Thứ Sáu, 19/04/2024 20:43:56 GMT+7

Tin đăng lúc 01-04-2021

Lượt xem: 1587

Đà Nẵng nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ Khu Công nghệ cao (KCNC) vào quy hoạch phát triển các KCN Đà Nẵng. Như vậy, với quyết định này, TP Đà Nẵng đã chính thức có KCN hỗ trợ. Đây là cơ sở quan trọng cho việc tập trung các cơ chế, chính sách để phát triển lĩnh vực này nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Đà Nẵng đi lên sau nhiều năm chậm phát triển.
Đà Nẵng nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển
Công nhân làm việc tại Công ty CP Hifil, một doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ

Phát triển CNHT vẫn còn nhiều khó khăn

 

Công nghiệp hỗ trợ - lĩnh vực được TP. Đà Nẵng xác định là một trong 3 lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn ưu tiên phát triển.

 

TP Đà Nẵng có nhiều tiềm năng phát triển các ngành CNHT, nhất là các ngành sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, chất bán dẫn,... Việc có nhiều dự án FDI đầu tư các nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam cho thấy kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về tiềm năng phát triển của thành phố trong việc tham gia chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Song, thời gian qua, sự phát triển của lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng như kỳ vọng. Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn thành phố mới có khoảng gần 120 doanh nghiệp CNHT, chiếm 6,3% tổng số doanh nghiệp công nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp CNHT đều ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động manh mún, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh, chưa có hàm lượng giá trị gia tăng cao, rất ít đơn vị có đủ năng lực để tham gia cung ứng được sản phẩm CNHT cho các đơn vị, tập đoàn sản xuất toàn cầu.

 

Theo ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Đà Nẵng cho biết: Ngành CNHT của Đà Nẵng còn nhiều hạn chế bởi số lượng ít, năng lực sản xuất thấp, thiếu nguồn tài chính và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, nên chủ yếu chỉ tiêu thụ được ở thị trường trong nước. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp, còn sản phẩm CNHT ở trong nước và Đà Nẵng thì chủ yếu vẫn là linh kiện, chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

 

Nỗ lực thúc đẩy CNHT phát triển

 

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung KCN hỗ trợ KCNC vào quy hoạch phát triển các KCN Đà Nẵng là động thái hết sức đáng mừng, tạo tiền đề cho Đà Nẵng thúc đẩy ngành này phát triển theo đúng như kỳ vọng. Đây cũng là đòn bẩy quan trọng cho ngành công nghiệp nói chung, công nghiệp công nghệ cao phát triển; chuẩn bị để đón các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trên thế giới cũng như phát huy được cao hơn giá trị của hoạt động thu hút đầu tư mà thành phố kiên trì đẩy mạnh trong thời gian qua.

 

 

Sản xuất các thiết bị cơ khí chính xác tại Nhà máy Tokyo Kieki (Nhật Bản) đóng tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng

 

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý KCNC và các KCN Đà Nẵng thì việc hình thành KCN hỗ trợ KCNC Đà Nẵng sẽ tạo động lực thu hút, đẩy mạnh phát triển ngành CNHT của thành phố, góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như các nghị quyết, chương trình mục tiêu của Thành ủy Đà Nẵng về phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố.

 

“Ban quản lý KCNC và các KCN Đà Nẵng cam kết đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng KCN hỗ trợ KCNC sớm đưa vào khai thác, cung cấp quỹ đất cho các nhà đầu tư; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tìm hiểu nghiên cứu, mở rộng, đầu tư, sản xuất”, ông Sơn nhấn mạnh.

 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn thế giới, ngành du lịch, dịch vụ và bất động sản đóng băng, thì chủ trương phát triển sản xuất công nghiệp, trong đó ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và CNHT là bước đi sáng suốt, kịp thời của Đà Nẵng nhằm vực dậy nền kinh tế, giảm đà tăng trưởng âm và từng bước chuyển dịch các ngành kinh tế theo hướng bền vững.

 

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, ưu tiên nguồn lực trong thu hút đầu tư, Đà Nẵng rất cần TW dành cho những cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội về đất đai, chính sách thuế, phát triển nguồn nhân lực... Trên cơ sở đó, Đà Nẵng xây dựng và ban hành các chương trình, đề án có hệ thống và quy trình cụ thể như phát triển kỹ thuật, đào tạo nhân lực, hỗ trợ tài chính, khai thác thị trường,… để triển khai.

 

Các doanh nghiệp ngành CNHT bày tỏ mong muốn Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích thành lập các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng các quỹ đặc thù riêng cho CNHT, hình thành tổ chức đầu mối để tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc dẫn dắt, liên kết các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo, trường đại học, viện nghiên cứu cần chú trọng xây dựng chương trình đào tạo gắn liền với thực tế thị trường, xây dựng một đội ngũ kỹ sư lành nghề, có khả năng nghiên cứu công nghệ để đưa CNHT phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Có thể thấy, để thúc đẩy ngành CNHT tỉnh nhà phát triển, TP Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt, cần chủ động phối hợp các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền trung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển CNHT, hệ thống phân phối sản phẩm, hỗ trợ thị trường nội địa, hình thành mạng lưới cung cấp linh kiện, vật tư, nguyên liệu cho doanh nghiệp ổn định, xuyên suốt.

 

Giai đoạn 2021-2025, TP Đà Nẵng phấn đấu có hơn 150 doanh nghiệp CNHT, trong đó ít nhất 10% doanh nghiệp trong nước đủ năng lực cung ứng sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, giá trị CNHT chiếm khoảng 30% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút ít nhất 1 công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

 

Phạm Trường


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang