Thứ Sáu, 26/04/2024 03:03:24 GMT+7

Tin đăng lúc 19-11-2018

Lượt xem: 11217

“Cuộc đua” của ngành Dệt may Việt Nam tới thị trường thế giới trong năm 2019

Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam khi năm 2017 đạt thặng dư đến 15,5 tỷ USD. Trong 10 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt khoảng 29 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ, tăng mạnh so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 và hoàn thành khoảng 79% kế hoạch xuất khẩu cả năm (số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam). Như vậy, ngành Dệt may Việt Nam có thể tin vào triển vọng xuất khẩu năm 2019 sẽ tiếp đà tăng trưởng với nhiều khởi sắc.
“Cuộc đua” của ngành Dệt may Việt Nam tới thị trường thế giới trong năm 2019
Ngành Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD trong năm 2019

Bước chuyển mình mạnh mẽ

 

Tại Hội thảo “Triển vọng xuất khẩu dệt may năm 2019” được tổ chức gần đây, các chuyên gia cho rằng, năm 2019 sẽ là một năm nhiều cơ hội và cũng đầy thách thức đối với ngành Dệt may. Đây là giai đoạn ngành cần sự bứt phá chuyển mình để tiến lên một vị thế mới, một vai trò mới trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu: Chuyển từ sản xuất gia công (CMT) sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng (ODM và OBM) với mong muốn mang lại giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng.

 

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có tác động lớn đến ngành Dệt may, buộc ngành phải thay đổi và đầu tư mạnh mẽ hơn cho thiết bị, cũng như nhân sự. Đối với ngành Dệt may trong thời gian tới, nỗ lực cần phải hướng đến đó là đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đầu tư vào thiết kế…

 

Hiện nay, thị trường xuất khẩu (XK) dệt may tập trung gồm Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada, Đông Nam Á. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của ngành Dệt may, chiếm gần 40% tổng kim ngạch. Gần đây, cuộc chiến thương mại Trung Quốc - Mỹ bùng nổ, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đây chính là cơ hội cho dệt may Việt Nam. Đặc biệt vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách gần 6.000 mặt hàng (trong đó có ngành dệt may) sẽ bị áp thuế trong gói 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

 

Theo TS Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế cho biết: "Doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội “lấp chỗ trống” khi xuất khẩu của Trung Quốc bị đánh thuế. Bởi, Trung Quốc sẽ không thể xuất vào Mỹ vì bị áp mức thuế cao, chi phí đắt nên doanh nghiệp Mỹ không nhập khẩu đồ Trung Quốc nữa. Đến lúc đó, Việt Nam cần thương lượng kịp thời, lấp chỗ trống đó ở thị trường Mỹ”.

 

Nhiều yêu cầu đặt ra với xuất khẩu dệt may trong năm 2019

 

Hiện nay truy xuất nguồn gốc là một trong những quy định bắt buộc của một số nước như Mỹ, Anh, EU, Ấn Độ, Canada… đối với hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Các sản phẩm dệt may Việt Nam nếu thực hiện tốt yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì việc bước chân vào các thị trường khó tính nói trên không phải là bài toán khó.

 

Để ngành Dệt may đón nhận cơ hội trong năm 2019, theo ý kiến nhiều chuyên gia thì vai trò của việc truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm dệt may trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập mạnh mẽ là hết sức quan trọng. Trong đó tiêu chuẩn toàn cầu về nguyên liệu cho ngành Dệt may phải là nguyên liệu hữu cơ, không qua công nghệ xử lý hóa chất để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu sản phẩm dệt may tại châu Âu, đòi hỏi sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu rất cao, liên quan đến chứng nhận xuất xứ nguồn nguyên liệu, do đó vấn đề truy xuất nguồn gốc giữ vai trò vô cùng quan trọng.

 

Khẳng định vai trò của việc truy xuất nguồn gốc, ông Bùi Viết Hồng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chống hàng giả Việt Nam (Vina CHG) cho biết: “Truy xuất nguồn gốc giúp chúng ta có thể định vị được sản phẩm trong toàn chuỗi cung ứng, giúp minh bạch thông tin. Đối với những sản phẩm lỗi, nhờ truy xuất nguồn gốc có thể thu hồi nhanh chóng và toàn diện để có thể loại bỏ hoặc điều chỉnh. Đặc biệt, yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, giúp bảo vệ được thương hiệu cho DN trên thương trường”.

 

Thị trường xuất khẩu dệt may trong năm 2019 đầy lạc quan

 

Ngành Dệt may Việt Nam đang tiến gần hơn mốc 35 tỷ USD mục tiêu của năm 2018. Các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt; các thị trường CPTPP, Hàn Quốc, Trung Quốc... tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 10,5 tỷ USD, tăng 12%; Nhật Bản 2,85 tỷ USD, tăng 25,6%; Hàn Quốc 2,360 tỷ USD, tăng 25,8%; Trung Quốc gần 1,1 tỷ USD, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2017...

 

Đáng chú ý, số lượng các nhà nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc… dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam đã gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tốc độ dịch chuyển diễn ra nhanh hơn từ đầu năm 2018 đối với những đơn hàng từ thị trường Mỹ.

 

Với thuận lợi về thị trường, nhiều doanh nghiệp dệt may đã gần hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2018, đồng thời xúc tiến các dự án mở rộng quy mô sản xuất nhằm tiếp tục khắc phục điểm yếu lớn nhất của dệt may Việt Nam là dệt sợi xuất khẩu nhưng phải nhập vải may và phần lớn nguyên phụ liệu. Cùng với đó, hàng loạt nhà máy mới chuẩn bị đưa vào hoạt động sẽ tăng lực cho xuất khẩu dệt may năm 2019.

 

Như vậy, nhìn từ thực tế, ngành Dệt may Việt Nam “tự tin” khi có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2019. Với đà tăng trưởng tích cực của năm 2018, ngành Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu năm 2019 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 40 tỷ USD, tăng khoảng 14% – 15% so với năm 2018 và là mục tiêu có khả năng thực hiện được.

 

Hoa Nguyễn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang