Thứ Sáu, 19/04/2024 20:47:54 GMT+7

Tin đăng lúc 23-10-2015

Lượt xem: 8160

Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội: 48 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển

Sáng 23/10, trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập trường Đại học và khai giảng năm học 2015 – 2016, tới dự có Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, cùng đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và tập thể lãnh đạo, cán bộ giảng viên, HSSV của Nhà trường.
Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội: 48 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu tại buổi lễ

Trường Đại học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội tiền thân là Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ may mặc thuộc Bộ Nội Thương, được thành lập ngày 19 tháng 1 năm 1967. Ngày 4/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trên cơ sở tổ chức lại Trường Cao đẳng Công nghiệp – Dệt May Thời trang Hà Nội. Cũng theo quyết định, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội sẽ hoạt động theo cơ chế thí điểm tự chủ tài chính theo nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ.

 

Trải qua 48 năm xây dựng và trưởng thành từ một trường chỉ có 2 ngành đào tạo, với quy mô khoảng 300 sinh viên trở thành một trường đại học lớn quy mô 10.000 học sinh, sinh viên; có năng lực đào tạo 11 ngành chuyên môn cho ngành Dệt may Việt Nam. Tính đến năm 2015, trường đã đào tạo được 70.000 cử nhân, kỹ thuật viên, được các doanh nghiệp dệt may và được xã hội thừa nhận là trường đào tạo có chất lượng cao theo hướng ứng dụng, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp thường đạt 92 – 95%, trong số đó nhiều HSSV được giao nhiều cương vị chủ chốt ở các tập đoàn, cơ quan, doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tại buổi lễ, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, trung bình mỗi năm ngành Dệt may thu hút khoảng 80.000 lao động công nghiệp mới. Việc Quyết định thành lập Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho ngành Dệt may Việt Nam. Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển của Nhà trường trong suốt 48 năm qua và hi vọng trong giai đoạn phát triển mới dựa trên cơ sở thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, đổi mới các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017, Nhà trường sẽ xây dựng và ban hành được quy chế tổ chức hoạt động đảm bảo được công khai, minh bạch phát huy dân chủ của cán bộ viên chức, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường cũng như đảm bảo chất lượng đào tạo của Nhà trường.

 

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trao quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng nhà trường cho TS.Hoàng Xuân Hiệp

 

Thay mặt Nhà trường, TS. Hoàng Xuân Hiệp cảm ơn sự quan tâm của Bộ Công Thương và cá nhân Bộ trưởng đối với ngành Dệt may Việt Nam nói chung, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội nói riêng và hứa sẽ tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng để đưa vào nhiệm vụ trong năm 2015 – 2016, cũng như các năm học tiếp theo nhằm thực hiện công tác đào tạo tốt nhất cho ngành Dệt may Việt Nam theo hướng ứng dụng, tự chủ và gắn chặt với các doanh nghiệp dệt may.

 

Hiệu trưởng Hoàng Xuân Hiệp cũng cho biết năm học 2015 – 2016 là năm học đầu tiên nhà trường hoạt động theo mô hình trường đại học, năm học mà ngành Dệt may Việt Nam sẽ khởi động nhiều dự án lớn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để chuẩn bị cho hội nhập AEC, TPP và các FTA. Đây là các Hiệp định mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì ngành Dệt may sẽ là ngành được hưởng lợi nhiều nhất, xét dưới góc độ được giảm thuế và mở rộng thị trường. Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội sẽ tập trung vào hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm về công tác đào tạo, công tác phát triển đội ngũ giảng viên, công tác tuyển sinh… của nhà trường. Về công tác sản xuất, Nhà trường sẽ tiếp tục phát triển sản xuất và từng bước ứng dụng mô hình sản xuất ODM vào khu vực sản xuất với mục tiêu đạt doanh thu 65 tỷ đồng và tạo môi trường thực tập mô hình sản xuất ODM cho giảng viên và sinh viên nhà trường.

 

Trải qua 48 năm xây dựng và trưởng thành, Tr­ường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đang trên con đường nỗ lực phấn đấu để trở thành trường đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu cho ngành Dệt may tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho Hội nhập quốc tế của toàn ngành Dệt may trong tương lai. Hành trình tiếp nối những thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của Ban lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và HSSV nhà trường, 48 năm đủ để Nhà trường khẳng định được vai trò quan trọng của mình đối với ngành Dệt may, tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, nỗ lực cố gắng không ngừng để xây dựng ngôi trường vững mạnh, góp phần tích cực thực hiện chủ trương của Đảng là đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

 

Dưới đây là một số hình ảnh:

 

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trao quyết định thành lập trường ĐH cho lãnh đạo Vinatex và Hiệu trưởng nhà trường

 

 

Ông Lê Nho Thướng – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam phát biểu

 

 

Ông Lê Tiến Trường – TGĐ Tập đoàn Dệt May Việt Nam trao quyết định bổ nhiệm các Phó hiệu trưởng nhà trường.

 

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh trống khai giảng năm học mới 2015 – 2016

 

 

Nguyễn Hoa

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang