Thứ Sáu, 19/04/2024 07:19:05 GMT+7

Tin đăng lúc 28-12-2020

Lượt xem: 1545

Cơ sở sản xuất Hương Giang: Nắm bắt cơ hội để bứt phá

Những năm gần đây, cùng với ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng được nâng cao, những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên cũng ngày càng được ưa chuộng. Ống hút tre của Cơ sở sản xuất Hương Giang (xóm Hà, xã Phúc Hà, TP Thái Nguyên) là một ví dụ sinh động như vậy.
Cơ sở sản xuất Hương Giang: Nắm bắt cơ hội để bứt phá
Sản phẩm ống hút tre của cơ sở Hương Giang

Ngày 28/10/2020, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Đây được đánh giá là cơ hội cho những doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh tham gia vào thị trường hàng tiêu dùng bằng cách sản xuất đồ thủ công, đồ dùng sinh hoạt thay thế nhựa.

 

Cơ sở sản xuất Hương Giang tại xóm Hà, xã Phúc Hà, TP Thái Nguyên có vốn đăng ký điều lệ 100 triệu đồng được coi là một trong những cơ sở CNNT điển hình đón đầu xu hướng sử dụng sản phẩm thay thế nhựa. Sản phẩm chủ đạo của Hương Giang là ống hút tre, thân thiện với môi trường. Ống hút được làm từ cây tre có độ tuổi từ 1,5 năm trở lên. Ống có chiều dài từ 150 – 220mm với đường kính lòng trong từ 4 – 12mm, sử dụng thay thế các loại ống hút nhựa.

 

Ban đầu, thân tre được tuyển chọn đúng với kích thước và yêu cầu của sản phẩm. Sau khi khác thác, tre được phơi trong 1 tháng, sau đó được đánh bóng bằng máy, cắt ngắn theo yêu cầu đơn hàng, đánh nhẵn 2 đầu bằng máy. Ở công đoạn tiếp theo, người ta sẽ hấp sản phẩm trong nhiệt độ từ 150 – 200 độ C. Cuối cùng, sản phẩm sẽ được sấy khô ở nhiệt độ 150 độ C. Quy trình sản xuất của cơ sở Hương Giang được đánh giá là có công nghệ, thiết bị sản xuất sản phẩm đồng bộ, phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp và quan trọng nhất là giảm thiểu tác hại với môi trường.

 

Mỗi năm, cơ sở Hương Giang sản xuất 300.000 ống hút tre và đang có kế hoạch nâng lên thành 1 triệu ống/năm trong năm tới. Doanh thu hiện tại của cơ sở Hương Giang là 450 triệu đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước 30 triệu đồng. Tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ tại thị trường trong nước là 70%, còn lại 30% xuất đi nước ngoài. Sản phẩm ống hút tre của Hương Giang được đánh giá là có khả năng thay thế ống hút nhựa, giấy, gạo hay kim loại, đáp ứng một phần thị trường trong và ngoài nước… Đặc biệt, toàn bộ quy trình khai thác, sản xuất của Hương Giang được cho là thân thiện với môi trường. Nguồn nguyên liệu được khai thác khá bền vững, chỉ khai thác những thân tre đủ tuổi, đủ điều kiện để đảm bảo nguồn cung ổn định quanh năm. Sản phẩm cũng được sản xuất với 100% nguyên liệu từ tự nhiên, không sử dụng hoá chất trong quá trình sản xuất.

 

Ông Nguyễn Bình Nguyên, chủ cơ sở sản xuất Hương Giang cho biết: “Cây tre là biểu tượng đặc sắc của dân tộc Việt Nam, gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Do đó chúng tôi luôn cố gắng chú trọng, phát triển những sản phẩm có nguồn gốc từ cây tre, nâng cao các giá trị văn hoá của sản phẩm sao cho vừa phù hợp với đời sống hiện đại, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

 

 

Ống hút tre của cơ sở Hương Giang lọt tốp 30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm CNNT 

 

Tháng 6/2020, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định số 1826/QĐ-UBND về việc công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên năm 2020. Theo đó, sản phẩm ống hút tre của cơ sở Hương Giang nằm trong số 30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2020. Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên năm 2020, sản phẩm ống hút tre của cơ sở Hương Giang được thiết kế mới tỉ mỉ, hình thức mẫu mã độc đáo, bao bì đẹp và có khả năng thay đổi thói quen tiêu dùng các sản phẩm nhựa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.

 

Có thể nói, thành công của cơ sở Hương Giang có một phần đóng góp không nhỏ của các chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Cùng với Hương Giang, rất nhiều cơ sở CNNT khác ở Thái Nguyên đã được hưởng lợi từ chính sách khuyến công của tỉnh. Riêng trong năm 2020, toàn tỉnh thực hiện 20 đề án hỗ trợ khuyến công, với tổng kinh phí thực hiện hơn 3 tỷ đồng. Tính chung trong giai đoạn 2016 – 2020, Thái Nguyên đã và đang triển khai 120 đề án hỗ trợ khuyến công với tổng kinh phí thực hiện trên 21 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, các cơ sở CNNT đã có cơ hội tham gia các chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực và các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

 

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Hiệu quả của hoạt động khuyến công khó định lượng chính xác nhưng ở nhiều khía cạnh có thể thấy rõ. Đó là việc góp phần thúc đẩy công nghiệp ở khu vực nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy tiềm năng của từng địa phương; tạo sự lan tỏa, giúp các cơ sở sản xuất nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh, tự tin hơn khi tham gia vào chuỗi liên kết, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động ngay tại địa phương”.

 

Lê Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang