Thứ Năm, 25/04/2024 08:34:29 GMT+7

Tin đăng lúc 16-05-2018

Lượt xem: 3420

Cuộc chinh phục mới của xuất khẩu dệt may

Trong bối cảnh nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không tăng trong khi phải cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường toàn cầu, ngành dệt may Việt phải đối diện với những thách thức rất lớn.
Cuộc chinh phục mới của xuất khẩu dệt may

Khoảng 10 năm về trước, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng từ 12-15% mỗi năm, nhưng sau đó là một giai đoạn giảm tốc kéo dài. Đến năm 2017, chỉ dấu tích cực đã quay lại khi kim ngạch xuất khẩu tiến dần tới mức tăng trưởng 2 con số (9,8%). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đang chờ ngành hàng tỷ đô này ở phía trước.

 

Trên đà trở lại thời hoàng kim

 

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc trong 4 tháng đầu năm ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Đây cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 chỉ sau điện thoại các loại và linh kiện.

 

Trong quý 1/2018, Mỹ đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, chiếm 47,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước, đạt 3,04 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017.

 

Ngoài ra, xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 13,3% trong tổng kim ngạch hàng dệt may của cả nước, đạt 855,44 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ; Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 798,6 triệu USD, chiếm 11%, tăng 14,8%; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 268,95 triệu USD, chiếm 4,2%, tăng 40,9%.

 

Thị trường các nước EU nói chung chiếm 12,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, đạt 806,23 triệu USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Các nước Đông Nam Á chỉ chiếm 3,6% tổng kim ngạch, đạt 228,36 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2018 tình hình xuất khẩu toàn ngành rất khả quan, dự kiến tăng trưởng ít nhất là 10% so với năm 2017.

 

Không thể phủ nhận rằng sự cải thiện này phần nào xuất phát từ sự hồi phục của nhu cầu thế giới, nhưng có thể thấy chính sự cải tổ và đầu tư của doanh nghiệp toàn ngành lẫn động thái hỗ trợ của Chính phủ trên các phương diện xúc tiến thương mại, ngoại giao và là lực đẩy quan trọng để hàng dệt may Việt Nam mở rộng thị trường.

 

Các chuyến thăm và làm việc suốt thời gian qua của Thủ tướng Chính phủ đến các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, trong đó có Australia đã thực sự tạo động lực và điều kiện tốt hơn cho giao thương nói chung, và giao thương của ngành dệt may nói riêng”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định.

 

Làm sao hiện thực hóa mục tiêu 35 tỷ USD?

 

Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan nhưng theo ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may trong các quý còn lại của năm 2018 và các năm tiếp theo vẫn đối diện với những thách thức rất lớn, do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không tăng trong khi cạnh tranh trong ngành dệt may gay gắt hơn trên thị trường toàn cầu. Những áp lực từ bên ngoài gia tăng thêm áp lực cho ngành dệt may Việt Nam và các FTA phần lớn áp dụng quy tắc xuất xứ.

 

Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từ sợi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) từ vải, trong khi ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu tới 80% nguyên phụ liệu.

 

Đặc biệt là quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” đã trở thành động lực chuyển mình đối với ngành sợi Việt Nam. Cùng với Hiệp định CPTPP, cuộc chinh phục những quy tắc xuất xứ ngặt nghèo đã đặt ra nhiều đòi hỏi khiến doanh nghiệp phải thay đổi để tồn tại và phát triển, nhiều nhà máy lớn của cả doanh nghiệp nội địa lẫn FDI lần lượt “ra lò” với quy mô hàng triệu cọc sợi. 

 

Một khó khăn nữa với ngành dệt may Việt đó là EU áp dụng mức thuế suất 0% cho hàng dệt may nhập từ các nước kém phát triển như Campuchia, Myanmar, Mỹ lại áp dụng thuế suất ưu đãi 0% cho một số mặt hàng của Campuchia, nhưng hàng dệt may Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế bình quân 17,5% vào thị trường Mỹ và 9,6% vào thị trường EU.

 

Ở trong nước, ngành dệt may phát triển mất cân đối, yếu kém nhất là khâu kéo sợi, dệt vải và nhuộm hoàn tất. Nhu cầu sợi trên 1,4 triệu tấn/năm, nhưng 90% là nhập khẩu, khoảng 876 tấn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Cạnh đó, nguồn vải may xuất khẩu cũng chủ yếu nhập khẩu, chiếm tới 80%, trong đó Trung Quốc chiếm tới 50% tổng giá trị, Hàn Quốc 18%, Đài Loan 15%. Điều này tạo ra tình trạng "nghẽn" tại khâu dệt nhuộm, khiến tỷ lệ giá trị tăng thêm của may xuất khẩu chỉ đạt khoảng 50%.

 

Các doanh nghiệp FDI lại chiếm ưu thế vượt trội, đến 62% tỷ trọng xuất khẩu của ngành dệt may. Đầu tư FDI đang làm thay đổi cơ cấu, diện mạo ngành dệt may Việt Nam. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách tuy được Chính phủ và các bộ ngành rà soát, tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều rào cản cho doanh nghiệp dệt may. Theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì nguyên phụ liệu nhập về để sản xuất hàng xuất khẩu thuộc diện miễn thuế. Đang có tình trạng nhiều doanh nghiệp ký được đơn hàng lớn nhưng cơ sở sản xuất không đủ năng lực, phải đưa một phần nguyên phụ liệu đi gia công tại các cơ sở sản xuất nhỏ để kịp tiến độ giao hàng nhưng phần này lại không được miễn thuế.

 

Để hướng tới mục tiêu năm 2018 xuất khẩu dệt may đạt 35 tỷ USD, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất, Nhà nước cần thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm, tránh chồng chéo, cạnh tranh tuyển lao động, cũng như không khuyến khích đầu tư vào sợi, may. Nhà nước cần có thêm những hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tại các khu công nghiệp. Cạnh đó, rất cần Bộ Tài chính có chính sách miễm thuế VAT đối với doanh nghiệp sử dụng vải trong nước sản xuất hàng xuất khẩu.

 

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp khai thác đầy đủ và phát huy tay nghề của công nhân, cũng như đổi mới phương thức quản lý qua đó có thể tối ưu hóa sản xuất và nâng cao năng suất lao động.

 

Bên cạnh việc duy trì và phát triển xuất khẩu vào các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, doanh nghiệp cần chú trọng phát triển các thị trường khác như ASEAN, Liên minh Á - Âu, Ấn Độ, các nước châu Mỹ Latinh... trong đó, cần tạo dựng mối liên kết với hệ thống phân phối ở thị trường sở tại.

 

Theo enternews.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang