Thứ Sáu, 26/04/2024 03:23:16 GMT+7

Tin đăng lúc 30-05-2016

Lượt xem: 3348

Đã đến lúc chọn lọc nhà đầu tư

Tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại, càng ngày Việt Nam sẽ càng mở cửa đón nhà đầu tư. Tuy nhiên, để đón được nguồn vốn, công nghệ cao, hạn chế đón ô nhiễm môi trường, Việt Nam cần kiểm soát được các dự án đầu tư cũng như siết chặt quản lý môi trường.
Đã đến lúc chọn lọc nhà đầu tư
Ảnh minh họa

Nguy cơ nhập khẩu ô nhiễm

 

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đang tiến hành một nghiên cứu về giảm thiểu tác động môi trường của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Nghiên cứu sơ bộ cho biết, ngày càng có nhiều dấu hiệu FDI trong các lĩnh vực gây nhiều ô nhiễm đầu tư vào Việt Nam như dệt, da giày, hóa chất…

 

Những kết quả nghiên cứu khác về vấn đề này trước đó cũng khẳng định, 67% doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp; công nghệ lạc hậu; tiêu thụ nhiều năng lượng và khả năng phát thải cao…

 

Đặc biệt là trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây, để đón đầu cơ hội từ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, các dự án FDI ào ạt đổ vào Việt Nam. Điều đáng nói, các doanh nghiệp này chủ yếu đầu tư các nhà máy sợi, nhuộm, dệt may... Kéo theo đó là việc sử dụng các loại hóa chất gia tăng. Trong khi việc chấp hành các quy định về xả thải, bảo vệ môi trường của không ít doanh nghiệp chưa cao, đồng nghĩa với việc môi trường tiếp nhận ngày càng nhiều các loại chất thải độc hại.

 

Trước làn sóng này, cuối năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các dự án này và yêu cầu các địa phương phải cân nhắc kỹ trước khi chấp thuận và cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư dự án vào địa bàn.

 

Tại Hội thảo: "Giảm thiểu các tác động môi trường của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam"vừa tổ chức, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho rằng, không ít địa phương vì nóng vội thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế nên đã bỏ qua mong muốn có được những FDI công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Thậm chí, một số địa phương vì quá say mê với những dự án lớn, đã ít chọn lọc và cho phép các doanh nghiệp FDI chiếm đất tại các khu công nghiệp, gây ô nhiễm...

 

Không thu hút FDI bằng mọi giá

 

Bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Mạnh Hải, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường thường rất khó khắc phục, có những hậu quả gần như không khắc phục được, hoặc phải mất nhiều chi phí và trong một thời gian rất dài. TS Nguyễn Mạnh Hải lưu ý, trong các dự án đầu tư, chúng ta thường không đánh giá hết được cái giá phải trả cho môi trường nếu xảy ra ô nhiễm. Đến khi xảy ra rồi mới thấy hậu quả có thể lớn đến chừng nào. Những dự án FDI lớn chỉ có thể tốt nếu như vấn đề môi trường được kiểm soát chặt chẽ. Và càng về sau khi quy mô sản xuất tăng lên, khả năng gây ô nhiễm ở những dự án ấy càng nhiều hơn.

 

Đòi hỏi tất yếu đặt ra là Việt Nam phải nâng cao khả năng kiểm soát và khắc phục những sự cố liên quan đến môi trường ngay từ khi mới phát sinh. Quan trọng hơn cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt từ khâu phê duyệt, chấp nhận dự án với những đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc, tuân thủ thực sự đầy đủ các qui định về pháp luật môi trường. Đôi khi những dự án nhỏ hơn, lợi ích kinh tế dường như ít hơn nhưng bảo vệ môi trường tốt hơn thì về dài hạn lại là những dự án có lợi ích kinh tế cao hơn những dự án lớn mà nguy cơ ô nhiễm cận kề.

 

Vấn đề đáng bàn theo ông Nguyễn Khắc Kinh, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam là, cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn chưa có văn bản nào quy định rõ ràng công nghệ nào là lạc hậu không được đầu tư vào Việt Nam, công nghệ nào là lạc hậu và không lạc hậu. Bộ Khoa học & Công nghệ mới chỉ có quy định về máy móc, trang thiết bị cũ nhập vào Việt Nam mà thôi. Chính sự “mập mờ” này đã vô tình cản trở Việt Nam sàng lọc các dự án gây ô nhiễm.

 

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thu hút dòng vốn FDI là một trong những yếu tố quan trọng để tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ Việt Nam là không thu hút FDI bằng mọi giá; phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

 

Theo: monre.gov.vn

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang