Thứ Năm, 28/03/2024 19:48:08 GMT+7

Tin đăng lúc 04-04-2019

Lượt xem: 1602

Công bố nhiều nghiên cứu về công nghệ sinh – y sinh trong điều trị y khoa lâm sàng

Đó là những nghiên cứu về hiệu quả sử dụng ánh sáng đỏ trong thiết lập tĩnh mạch ngoại biên; liệu pháp nano oxy hóa khử ứng dụng trong kháng khuẩn và kháng ung thư; hay tác dụng bảo vệ gan, lợi mật và độc tính cấp của bài thuốc dân gian ”bàn tay ma” vùng Tây Bắc;…
Công bố nhiều nghiên cứu về công nghệ sinh – y sinh trong điều trị y khoa lâm sàng
Diễn giả báo cáo các nghiên cứu tại Hội nghị

Hội nghị Khoa học Ứng dụng công nghệ sinh – y sinh trong điều trị y khoa lâm sàng (lần thứ nhất) do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ thuộc Thành Đoàn TPHCM phối hợp với Bệnh viện Quân y 7A và Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM tổ chức ngày 30/3 tại TPHCM.

 

Hội nghị đã nhận 40 bài báo khoa học công bố nhiều nghiên cứu mới về công nghệ sinh – y sinh trong điều trị y khoa lâm sàng của 22 đơn vị tham gia.

 

Trong số đó thể kể đến nghiên cứu hiệu quả của đèn ánh sáng đỏ trong hỗ trợ việc thiết lập tĩnh mạch ngoại biên (TLTMNB) trên các bệnh nhi suy hô hấp điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng I của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. TLTMNB được chỉ định hầu hết cho các bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện, nhằm thực hiện việc lấy máu xét nghiệm, truyền thuốc, dịch. Việc thất bại sau lần một được coi là một ca khó TLTMNB. Bệnh nhi thuộc nhóm khó này thường dưới 12 tháng, sinh non, da sạm màu, vein không thấy hay ngoằn ngoèo, sợ kim tiêm, bệnh mạn tính,… Việc TLTMNB nhanh chóng giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm nguy cơ tử vong, đau đớn, lo sợ cho bệnh nhi. Sau khi sử dụng đèn soi ánh sáng đỏ cho 160 bệnh nhi, tỷ lệ thành công khi TLTMNB là 93,16%. Kết quả nghiên cứu đã chứng minh được đèn ánh sáng đỏ hiệu quả trong việc TLTMNB và nên được trang bị cho các bệnh viện.

 

Hay như nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM về liệu pháp nano oxy hóa khử ứng dụng trong kháng khuẩn và kháng ung thư. Các bệnh nhiễm khuẩn do kháng kháng sinh và ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Trong đó, dư thừa các gốc oxy hóa mạnh là một tác nhân gây kháng kháng sinh và ung thư. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hạt nano oxy hóa khử siRNP có chứa nhóm silicad được tổng hợp với kích thước 40- 50nm, dùng để bao thuốc kháng sinh cephalothin và thuốc kháng ung thư sorafenib nhằm cải thiện tính tan cũng như tính khả dụng của các thuốc này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hạt siRNP có hoạt tính kháng khuẩn đối với hai chủng vi chuẩn Gram dương và Gram âm cao, tương tự như cephalothin, nhưng hạn chế được đáng kể sự tái nhiễm đối với E.coli và tăng hiệu quả của thuốc kháng sinh. Đồng thời giảm được hiện tượng kháng kháng sinh. Đối với thuốc kháng ung thư, hoạt tính kháng ung thư của thuốc cao hơn đáng kể so với thuốc sorafenib trên cả dòng ung thư đại tràng và gan. Thuốc cũng giảm đáng kể tác dụng phụ của sorafenib trên dòng tế bào thường. Kết quả nghiên cứu này cho thấy tiềm năng ứng dụng cao của hạt nano siRNP trong y sinh.

 

 

Cây bàn tay ma được dùng làm thuốc bảo vệ gan, lợi mật

 

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội nghiên cứu tác dụng bảo vệ gan, lợi mật, độc tính cấp của bài thuốc dân gian “bàn tay ma” vùng Tây Bắc. Bài thuốc là cao chiết nước của ba loại cây gồm bàn tay ma, giảo cổ lam và cà gai leo. Bài thuốc dân gian này vẫn được người dân sử dụng, nhưng các bằng chứng khoa học chứng minh tác dụng chưa được tiến hành. Nhóm nghiên cứu lấy các loại cây này tại Bắc Kạn, chiết lấy nước và thí nghiệm cho chuột nhắt trắng uống. Kết quả, cao chiết nước của bài thuốc có tác dụng bảo vệ gan trên mô hình gây tổn thương gan bằng paracetamol ở chuột nhắt trắng. Bài thuốc cũng cho thấy tác dụng lợi mật rõ rệt khi làm tăng lượng mật tiết ra so với nhóm đối chứng sinh lý. Trong giới hạn về lượng cao cho phép có thể cho chuột uống, bài thuốc chưa thể hiện có độc tính cấp.

 

Tại Hội nghị, bên cạnh các tiểu ban trình bày các bài báo khoa học còn có phiên thảo luận chuyên đề tập trung vào các vấn đề: khảo sát tác động của cao chiết gừng lên sự tăng sinh của tế bào ung thư biểu mô gan Hepg2 ở điều kiện nuôi cấy 3D; Nghiên cứu chấm lượng tử - vật liệu nano phát quang tiềm năng trong đánh dấu sinh học; Khảo sát quy trình tạo xương xốp vô bào bằng tác nhân Acetone; Nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi từ khỉ sang người ở vùng biên giới Việt – Lào; Phân tích ảnh não người và tìm điểm bất thường bằng phương pháp PSO-EM,…

 

Hội nghị được tổ chức nhằm tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia với các nhà khoa học trẻ, nhằm hướng tới xây dựng một đội ngũ nghiên cứu có năng lực, tạo ra những sản phẩm, công trình nghiên cứu khoa học đạt tiêu chuẩn quốc tế về giá trị học thuật và tính ứng dụng phục vụ sức khỏe cộng đồng.

 

Theo khoahocphattrien.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang