Thứ Sáu, 19/04/2024 00:04:20 GMT+7

Tin đăng lúc 04-11-2016

Lượt xem: 3294

Còn rào cản kinh doanh: Sẽ không có thị trường cạnh tranh

Các chuyên gia kinh tế cho rằng một thị trường nào mà còn rào cản để hạn chế số doanh nghiệp hoạt động trong thị trường đó thì thị trường đó vẫn chưa có sự cạnh tranh thực sự. Do vậy, cần phải giảm rào cản không cần thiết, tăng tự do kinh doanh cho DN, tạo môi trường cạnh tranh nhiều hơn, để nguồn lực được phân bố theo tín hiệu thị trường lành mạnh. Đấy cũng là trọng tâm của cải cách thể chế trong thời gian tới.
Còn rào cản kinh doanh: Sẽ không có thị trường cạnh tranh
Cần phải giảm rào cản không cần thiết, tăng tự do kinh doanh cho DN, tạo môi trường cạnh tranh nhiều hơn

Bàn về việc xây dựng thị trường cạnh tranh, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nêu quan điểm: “Tôi dự nhiều hội thảo và có nhiều trao đổi, người ta nói một thị trường có ba người đã là cạnh tranh rồi, nhưng tôi cho rằng ba người đúng là có cạnh tranh nhưng không phải không còn độc quyền. Vì vậy, tôi cho rằng thị trường nào mà còn rào cản để hạn chế số DN hoạt động trong thị trường đó thì thị trường đó vẫn chưa có sự cạnh tranh thực sự”.

 

DNNN vẫn được ưu ái, chiều chuộng

 

Dẫn chứng cho khẳng định trên, ông Cung ví dụ như những bất cập về quy định nhập khẩu ô tô của Thông tư 20 đang tạo độc quyền vì hạn chế những người khác tham gia – đây là chính sách đang hạn chế cạnh tranh.

 

“Tôi nói vậy để thấy quan niệm về cạnh tranh và độc quyền trong tư duy chính sách và thể chế chính thống chưa phù hợp, ngay cả như quy định về điều kiện kinh doanh đặt ra giới hạn về quy mô như kiểu kinh doanh gas phải có bình chứa mấy nghìn m3, có 300 vỏ bình gas, đó chính là hạn chế gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh và đặc biệt là chưa có cạnh tranh”, ông Cung nói.

 

Khi phân tích một số chính sách cạnh tranh ở Việt Nam hiện nay. Ts. Đặng Quang Vinh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết, Việt Nam hiện chưa có một chính sách toàn diện về cạnh tranh; hệ thống pháp luật về cạnh tranh chưa đầy đủ, chưa có hiệu lực.

 

Bằng chứng là kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 đã cho thấy là 30% doanh nghiệp tư nhân (DNTN) cho biết việc chính quyền địa phương ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN), gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của họ. Sự tham gia của DNNN làm cho DNTN khó tiếp cận tín dụng hơn.

 

Ngoài ra, hơn 31,6% DNTN cho rằng việc chính quyền địa phương ưu ái cho DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của khu vực DNTN.

 

Bên cạnh đó, nội dung chính của chính sách cạnh tranh là chống độc quyền, chống lạm dụng các vị trí thống lĩnh thị trường, những hành vi phản cạnh tranh, song trên thực tế, việc điều tra, xử lý chưa hiệu quả.

 

“Việc tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả chưa được như mong muốn. Vẫn còn rất nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện đó thường phức tạp, làm cho các nhà đầu tư nhỏ khó tiếp cận thị trường. Sân chơi giữa các DN cũng chưa bình đẳng, thể hiện ở chỗ các DN lớn, DNNN, DN FDI có nhiều cơ hội, ưu đãi, tiếp cận nguồn lực tốt hơn DN vừa và nhỏ Việt Nam”, Ts. Đặng Quang Vinh cho biết.

 

Cụ thể, theo nghiên cứu của CIEM, khi DN Việt Nam gia nhập thị trường thì gặp nhiều rào cản bởi có hơn 267 ngành kinh doanh của các DN cần được cấp phép và thủ tục cấp phép thực tế thường rất phức tạp và tốn kém một cách không cần thiết.

 

“Quản lý nhà nước là cần thiết nhưng bảo vệ quá mức sẽ tạo ra chi phí không cần thiết cho nền kinh tế và cản trở cạnh tranh, giảm cơ hội đạt được tăng trưởng cao và bền vững” – ông Đặng Quang Vinh nhấn mạnh.

 

Thậm chí, ông Vinh cho rằng hệ thống pháp luật về cạnh tranh chưa đầy đủ, chưa hiệu lực, thiếu các quy định về độc quyền nhà nước, điều tiết hành vi độc quyền nhà nước chủ yếu theo quyết định hành chính. Các khái niệm chưa được định nghĩa rõ ràng, còn gây tranh cãi, khó xử lí vi phạm, ví dụ gây hạn chế cạnh tranh.

 

“Cơ quan thi hành pháp luật cạnh tranh chưa đủ mạnh. Cục quản lý cạnh tranh cơ quan thuộc Bộ Công Thương thiếu tính độc lập, thiếu năng lực và nguồn lực cho điều tra các vụ việc về cạnh tranh. Trong khi đó, hội đồng cạnh tranh không có chuyên gia về luật cạnh tranh, kinh tế, chuyên gia độc lập, chủ yếu là quan chức hành chính”, ông Vinh nói.

 

Xóa bỏ độc quyền

 

Nhận định ngành công nghiệp mạng (điện, than, viễn thông…) là những ngành quan trọng để cải cách cạnh tranh, ông Warren Mundy, chuyên gia tư vấn về cạnh tranh của Australia, cho rằng để thị trường cạnh tranh lành mạnh, xây dựng thể chế là điều kiện đặc biệt quan trọng.

 

“Để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN với DNTN trong quá trình chuyển đổi, cần tách các DNNN thành các DN hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời, cho phép DN khu vực tư nhân tham gia thị trường với các DN mới gia nhập hoặc bán các DN cũ”, ông Warren Mundy tư vấn.

 

Cụ thể, DNNN phải chịu sự điều chỉnh về cạnh tranh, về môi trường như các DN khác, không được ưu đãi khi tham gia các hoạt động mua sắm Chính phủ hoặc các thỏa thuận thương mại. Đồng thời phải bị quản lý và cũng sẽ bị phạt, bị khiếu kiện như các DN khác nếu có sai phạm. Nhà quản lý và giám đốc DN cũng phải bị phạt như các giám đốc trong khu vực kinh tế tư nhân nếu sai phạm.

 

Theo ông Warren Mundy, mục đích của chính sách cạnh tranh không chỉ là cạnh tranh mà có hai mục tiêu song hành với nhau. Đó là cải thiện được nền kinh tế thị trường nâng cao thu nhập của người dân và tạo cơ hội mở rộng tiêu dùng của người dân với nhiều hàng hóa hơn và giá cả hợp lý.

 

Theo ông Vinh, Nhà nước cần hoàn thiện luật cạnh tranh theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cần tạo dựng sân chơi bình đẳng cho các DN, cải cách thể chế về gia nhập thị trường, giảm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, loại bỏ các rào cản không cần thiết trong các ngành còn lại, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho DNNVV hoạt động.

 

Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
-------------------------------

Để giảm sự tác động của Nhà nước vào thị trường, vai trò của Nhà nước cần chuyển từ can thiệp, điều khiển trực tiếp sang hỗ trợ và định hướng gián tiếp, nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh thực sự cạnh tranh, bình đẳng, nâng cao tính thị trường của nền kinh tế. Nhà nước là người điều tiết, cân bằng lợi ích và thúc đẩy đầu tư phát triển.

Ông Warren Mundy, Chuyên gia tư vấn về cạnh tranh của Australia
-------------------------------

Để thị trường cạnh tranh lành mạnh, xây dựng thể chế là điều kiện quan trọng để thực hiện thành công. Theo đó, thể chế cần phải rõ ràng, có chức năng phân biệt. Các cơ quan không những phải được tách biệt với nhau mà còn phải tách biệt nhiệm vụ hoạch định chính sách và sở hữu tài sản của Nhà nước.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế
-------------------------------

Hiện nay, có sự bất bình đẳng giữa DN thân hữu và không thân hữu, trong đó, doanh nghiệp thân hữu là doanh nghiệp nhà nước, số lớn DN FDI và phần ít doanh nghiệp tư nhân lớn được tiếp cận nguồn lực, cơ chế tốt hơn.

 

 

Nguồn Thời báo Kinh Doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang