Thứ Sáu, 29/03/2024 17:01:59 GMT+7

Tin đăng lúc 09-07-2016

Lượt xem: 3255

Đàm luận: Sống chết mặc bay

Chúng ta đều biết tiền thuế của dân là để xây dựng những dự án hạ tầng cơ sở sản xuất và công trình công cộng phục vụ đời sống, xã hội của nhân dân. Tuy nhiên, không ít tiền thuế của dân (hoặc tiền đi vay) lại được đưa vào xây dựng những công trình, dự án không hoạt động được, kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ triền miên làm nghèo đất nước.
Đàm luận:   Sống chết mặc bay
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Trên các phương tiện truyền thông gần đây, người dân đã biết, đã quen với các con số ngàn tỷ, chục ngàn tỷ thua lỗ, thất thoát, hoặc các dự án “đắp chiếu”, “thoi thóp”, hiệu quả không có, hoặc không ra được sản phẩm. Ai cũng đau lòng và phẫn uất khi nghe những thông tin với những con số hàng chục ngàn tỷ thua lỗ, thất thoát như Vinashine, Vinaline ít có khả năng thu hồi và hiện tại, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, khánh thành đưa vào hoạt động tháng 5/2014 thì chỉ đến giữa năm 2015 đã lỗ đến 1.732 tỷ đồng và từ tháng 9/2015 đến nay, Nhà máy đã dừng sản xuất, mà theo Tổng giám đốc Nhà máy thì đó là cách tiết kiệm nhất để chống thua lỗ kéo dài! Nhà máy Liên hợp Gang thép Vạn Lợi Hà Tĩnh, đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng vốn của các Ngân hàng quốc doanh (chiếm hơn 85%) chưa ra một sản phẩm nào thì đến nay UBND tỉnh Hà Tĩnh chính thức chấm dứt, thu hồi đất của dự án. Nhà máy Đạm Ninh Bình, đầu tư 12.000 tỷ đồng, đang trong cảnh “sống dở, chết dở” với mức lỗ hơn 2.000 tỷ đồng sau 4 năm hoạt động. Rồi nhiều nhà máy ethanol trên khắp cả nước sắp “đắp chiếu” vì sản phẩm làm ra giá thành quá cao, chất lượng kém, không tiêu thụ được. Nhiều công trình lớn như đường sá, cầu cống, nhà máy… mới được khánh thành đã xuống cấp, hư hỏng nặng…

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, các dự án mà báo chí điểm mặt thời gian qua chưa phải là đã hết và cần phải rõ ai là người chịu trách nhiệm với các dự án nghìn tỷ kém hiệu quả này. Bởi lẽ vì sử dụng vốn Nhà nước nên những dự án này có nguy cơ ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia. Những hệ lụy của những dự án "đắp chiếu" hay còn gọi là những "xác sống" này, là rất nghiêm trọng. Về mặt kinh tế, nó làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của ngân sách Nhà nước và tăng thêm chi phí của toàn bộ nền kinh tế. Về mặt xã hội, đầu tư kém hiệu quả không tạo được việc làm, sẽ làm tăng nguy cơ thất nghiệp đối với lực lượng lao động đã được đào tạo. Tình trạng này góp phần tăng tham nhũng và làm giảm niềm tin của xã hội.

 

Cần xác định rõ những tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm trong những dự án “làm nghèo” đất nước này. Không thể “ hòa cả làng được”. Không thể sinh ra rồi “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”./.

 

Con số và suy ngẫm

 

  • Trong quý II/2015, cả nước có 1,14 triệu lao động thất nghiệp (2,42%), giảm 15.000 người so với đầu năm. Số người thất nghiệp ở nông thôn giảm trong khi thất nghiệp ở thành thị tăng. Lực lượng thanh niên thất nghiệp tiếp tục tăng (gần 6,7%) cao gần 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước.

 

  • Hà Nội: Những ngành học khó tìm việc là kế toán, nhân viên ngân hàng, nhân viên hành chính - văn phòng, hóa dầu, sinh học, hóa chất. Dễ tìm việc: tiếp thị, maketting, nhân viên kinh doanh, kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử, thợ thủ công, thời trang, thiết kế mỹ thuật.

 

  • TP.HCM: Nhu cầu tìm việc là kế toán - kiểm toán, kinh doanh, bán hàng, hành chính văn phòng, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, cơ khí - tự động hóa... Nhu cầu tuyển dụng cao: công nghệ thông tin, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, kinh doanh - bán hàng, kế toán, kiểm toán. Khó tuyển lao động do thiếu nguồn cung: công nghệ thông tin, dệt may - da giày, du lịch - nhà hàng - khách sạn.

 

  • Công nghiệp chế biến chế tạo ở VN mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nội địa, chủ yếu là lắp ráp, gia công. Tỷ lệ sử dụng linh kiện trong nước của các nhà lắp ráp Việt Nam đối với sản phẩm công nghệ chỉ khoảng 10%. Các sản phẩm chế tạo có hàm lượng nhập khẩu cao.

 

  • Đến tháng 2/2016, các nhà đầu tư Thái Lan có 428 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 7,88 tỷ USD, xếp thứ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Các dự án của Thái Lan chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 200 dự án và gần 7 tỷ USD vốn đầu tư.

 

Lê Hà


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang