năng lượng các cấp từ trung ương đến địa phương.

 

 

 Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và hướng dẫn nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiết kiệm năng lượng

 

Bên cạnh đó, Chương trình cũng sẽ hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho các đơn vị trong việc ứng dụng công nghệ mới có hiệu suất năng lượng cao trong sản xuất, chế tạo máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, liên lạc viễn thông, tưới tiêu, khai thác và nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản… Ngoài ra, Chương sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về SDNLTK&HQ; Tăng cường quan hệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực SDNLTK&HQ…

 

Để thực hiện tốt các dự án trên, Chương trình đã đề ra nhiều giải pháp như: Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia về SDNLTK&HQ tại trung ương và cơ quan thường trực tại các địa phương; Đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và hướng dẫn nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiết kiệm năng lượng; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tất cả các cấp, các ngành và các lĩnh vực theo đúng quy định của pháp luật…

 

Là đơn vị được Chính phủ giao làm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia về SDNLTK&HQ, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, lập kế hoạch năm và tổng hợp đề xuất các nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương liên quan; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kỹ thuật về SDNLTK&HQ nhằm mang lại các cơ chế tài chính thúc đẩy thị trường dịch vụ năng lượng. Đồng thời, Bộ Công Thương xây dựng các quy định về chứng nhận SDNLTK&HQ cho cơ sở sử dụng năng lượng, bao gồm: Tiêu chí đánh giá, tổ chức đánh giá, giám sát, kiểm tra, cấp chứng nhận và quy trình thực hiện việc cấp chứng nhận; Thực hiện việc hỗ trợ kỹ thuật, thúc đẩy các dự án đầu tư, lắp đặt, cải tạo, sản xuất phương tiện thiết bị với quy trình công nghệ tiên tiến cho các cơ sở sản xuất và các hộ gia đình.

 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương có vai trò hướng dẫn các địa phương trong công tác lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch SDNLTK&HQ; Chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động về truyền thông, giáo giục và định kỳ tổ chức các cuộc thi, chương trình xúc tiến thương mại; Mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực thông qua triển khai các dự án hợp tác về sử dụng năng lượng xanh trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và thương mại…

 

Anh Tuấn


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang