Thứ Ba, 19/03/2024 13:38:13 GMT+7

Tin đăng lúc 14-04-2018

Lượt xem: 2760

Chung quanh việc bổ sung thông tin thuê bao di động

Mấy ngày gần đây, có rất đông người dùng điện thoại di động đổ xô đến các hàng giao dịch của nhà mạng để bổ sung thông tin đăng ký thuê bao di động, nhất là ảnh chụp chân dung do lo ngại sẽ bị khóa thuê bao theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, việc hoàn thiện thông tin đăng ký thuê bao (có cả ảnh chụp) dù là rất cần thiết để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước cũng như bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhưng quan trọng
Chung quanh việc bổ sung thông tin thuê bao di động
Khách hàng bổ sung thông tin thuê bao tại cửa hàng giao dịch của nhà mạng Vinaphone.

Không quá phức tạp

 

Ba giờ chiều, tại cửa hàng giao dịch Vinaphone trên phố Đinh Tiên Hoàng (Bưu điện Hà Nội) đông nghịt khách hàng. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong hơn 30 khách hàng đến đây, phần lớn là để bổ sung thông tin thuê bao cá nhân. Đến lượt mình, bác Hùng, một cán bộ về hưu tiến lại quầy, đưa cho cô nhân viên chiếc thẻ căn cước rồi đọc số điện thoại. Chỉ vài phút sau, thủ tục hoàn thiện thông tin đã được hoàn tất, bao gồm cả việc cô nhân viên chụp ảnh chân dung bằng chính chiếc điện thoại iPhone của mình. Với vẻ yên tâm lộ rõ trên khuôn mặt, bác Hùng chia sẻ: Nghe tin số máy sẽ bị khóa nếu không có ảnh, tôi tất tả đến đây để làm thủ tục. Thủ tục rất nhanh, chỉ mất hai đến ba phút chứ không lâu như tôi nghĩ.

 

Cách đấy vài con phố, tại cửa hàng Viettel góc phố Hàng Dầu (Hà Nội) cũng tấp nập khách hàng ra vào để bổ sung thông tin thuê bao. Tuy nhiên, khách dù đông nhưng vẫn không gây “nghẽn” vì theo ghi nhận, mọi thủ tục đều được thực hiện nhanh gọn. Đại diện nhà mạng Viettel cho biết, từ khi báo chí đăng tải thông tin thuê bao di động khả năng sẽ bị khóa một chiều nếu không bổ sung đầy đủ thông tin đăng ký trước ngày 24-4, lượng khách hàng đến các điểm giao dịch của Viettel đã tăng vọt. Ở những điểm “nóng” như cửa hàng Viettel tại phố Lương Văn Can, Hàng Dầu (Hà Nội), mỗi ngày có khoảng 60 - 70 khách hàng đến để hoàn thiện thông tin, tập trung chủ yếu vào khoảng 10 giờ hoặc 15 giờ. Như vậy, với khoảng 2.000 cửa hàng Viettel trên toàn quốc, số người đến là rất lớn. Tuy nhiên, vị đại diện này cũng khẳng định, khách đến đông nhưng không xảy ra hiện tượng tắc nghẽn, do việc đăng ký rất nhanh gọn, chỉ mất vài phút đối với mỗi khách hàng. Bên cạnh đó, đối với những người đang xếp hàng cũng có ngay nhân viên hỗ trợ tại chỗ, hướng dẫn cụ thể việc cài đặt và cập nhật thông tin trực tiếp qua ứng dụng My Viettel chứ không cần tiếp tục chờ đợi. Viettel cũng khuyến nghị, khách hàng không nhất thiết phải đến các cửa hàng giao dịch mà nên thực hiện bổ sung thông tin qua ứng dụng My Viettel do nhà mạng cung cấp; đồng thời những khách hàng lớn tuổi, sức khỏe yếu, gặp khó khăn trong đi lại, di chuyển cũng có thể gọi tới tổng đài để yêu cầu hỗ trợ cập nhật thông tin tại nhà. Riêng với nhóm khách hàng doanh nghiệp đăng ký nhiều thuê bao, nếu có nhu cầu được hỗ trợ chuẩn hóa thông tin thuê bao ngay tại nơi làm việc thì liên hệ Viettel tỉnh/thành phố trên địa bàn hoặc gọi tổng đài chăm sóc khách hàng. Thời gian tới, trong trường hợp lượng khách hàng vẫn tiếp tục tăng, Viettel cũng đã có phương án tăng cường nhân lực, thêm ca thêm kíp để kịp thời phục vụ khách hàng.

 

Cần thiết bổ sung ảnh

 

Theo quy định tại Nghị định 49, từ ngày 24-4-2018, các thuê bao di động đều phải có thông tin chính xác, bao gồm thông tin đối tượng sử dụng số thuê bao và ảnh chụp chân dung chủ thuê bao. Sau thời điểm này, thuê bao nào có thông tin thuê bao không đúng quy định, nhà mạng phải thông báo liên tục trong ít nhất năm ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức sở hữu thuê bao thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, nhà mạng có thể tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ lần đầu tiên gửi thông báo và tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo, đồng thời thông báo thuê bao sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu vẫn không thực hiện. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi nhận được, vì dự kiến số lượng thuê bao không được bổ sung ảnh vẫn sẽ rất lớn cho nên việc “khóa số” sẽ khó thực hiện được ngay sau ngày 24-4 mà phải chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Thông tin và Truyền thông để tránh gây xáo trộn lớn. Tất nhiên, việc bổ sung thông tin vẫn là cần thiết vì theo lộ trình, việc khóa số sớm muộn cũng sẽ được thực hiện.

 

Về những thắc mắc chung quanh việc phải bổ sung ảnh chân dung chủ thuê bao, đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Thị Ngọc Mơ cho biết: Khi xây dựng và triển khai Nghị định 49, chính các doanh nghiệp viễn thông di động đã có sáng kiến yêu cầu chụp ảnh chân dung chủ thuê bao để lưu lại, phục vụ khâu hậu kiểm. Việc chụp ảnh chân dung là nhằm tăng tính xác thực khi khó nhận biết chứng minh nhân dân do người đăng ký thuê bao mới hoặc người cần bổ sung thông tin mang đến có đúng là của người đăng ký thuê bao hay không. Việt Nam cũng không phải quốc gia duy nhất áp dụng quy định này. Tham khảo kinh nghiệm các nước như Thái-lan, chủ thuê bao di động không những phải chụp ảnh chân dung mà còn phải lưu cả dấu vân tay để bảo đảm chính chủ. Do đó, nếu bây giờ không triển khai chụp ảnh chủ thuê bao thì khó có cơ sở dữ liệu thuê bao đúng người dù thông tin trong cơ sở dữ liệu có đủ tên tuổi, ngày tháng…

 

Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, việc yêu cầu chủ thuê bao di động, nhất là thuê bao trả trước phải bổ sung ảnh chân dung là nhằm ngăn chặn tình trạng sim “rác”, tin nhắn “rác”, hỗ trợ quản lý thuê bao chính xác, không chỉ bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người sử dụng dịch vụ viễn thông, mà quan trọng hơn là góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vấn đề đặt ra là phải vừa thực hiện tốt việc quản lý nhà nước, doanh nghiệp vừa không gây phiền hà cho người sử dụng. Vì vậy, các doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm điểm cung cấp dịch vụ của mình thực hiện đúng quy định, đồng thời có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng dịch vụ viễn thông dễ dàng cập nhật lại thông tin thuê bao trả trước chưa chính xác; nỗ lực sớm hoàn thành mục tiêu có cơ sở dữ liệu thuê bao đầy đủ, chính xác, đúng quy định. Để đạt mục tiêu vì lợi ích của người tiêu dùng lên trên hết nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, có thể với thuê bao đã xác định chính chủ thì chỉ cần cập nhật thông tin dữ liệu còn thiếu. Nếu chủ thuê bao đã có chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng thì có thể lấy luôn ảnh chứng minh nhân dân làm ảnh chụp.

 

Trước lo ngại lớn nhất của người dùng là thông tin cá nhân, bao gồm cả ảnh chụp chân dung có thể bị lợi dụng, các nhà mạng đều nhấn mạnh: Bảo đảm an toàn và bí mật thông tin thuê bao là trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, đã được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP. Do đó, các nhà mạng luôn ý thức được trách nhiệm này và sẽ triển khai các biện pháp để bảo đảm điều đó trong các quy chế hoạt động và quy trình quản lý thông tin thuê bao của mình.

 

 

Nguồn Báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang