Thứ Sáu, 29/03/2024 04:02:49 GMT+7

Tin đăng lúc 16-05-2014

Lượt xem: 4659

Dân tộc Phù Lá và hôn nhân gia đình

Dân tộc Phù Lá còn có tên gọi: “Xá Phó, Phù Lá Hoa, Bồ Khô Pạ”. Là một cộng đồng người thuộc hệ ngôn ngữ Môn – Khơ Me, ngữ hệ Nam Á. Với hơn 6400 nhân khẩu cư trú phần lớn ở các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang.
Dân tộc Phù Lá và hôn nhân gia đình
Phụ nữ dân tộc Phù Lá

Dân tộc Phù Lá sống theo quần cư làng bản. Sự phân bố của họ hình thành 2 tuyến chính theo sự phân chia tự nhiên đối với vùng Tây Bắc, bởi dòng Hồng Hà chảy từ biên giới Trung – Việt vào nội địa, một nhóm trên hữu ngạn sông Hồng và một nhóm theo dãy Hoàng Liên Sơn. Ngày xưa cuộc sống của họ du canh, du cư (một năm làm nhà, ba năm rời bản). Dân tộc Phù Lá không có ruộng lúa nước, chủ yếu sống về nương rẫy, săn bắn hái lượm. Cây lương thực chính là lúa nương (xê mạ), cũng như các dân tộc khác trồng ngô (á mờ), kê (á xu mi te), ý dĩ (phú na gụ). Nguồn thu nhập của người Phù Lá hết sức bấp bênh, vì chăn nuôi kém phát triển, không có đàn gia súc, gia cầm lớn, sản phẩm của chăn nuôi ít được dùng trong bữa ăn hàng ngày, chủ yếu để dành vào các việc lớn như ngày Tết, giỗ chạp, lên nhà mới, đám cưới, đám tang… Các bữa ăn thường dựa vào việc săn bắn hái lượm trên rừng. Ngày nay theo chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đồng bào đã có cuộc sống định canh, định cư ổn định, có bản, có mường, có dòng họ cùng sống quây quần bên nhau và cùng hòa nhập với các cộng đồng dân tộc ít người khác.

 

Việc hôn nhân gia đình của người Phù Lá đơn giản nhưng rất thận trọng, họ tôn trọng sự lựa chọn tự do tìm hiểu của con cái, không ép buộc. Người con trai muốn tìm hiểu người con gái tiêu chuẩn đầu tiên là phải biết làm ăn, nhanh nhẹn, tháo vát và biết làm nhiều việc khác, thể hiện trai tài. Người con gái cũng phải nết na thùy mị, khéo tay, hay làm, chịu khó, thương chồng, thương con, biết may vá quần áo, làm đệm thêu khăn giỏi, thể hiện gái sắc. Chỉ cần thông qua các mùa phát nương làm rẫy, các ngày Tết, lễ hội, là có thể đánh giá được chàng trai, cô gái đó như thế nào? Cũng trong những dịp như thế, họ tự do tìm hiểu, cùng hát đối đáp giao duyên với nhau, sau khi nhất trí yêu nhau, họ trao nhau những kỷ niệm để làm tin. Con trai thường trao nhẫn bạc, vòng bạc hoặc trao nhẫn làm bằng ngà voi hay sừng thú rừng, con gái trao khăn thêu hoặc quần áo tự may cho con trai. Nhà trai phải làm lễ ăn hỏi gồm: Một đôi gà một con trống, một con mái, đôi chai rượu đến nhà gái dạm hỏi. Nếu nhà gái ưng thuận thì được đón dâu về nhà trai trong thời gian từ 7 đến 12 ngày, đây là thời gian thử thách để hai bên tìm hiểu nhau kỹ hơn, (chưa phải vợ chồng). Nếu người con gái không nhất trí tự động bỏ về nhà bố mẹ đẻ thì nhà trai phải chịu nộp phạt cho nhà gái là 5 đồng bạc trắng và một đôi gà, 2 chai rượu, coi như cuộc hôn nhân đó không được diễn ra. Ngược lại, hai người nhất trí lấy nhau, nhà trai phải sắm lễ vật sang nhà gái gồm: Một đôi gà trống thiến, hoăc đôi vịt, 12 quả trứng được cho vào rọ, 12 con cá suối hoặc cá chép đã sấy khô, 10kg gạo nếp, 2 chai rượu, một giỏ gừng. Đoàn nhà trai đại diện hai người già trong bản, một phù rể và một số anh em thân thiết đến nhà gái làm bữa cơm để thông báo cho những người thân thiết trong gia đình biết và hai bên cùng bàn đến đại sự hôn nhân gia đình. Sau đó hai vợ chồng về ở với nhau. Quá trình sống bên nhau, họ cố gắng lao động sản xuất làm ra của cải, vật chất để có lương thực, thực phẩm trong thời gian 3 – 4 tháng tổ chức lễ cưới. Lúc đó bố mẹ đẻ mới chia của cải cho con gái mang về nhà chồng gồm 02 bộ quần áo mới, 01 vòng cổ, một vòng tay bằng bạc, chăn màn đệm, một con lợn, nhà giàu cho thêm một con trâu và các vật dụng gia đình để đôi vợ chồng đó có cuộc sống độc lập. Khi về nhà chồng, con dâu không được ăn cùng bố mẹ chồng, ghế của bố chồng không được ngồi và không được vào chỗ ngủ của bố chồng, bà con gọi là “Phích khọn”, đó là quy định của tổ tiên để lại. Tổ chức đám cưới được tiến hành: Nhà trai mổ lợn, đám to thì mổ trâu, mổ bò, mời anh em trong dòng họ và bà con chòm xóm đến chúc mừng hạnh phúc trăm năm cho cô dâu, chú rể. Lễ đón dâu về nhà chồng cũng rất long trọng, đón dâu lúc mặt trời lặn không nhìn rõ mặt cô dâu, vì họ cho rằng con dâu về nhà chồng cần phải dấu mặt chưa cho họ hàng nhà chồng nhìn thấy mặt ngay.

Sơn Tùng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang