Thứ Sáu, 19/04/2024 15:39:59 GMT+7

Tin đăng lúc 27-11-2015

Lượt xem: 3345

Chống hàng giả: Cộng đồng phải chung tay

Chống hàng giả, hàng nhái không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước hay của riêng ai mà cả DN và người tiêu dùng cần phải chung tay để thực hiện.
Chống hàng giả: Cộng đồng phải chung tay

Hưởng ứng Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam (29/11), ngày 26/11, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM phối hợp với Công ty Phát triển khoa học công nghệ và Cổng truyền thông chống hàng giả Việt Nam (www.chg.vn) tổ chức Hội thảo “Chống hàng giả, hàng lậu và vi phạm sở hữu trí tuệ để hội nhập và phát triển bền vững”.

 

Theo phản ánh của các DN, hiện nay hàng giả, kém chất lượng, hàng nhái đang lưu hành tràn lan trên thị trường, gây nhiều thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín, thương hiệu của DN.

 

Đại diện Công ty NGK Spark Plug Việt Nam (DN chuyên sản xuất bugi NGK) cho biết kết quả khảo sát của DN này trong năm 2014 cho thấy khi mua 1.208 chiếc bugi thương hiệu NGK trên toàn quốc thì phát hiện tới 20,5% là hàng giả.

 

Để chống hàng giả, hằng tháng, DN này phải cho nhân viên thăm dò thị trường, kiểm tra và ghi nhận thông tin về hàng nhái và hàng giả. Tiếp theo, NGK sẽ tìm người bán, nơi bán và cách thức bán hàng giả, sau đó, thông báo cho đơn vị có thẩm quyền để điều tra, xử lý. Đây cũng là giải pháp thông dụng, được nhiều DN phản ánh tại hội thảo.

 

Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển khoa học công nghệ (Vina CHG) cho rằng, chống hàng giả, hàng nhái không chỉ là công tác của riêng các cơ quan quản lý Nhà nước hay của riêng ai mà mỗi DN, người tiêu dùng cần phải chung tay và tìm mọi cách để thực hiện công tác này. Có như vậy, thương hiệu DN mới được bảo vệ, quyền lợi của người tiêu dùng mới được đảm bảo.

 

Để hỗ trợ DN và người tiêu dùng phát hiện kịp thời hàng giả Công ty Vina CHG đã sản xuất tem thông minh VinaCheck. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, khi sản phẩm được dán tem VinaCheck, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, phân biệt hàng thật, hàng giả.


Ở góc độ người tiêu dùng, ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM khuyến nghị người tiêu dùng trước khi mua các sản phẩm, dịch vụ hàng hóa cần tìm hiểu kỹ tính năng, xuất xứ, công dụng, giá cả và yêu cầu xuất hóa đơn khi mua hàng. Bên cạnh đó, nên mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ ở những DN, trung tâm thương mại có thương hiệu, có dịch vụ sau bán hàng hợp lý, ở các đại lý có đăng ký của các thương hiệu. 


Khi phát hiện hàng giả, hàng nhái nên báo ngay với các cơ quan chức năng (quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế...).

 

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 cho rằng, ngoài sự quyết tâm thực hiện từ các lãnh đạo địa phương, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại cấp xã, phường là rất quan trọng. 


Theo ông Hùng, không thể có chuyện hàng gian, hàng giả "mọc cánh" để vào trong nội thị. Phải xem nó ở đâu, chính quyền cơ sở làm hết sức chưa, nếu hết sức rồi mà vẫn để diễn ra tình trạng trên thì phải báo cáo với cấp trên, phải tăng cường phối hợp, tăng cường các biện pháp khác để ngăn chặn, tránh trình trạng không có ai chịu trách nhiệm.

 

 Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang