Thứ Bẩy, 20/04/2024 22:16:27 GMT+7

Tin đăng lúc 04-01-2020

Lượt xem: 5241

Chính phủ quyết liệt hơn với cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Người đứng đầu các ngành, các cấp phải nắm được tinh thần cải cách của Nghị quyết 02/2020 là “bất cứ điều gì làm tăng chi phí, rủi ro cao, gây phiền phức phải bị loại bỏ”.
Chính phủ quyết liệt hơn với cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Bình luận về nội dung Nghị quyết này, TS. Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói rằng: Ở Nghị quyết này, Chính phủ đã quyết liệt hơn, thể hiện ở chỗ các mục tiêu đặt ra cao hơn, các giải pháp đi vào cụ thể hơn.

 

Nghị quyết 02/2020 tiếp tục thực hiện mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể định hướng đến năm 2021 theo Nghị quyết số 02/ 2019, nhưng đặt ra các mục tiêu cao hơn: Năm 2020, phấn đấu môi trường kinh doanh theo xếp hạng EoDB (của Ngân hàng Thế giới - WB) lên 10 bậc; năng lực cạnh tranh theo xếp hạng GCI 4.0 (của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF) lên 5 bậc; đổi mới sáng tạo theo xếp hạng GII (của Tổ chức Sở  hữu Trí tuệ Thế giới - WIPO) lên 3 - 4 bậc; Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc - UN) lên 10 - 15 bậc.

 

Nghị quyết nêu rõ, 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020: Tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh; Cải cách thực chất các các quy định về điều kiện kinh doanh; Tiếp tục cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN;  Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

 

“Đây là những cải cách phải làm thường xuyên liên tục, nếu dừng lại sẽ lại nảy sinh những vướng mắc mới, rào cản mới”, ông Cung nói.

 

Trong đó phải tiếp tục cải thiện thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, cải cách thực chất các các quy định về điều kiện kinh doanh. Cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành.

 

Phải tiếp tục cắt giảm 50% mặt hàng kiểm tra chuyên ngành theo mã HS chi tiết chứ không phải theo mã HS chuyên ngành, ông Cung lưu ý. Đồng thời là chuyển mạnh sang kiểm soát rủi ro thay vì kiểm tra trước thông quan.

 

Ông Cung cũng kỳ vọng việc thực hiện Nghị quyết 02 với những chỉ tiêu cao, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đặt ra với sự thực hiện nghiêm túc của các bộ, ngành và địa phương thì năm 2020 sẽ có những bước tiến mạnh mẽ.

 

“2020 là năm cuối của nhiệm kỳ, cũng là năm tiếp theo của những Nghị quyết 02, Nghị quyết 19 trước đó, không lẽ đến năm nay là dừng lại. Hơn nữa còn rất nhiều lĩnh vực cần cải cách mạnh ví dụ như chỉ số khởi sự kinh doanh, phá sản, bảo vệ nhà đầu tư… Đây là những chỉ số rất đáng xấu hổ vì lẽ ra cải cách được, còn nhiều dư địa để cải cách mà ta không làm được.Tôi đã phải nói như vậy trong cuộc họp Hội đồng nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”, ông Cung cho biết.

 

Theo ông Cung, về khởi sự kinh doanh mà bỏ được hai, ba thủ tục là có thể tăng được 9 -10 bậc.

 

Tại Nghị quyết 02 đã nêu rõ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực thi đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, đúng các quy định mới về điều kiện kinh doanh.

 

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là thực thi thế nào, làm sao để tình trạng “trên nóng dưới lạnh” không còn tiếp diễn để cải cách thực chất, để việc thực hiện Nghị quyết 02 quyết liệt như quyết tâm của Chính phủ.

 

Nói về vấn đề thực thi, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ kỳ vọng Chính phủ kiên định con đường đổi mới, thúc đẩy các cấp các ngành hành động.

 

Đồng thời tiếp tục xây dựng một thể chế kinh tế minh bạch và công bằng, một đội ngũ cán bộ, công chức tận tâm, phòng chống tham nhũng có hiệu quả, chú trọng thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, coi trọng phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để tạo thế "sâu rễ, bền gốc" cho nền kinh tế Việt Nam.

 

Còn TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng Nghị quyết 02 có thành công hay không, đạt được mục tiêu như Chính phủ đặt ra hay không quan trọng là ở các Bộ trưởng và Lãnh đạo các tỉnh phải lấy tinh thần cải cách là “tự do kinh doanh, an toàn kinh doanh, tháo bỏ rào cản” tức là kinh doanh an toàn, ít rủi ro, ít chi phí… lấy cải thiện xếp hạng là tinh thần cải cách.

 

“Người đứng đầu nắm được tinh thần cải cách của Nghị quyết 02/2020 là “bất cứ điều gì làm tăng chi phí, rủi ro cao, gây phiền phức phải bị loại bỏ”. Thấu được tinh thần này mới biết cần làm gì, làm như thế nào để thúc ép cấp dưới phải cải cách. Lãnh đạo không thấu được tinh thần thì sẽ không nhạy cảm với cuộc sống, nhạy cảm với các vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải. Không nắm được tinh thần của Nghị quyết 02 này thì sẽ cải cách lơ mơ làm không thực chất”, ông Cung nói.

 

Theo Thơi Báo Ngân Hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang