Thứ Năm, 25/04/2024 18:39:10 GMT+7

Tin đăng lúc 15-09-2019

Lượt xem: 9075

Đắk Lắk: Hiệu quả đem lại từ công tác tuyên truyền khuyến công

Đắk Lắk là tỉnh còn khó khăn về phát triển công nghiệp và có điểm xuất phát thấp, do vậy, chính sách khuyến công là cơ sở, điều kiện để thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phát triển. Đa dạng hóa phương thức thông tin tuyên truyền để truyền tải thông tin về hoạt động khuyến công một cách hiệu quả là mục tiêu hàng đầu của ngành Công Thương Đắk Lắk để thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp địa phương.
Đắk Lắk: Hiệu quả đem lại từ công tác tuyên truyền khuyến công
Một buổi tuyên truyền chính sách khuyến công

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong hoạt động khuyến công, thời gian qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk (TTKC) đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, qua đó đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh thông tin đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

 

Nội dung tuyên truyền tập trung vào mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu khuyến công quốc gia, địa phương; phản ánh những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc; đồng thời giới thiệu những mô hình mới, những cách làm hay trong quá trình triển khai đề án khuyến công ở các địa phương…

 

Cụ thể, TTKC đã lồng ghép các hoạt động phổ biến, tuyên truyền thông qua các lớp tập huấn, ngoài ra còn phối hợp với Hội nông dân các huyện tổ chức để hội viên được tham quan, học tập những mô hình tiêu biểu về ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất và chế biến nông sản.

 

Bằng những hình thức tuyên truyền hiệu quả, người dân cũng đã được biết đến những thông tin về các chương trình, chính sách khuyến công tại địa phương. Nhờ đó, nhiều hộ kinh doanh, cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ khuyến công. Chỉ tính riêng năm 2018, có 21 đề án khuyến công được phê duyệt và triển khai thực hiện với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Các cơ sở được lựa chọn chuyển giao đề án hoạt động trong các lĩnh vực có thế mạnh của từng địa phương như: chế biến cà phê, lúa gạo, cơ khí, điêu khắc mỹ nghệ, may mặc, thực phẩm, lưới thép và gạch không nung… 

 

Nói về hiệu quả từ hoạt động tuyên truyền chính sách khuyến công mang lại, anh Nguyễn Trọng Dương, chủ cơ sở chế biến cà phê ở thôn 1, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, nhờ đến với chương trình khuyến công từ một buổi tuyên truyền khuyến công nên anh mạnh dạn xây dựng Đề án Hỗ trợ máy móc thiết bị trong sản xuất chế biến cà phê bột, công suất 120 kg nguyên liệu/mẻ, đề án đã nhận được hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công.

 

Ông Trương Ngọc Minh – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk cho biết: “Do ngân sách còn hạn chế, nên Trung tâm Khuyến công sẽ tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các chương trình, đề án có sức lan tỏa”.

 

Từ những kết quả đạt được, có thể thấy công tác tuyên truyền đã khuyến khích và huy động các nguồn lực từ các cơ sở CNNT tham gia vào hoạt động khuyến công, qua đó có thể khẳng định đóng góp của hoạt động khuyến công trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới.

 

Trường An


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang