Thứ Năm, 25/04/2024 21:13:42 GMT+7

Tin đăng lúc 14-07-2018

Lượt xem: 2112

Công tác điều hành giá có thể gặp khó trong 6 tháng cuối năm

Công tác quản lý, điều hành giá trong 6 tháng cuối năm 2018 có thể sẽ gặp khó khăn trước những biến động bất thường về thiên tai, bão lũ cũng như rủi ro về thị trường…
Công tác điều hành giá có thể gặp khó trong 6 tháng cuối năm
Ảnh minh họa

Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 và triển khai chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2018 do Bộ Tài chính tổ chức.

 

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý giá đã tiếp nhận và xử lý trên 3.000 văn bản đến, trong đó có hơn 300 văn bản phải tổ chức triển khai trình Bộ hoặc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giá, văn bản tham gia ý kiến với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng, triển khai thực hiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật...

 

Công tác quản lý, điều hành giá được triển khai toàn diện chú trọng hoàn thành kế hoạch soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; Tăng cường công tác tổng hợp phân tích dự báo, điều hành giá theo thị trường có sự quản lý của Nhà nước; đẩy mạnh công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá để kịp thời phát hiện xử lý, chấn chỉnh sai sót...

 

Đặc biệt đối với công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Cục Quản lý giá đã chú trọng quản lý chặt chẽ.

 

Cụ thể, giá xăng dầu được điều hành phù hợp với xu hướng của giá xăng dầu thành phẩm thế giới; đồng thời, có kết hợp điều hành thuế nhập khẩu xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở và chi sử dụng quỹ BOG bảo đảm nguyên tắc vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, đồng thời góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

 

Về giá điện, trong 6 tháng đầu năm 2018 giá bán lẻ điện bình quân được giữ ổn định như mức điều chỉnh áp dụng từ ngày 01/12/2017 là 1.720,65đ/kwh. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương rà soát, đánh giá các yếu tố tác động đến giá bán điện để kịp thời có phương án cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có giải pháp để thực hiện mục tiêu ổn định giá nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, mặt bằng giá của năm 2018 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

Về giá than, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc kê khai giá của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó để rà soát kịp thời có ý kiến trong trường hợp sai sót, đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Luật giá và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về giá than bán cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước: “Giá than bán cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước (bao gồm cả giá than bán cho sản xuất điện) thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

 

Về giá thóc gạo, đã tiếp nhận, tổ chức thẩm định và ra thông báo công bố giá mua thóc, đảm bảo kịp thời triển khai nhiệm vụ mua bán theo kế hoạch gắn với mùa vụ: Đối với Vụ Đông Xuân 2017-2018, mức giá thành sản xuất lúa kế hoạch Vụ Đông Xuân 2017-2018 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khoảng từ 3.132 - 4.684 đồng/kg, mức giá bình quân sản xuất lúa kế hoạch Vụ Đông Xuân 2017-2018 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khoảng khoảng 3.657 đồng/kg; Đối với Vụ Hè Thu năm 2018, mức giá thành sản xuất lúa kế hoạch vụ Hè Thu 2018 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khoảng từ 3.261 - 4.985 đồng/kg, mức giá sản xuất lúa kế hoạch vụ Hè Thu 2018 bình quân tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 4.059 đồng/kg.

 

Về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế rà soát ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT ngày 30/5/2018 của Bộ Y tế thay thế Thông tư liên tịch số 37/2015/TT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định giá dịch vụ Khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc để kịp thời có hiệu lực và thực hiện mức giá mới từ ngày 15/7/2018.

 

Theo đó, sẽ điều chỉnh giảm mức giá của 70 dịch vụ gồm 5 giá khám bệnh theo 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã (bình quân giảm 17%). 34 giá ngày giường theo hạng bệnh viện và trạm y tế (bình quân giảm 6%), 30 giá dịch vụ kỹ thuật chủ yếu là các dịch vụ chuẩn đoán (bình quân giảm 24%).

 

Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp để rà soát điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh các bước tiếp theo hướng tính đúng tính đủ mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng và sắp tới đến tháng 7/2018 tăng lên 1.390.000 đồng. Đồng thời, tính toán để đưa chi phí quản lý vào tính giá theo đúng lộ trình điều chỉnh giá của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ...

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, công tác quản lý, điều hành giá trong 6 tháng cuối năm 2018 dự báo có thể sẽ gặp khó khăn, thách thức trước những yếu tố biến động bất thường về thiên tai, bão lũ cũng như rủi ro về thị trường và tình hình chính trị, tài chính quốc tế xảy ra ảnh hưởng đến giá nguyên vật liệu, giá dầu thế giới.

 

“Vì vậy, Cục Quản lý giá sẽ chú trọng đến việc nắm bắt, tổng hợp và phân tích dự báo để kịp thời tham mưu với Lãnh đạo Bộ các biện pháp công tác để giữ ổng định mặt bằng giá cả thị trường. Đồng thời, chú trọng triển khai hoàn thiện nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh triển khai kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá của một số mặt hàng thiết yếu, có tác động lớn đến mặt bằng giá”. – ông Tuấn nói.

 

Cùng với đó, ông Tuấn cho biết, "Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục rà soát để đẩy nhanh thực hiện giảm giá các mặt hàng có khả năng giảm giá (như dịch vụ y tế, thuốc chữa bệnh cho người, vật tư y tế, dịch vụ sử dụng đường bộ BOT...); đối với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây như xăng dầu, lương thực, thịt lợn, cần chủ động rà soát, cân đối cung cầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá để bình ổn thị trường; chú trọng công tác tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng".

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang