Thứ Sáu, 29/03/2024 21:46:11 GMT+7

Tin đăng lúc 30-09-2018

Lượt xem: 1014

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bao giờ chấm dứt?

Nhiều chuyên gia đánh giá diễn biến cuộc chiến thương mại này sẽ còn tiếp tục leo thang bởi hai bên đều trong trạng thái “ăn miếng trả miếng” và chưa bên nào thực sự thể hiện sự nhượng bộ cần thiết, nhằm “giảm nhiệt” căng thẳng.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bao giờ chấm dứt?

Nước Mỹ đã chính thức áp thuế 10% với 200 tỉ USD lên 6.000 mặt hàng Trung Quốc, bao gồm rộng rãi từ tiêu dùng tới thực phẩm và cả các sản phẩm kỹ thuật, công nghệ từ ngày 24.9. Ngay lập tức, cùng ngày Bắc Kinh cũng trả đòn bằng việc áp thuế 5% với 1.600 mặt hàng và thêm 3.500 mặt hàng chịu mức thuế suất 10%, tổng trị giá 60 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này của Trung Quốc được đánh giá là rất dễ kích động chính quyền ông Donal Trump kích hoạt gói thuế suất thứ 3 mà ông Trump đã cảnh báo là 267 tỉ USD.

 

Nếu điều đó thực sự diễn ra, đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ áp dụng mức thuế cao đặc biệt với tất cả các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nguy hiểm hơn, mức độ đó xác định cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không biết khi nào có thể dừng lại và nếu tiếp tục, liệu có trở thành một cuộc chiến tranh tiền tệ hay không?

 

Cuộc chiến có thể hạ nhiệt vào tháng 11.2018?

 

Cũng trong ngày 24.9, trong một phát biểu của mình Ngoại trưởng Mỹ - ông Mike Pompeo cho rằng, “Chính phủ Mỹ chỉ đang cố gắng bảo vệ người lao động (nước Mỹ) và Trung Quốc phải tuân thủ luật chơi”. Đồng thời, vị chính khách cũng hướng về nội địa khi động viên người dân Mỹ rằng, những hệ quả của cuộc chiến này “chỉ là tạm thời” và cuộc chiến này sẽ kéo dài tới khi “người Mỹ nhận được những gì xứng đáng được nhận”.

 

Nhiều chuyên gia đánh giá diễn biến cuộc chiến thương mại này sẽ còn tiếp tục leo thang bởi hai bên đều trong trạng thái “ăn miếng trả miếng” và chưa bên nào thực sự thể hiện sự nhượng bộ cần thiết, nhằm “giảm nhiệt” căng thẳng. Đánh giá gần đây nhất của nhóm chuyên gia nghiên cứu về “Toàn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung” (Cty CP CK Bảo Việt - BVSC) đã đưa ra 3 kịch bản sắp tới về cuộc chiến này.

 

Theo đó, “nếu mục đích chính của chính quyền Trump chỉ là giành lấy sự ủng hộ của cử tri Mỹ thì nhiều khả năng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt sau thời điểm tháng 11.2018, tức là khi cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ kết thúc; Nếu mục tiêu của chính quyền Trump là giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc thì xung đột thương mại có thể sẽ hạ nhiệt nếu Trung Quốc cam kết tăng mua hàng hóa từ Mỹ trong thời gian tới để đưa thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc xuống còn khoảng 100 tỉ USD/năm.

 

Nếu chính quyền Trump hướng đến mục tiêu mang tính chiến lược dài hạn hơn như nhiều chuyên gia phân tích là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc thì nhiều khả năng cuộc chiến thương mại này sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp.

 

Theo đánh giá nhiều chuyên gia, có rất ít khả năng Trung Quốc sẽ từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025” của họ nên việc Mỹ có thể làm chỉ là ngăn chặn cách thức thực thi kế hoạch này của Trung Quốc cũng như luôn giữ lợi thế chủ động cho các doanh nghiệp công nghệ Mỹ.

 

Cách thức chính quyền Trump đang áp dụng hiện nay là siết lại các vụ mua bán các công ty công nghệ Mỹ của Trung Quốc, đồng thời áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu nhằm gây sức ép để Trung Quốc phải mở cửa thị trường trong nước rộng rãi hơn cho các doanh nghiệp Mỹ mà không kèm yêu cầu chuyển giao công nghệ. Bằng cách này, các công nghệ, sáng chế của Mỹ sẽ được bảo vệ tốt hơn và Trung Quốc sẽ cần thêm nhiều thời gian để có thể tự mình làm chủ được những công nghệ mới này.

 

Mối quan hệ đối tác thành đối đầu

 

Một thực tế là Mỹ đang đưa diễn biến thương mại song phương với Trung Quốc thành thái cực rất khó phân định: Vừa là đối tác lại vừa đối đầu. Hiện Mỹ và Trung Quốc đều đang là những đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Cụ thể, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc với giá trị lên tới 505 tỉ USD trong năm 2017, tăng 9,3% so với năm 2016. Thị phần hàng xuất khẩu của Trung Quốc tại Mỹ đã gia tăng liên tục, từ mức chỉ 8,2% vào năm 2000 đã tăng lên mức 21,6% vào năm 2017, duy trì là đối tác xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ kể từ năm 2007 đến nay.

 

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ (chiếm tỉ trọng hơn 8,4%, chỉ sau Canada và Mexico) với giá trị đạt hơn 130 tỉ USD trong năm 2017.

 

Riêng ở lĩnh vực nông nghiệp thì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Mỹ với giá trị 19,6 tỉ USD trong năm ngoái (trong đó mặt hàng đậu tương chiếm tỉ lệ 63%). Cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc về cơ bản không mang tính đối kháng mà bổ trợ cho nhau nhiều hơn.

 

Trung Quốc xuất sang Mỹ các mặt hàng mang tính tiêu dùng phổ thông, sử dụng nhiều lao động và nặng tính lắp ráp như điện thoại, hàng điện tử, hàng dệt may, da giày, đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, hàng tạp hóa, các sản phẩm chế biến gỗ..., trong khi đó lại nhập từ Mỹ các mặt hàng nông sản trong nước không trồng được nhiều như các loại hạt (đậu tương, cao lương) hoặc các mặt hàng công nghệ cao như máy bay dân dụng (chủ yếu là Boeing), ôtô, chất bán dẫn, máy móc công nghiệp, dầu thô và khí thiên nhiên...

 

Về cán cân thương mại, Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa rất lớn với Trung Quốc, từ mức 10 tỉ USD năm 1990 đã tăng mạnh lên mức 375 tỉ USD trong năm 2017. Mức thâm hụt với Trung Quốc cũng vượt xa so với các đối tác thương mại khác của Mỹ như Mexico (-71 tỉ USD), Nhật Bản (-69 tỉ USD), Đức (-64 tỉ USD)...

 

Mặc dù vậy, theo đánh giá của BVSC câu chuyện thâm hụt thương mại của Mỹ và Trung Quốc không đơn thuần chỉ là con số tuyệt đối mang tính bề nổi. Bởi lẽ Trung Quốc hiện với vai trò “công xưởng thế giới” đã và đang là một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu của các công ty đa quốc gia Mỹ. Có rất nhiều mặt hàng bao gồm điện thoại, đồ điện tử, máy móc thiết bị... có thể được sản xuất tại Trung Quốc và khi xuất khẩu sang Mỹ được ghi nhận nguyên giá trị, tuy nhiên hàm lượng giá trị gia tăng của Trung Quốc trong tổng giá trị sản phẩm trên thực tế có thể thấp hơn nhiều do Trung Quốc chỉ là nơi lắp ráp còn nguyên liệu đầu vào, các chi phí liên quan đến thiết kế, quảng cáo... đều phải nhập hoặc do một nước khác đảm nhận.

 

Việc xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ tăng mạnh có nguyên nhân rất lớn từ sự dịch chuyển các nhà máy sản xuất của các công ty đa quốc gia từ các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc trước kia sang Trung Quốc.

 

Một con số minh họa cho nhận định trên là vào năm 1990, Trung Quốc chỉ chiếm tỉ trọng 7,6% trong tổng lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhưng tỉ lệ này đã tăng lên mức 55% vào năm 2017. Trong khi đó, tỉ trọng của Nhật Bản đã giảm từ mức 23,8% vào năm 1990 xuống chỉ còn 7% vào năm 2017. Nói một cách đơn giản, Trung Quốc, với lợi thế nhân công giá rẻ, đã chiếm lĩnh phần việc lắp ráp của các nước Đông Á khác khi các nước này dịch chuyển sản xuất lên chuỗi giá trị cao hơn.

 

Thâm hụt thương mại Mỹ - Trung chưa đúng bản chất?

 

Theo ước tính của OECD và WTO thì hàm lượng giá trị gia tăng của nước ngoài đóng góp trong tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc vào năm 2011 là 32,2%, trong đó riêng đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực sản xuất là 40% còn đối với các thiết bị quang học và điện tử thì lên tới 53,8%. Chính yếu tố hàng hóa trung gian đã khiến cho thâm hụt thương mại của Mỹ và Trung Quốc đôi khi không phản ánh đúng bản chất của nó (chỉ thể hiện hàng hóa nhập khẩu từ đâu chứ không thể chỉ rõ chủ thể được hưởng lợi thật sự). Do đó, nếu chỉ tính lượng hàng hóa sản xuất thuần tại nội địa hai quốc gia vào các số liệu xuất nhập khẩu thì thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc sẽ thấp hơn nhiều so với con số công bố chính thức – BVSC nhận định.

 

 

Theo báo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang