Thứ Sáu, 29/03/2024 17:08:24 GMT+7

Tin đăng lúc 11-11-2016

Lượt xem: 2706

Đàm luận: Không ai muốn làm những việc bất minh

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhân ngày Doanh nhân Việt Nam mới đây, một quan chức của tổ chức xã hội nghề nghiệp cho rằng,“Doanh nhân Việt Nam không cần quan hệ bất minh, đó mới là thế hệ doanh nhân liêm chính”. Vâng, đúng là doanh nhân Việt Nam không ai muốn quan hệ bất minh cả và ai cũng muốn liêm chính. Vì quan hệ bất minh sẽ tốn kém rất nhiều tiền của, thời gian và phẩm giá của doanh nhân cũng bị hạ thấp, liêm chính sẽ làm tư thế doanh nhân ngẩng cao đầu.
Đàm luận:  Không ai muốn làm những việc bất minh
Ảnh minh họa

Mặc dù không muốn, nhưng họ phải làm, dù biết làm là “động” đến lợi ích, là xấu hổ. Nhưng sao họ phải làm như vậy? Có phải vì thể chế còn nhiều bất cập, còn tham nhũng, cửa quyền, nhũng nhiễu, còn lợi ích nhóm, nên DN còn phải quan hệ bất minh… mới tồn tại được? Theo khảo sát mới nhất về hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, tỉ lệ doanh nghiệp (DN) thỉnh thoảng gặp hành vi gây khó khăn khi giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước là 43%, thường xuyên là 5%. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết, chi phí không chính thức là một gánh nặng đè lên vai khu vực tư nhân, khiến các DN ngại lớn và không lớn lên được. Nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức trong năm 2015 không hề giảm và đây là một xu hướng rất đáng lo ngại cho môi trường kinh doanh Việt Nam. 62% DN siêu nhỏ, 68% DN nhỏ cho rằng, hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên. Với các DN có quy mô vừa và lớn thì con số này còn cao hơn, lần lượt là 70% và 69%. Quy mô của các khoản chi phí này đối với các DN nhỏ và vừa là tương đối lớn, chiếm hơn 10% tổng doanh thu.

 

 Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, những tác nhân gây trở ngại nói trên thực tế chính là việc DN phải chi tiền để “quan hệ”, “bôi trơn”. Điều này đã trở thành luật bất thành văn của các DN Việt Nam và tạo rào cản rất lớn cho sự phát triển của DN. Tại Việt Nam, chi phí mà DN phải trả cho các khoản phí và thuế chiếm tới 40,8% tổng số lợi nhuận, trong đó có rất nhiều loại thuế, phí không thể kiểm soát được. Theo Ngân hàng Thế giới, tiền “bôi trơn” của DN Việt Nam chiếm 0,72-1,02 lần lợi nhuận của họ. Nghĩa là DN làm ra 1 đồng thì họ phải chi ít nhất 0,72 đồng cho phí tham nhũng, “bôi trơn”; thậm chí phải chịu phí “lót tay” vượt quá lợi nhuận đến 0,2 đồng. Câu chuyện chi phí không chính thức tăng lên ở Việt Nam là điều không còn xa lạ với cả xã hội. Nó dẫn đến nghịch lý không lý giải được là tại sao kinh tế tăng trưởng nhưng DN vẫn chết như rạ.

         

Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi hệ thống các giải pháp chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển DN, đặc biệt hỗ trợ DN nhỏ và vừa còn tản mát. Ngoài ra, các thể chế hỗ trợ thị trường hoạt động kém hiệu quả, DN phải chịu nhiều áp lực của thủ tục hành chính phức tạp, tốn kém; chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực.

 

Rất nhiều doanh nhân thừa nhận các khoản phí “bôi trơn” đang ảnh hưởng rất lớn và gây phiền hà đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Nổi cộm nhất có lẽ là trong lĩnh vực thuế, hải quan, vận chuyển, thanh, kiểm tra… Có rất nhiều thủ tục, quy định mơ hồ nên cán bộ ngành thuế, hải quan dựa vào đó để “làm giá” hoặc vòi vĩnh DN. Cán bộ thuế thường “không đòi hỏi”, nhưng nếu không có gì “vui vẻ” thì hồ sơ của DN sẽ bị ngâm, kéo dài hoặc bị hạch sách đủ điều. Như trường hợp hoàn thuế, DN thường phải chi một tỉ lệ nhất định trên tổng số tiền được hoàn, như vậy hồ sơ giấy tờ mới nhanh chóng. Hay như hải quan, muốn thông quan hàng nhanh cũng phải tốn chi phí ngoài sổ sách, nhất là với những mặt hàng có tên lạ, mới hoặc không phổ biến. Một container hàng muốn lên được tàu xuất khẩu, hoặc rút ra khỏi cảng đưa về được kho DN thì tốn kém không biết bao nhiêu loại phí “bôi trơn”. Có những DN than rằng, trong một năm có đến hàng chục đoàn thanh, kiểm tra các cấp “đến làm việc”. Tục ngữ có câu “bói ra ma, quét nhà ra rác”, ít có DN nào mà hoàn hảo, không có sai sót. Có khi sai sót rất nhỏ, nếu những người có trách nhiệm, có lương tâm thì chỉ hướng dẫn, giải thích cho DN, đằng này, tìm cách “vòi vĩnh, chung chia”, buộc DN “nhắm mắt đưa tiền”. Có những DN bộc bạch, muốn xin được dự án, thì tiền “lại quả” phải mất 5-7%, có khi đến hơn 10%.

         

Một đại biểu Quốc hội đã phải than lên rằng, “Qui định của pháp luật có tiến bộ đến đâu cũng vẫn có thể bị vô hiệu hóa bởi hàng tá những “lệ làng”, những thói quen, sự quan liêu, cửa quyền, thờ ơ và vô cảm. Một cái lắc đầu của ông chủ tịch tỉnh, một cái xua tay của ông giám đốc, thậm chí sự chậm trễ vòi vĩnh của một anh công chức hành chính quèn thôi cũng có thể tước đoạt đi cơ hội làm ăn của DN, người dân”.

         

Như vậy đó, không ai muốn làm những việc bất minh mà người đời coi thường và tốn kém!

 

Hà Lê


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang