Thứ Sáu, 29/03/2024 16:53:23 GMT+7

Tin đăng lúc 30-05-2020

Lượt xem: 1569

Đào tạo nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ là yêu cầu cấp thiết

Hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang thiếu hụt rất nhiều cả về chất và lượng. Để có thể đáp ứng nhu cầu hoạt động của dây chuyền thiết bị hiện đại, một trong những yếu tố then chốt nhất chính là đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực.
Đào tạo nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ là yêu cầu cấp thiết
Trên cơ sở thực hành tại doanh nghiệp, sinh viên ra trường sẽ không phải đào tạo lại

Chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu

 

CNHT từ lâu được coi là nền tảng của nhiều ngành công nghiệp đóng vai trò là “đầu vào” của sản xuất. Phát triển nguồn nhân lực là một trong ba nội dung quan trọng nhất, quyết định lớn tới sự phát triển của ngành CNHT Việt Nam trong thời gian tới.

 

Nhìn vào hiện trạng của ngành CNHT trong những năm qua có thể thấy, nhu cầu về sản phẩm CNHT là rất lớn, đặc biệt là khi tốc độ đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng cao.

 

Dù sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, cần cù, nhưng Việt Nam lại đang thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao. Lao động Việt Nam có tay nghề tốt trong lĩnh vực CNHT, nếu chỉ so với các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc… thì đã là rất ít, rất yếu.

 

Tại Việt Nam, ngành CNHT đã được Chính phủ định hướng phát triển trở thành một ngành công nghiệp bền vững vào năm 2025. Do đó, giải bài toán chất lượng của nhân lực trở thành một nhu cầu bức thiết trong chiến lược phát triển dài hơi của CNHT nói riêng và cả ngành công nghiệp Việt Nam nói chung.

 

Các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo cho rằng, để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của ASEAN, việc cấp thiết hiện nay là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

 

 

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam

 

Giải pháp nào cho bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?

 

Các chuyên gia cho rằng, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhân lực, các nhà trường chính là yếu tố then chốt giúp cải thiện thực sự chất lượng nguồn nhân lực.

 

TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: “CNHT có tuổi thọ ngắn, công nghệ thay đổi liên tục nên doanh nghiệp cần gắn kết với nhà trường để tạo điều kiện cho nhau phát triển. Sinh viên được tiếp cận với dây chuyền công nghệ mới của doanh nghiệp thì doanh nghiệp sau này có nguồn nhân lực tốt. Trên thực tế, nhiều sinh viên thực lực giỏi nhưng bằng cấp không tốt do trong quá trình học tập có nhiều người không chú tâm vào học tập. Do đó, cần nhìn vào thực tế chứ không chỉ xem bằng cấp”.

 

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, nhấn mạnh: “Các cơ sở đào tạo nên nâng cao tính ứng dụng, giảm bớt tính hàn lâm, đặc biệt là đào tạo ngoại ngữ. Đây là quá trình thiết yếu để đảm bảo chất lượng cho nguồn lao động. Có rất nhiều cơ sở chọn những người lao động có trình độ ngoại ngữ. Đôi khi doanh nghiệp muốn đưa người lao động nâng cao tay nghề thì người lao động phải có tiếng Anh. Những bạn không có tiếng Anh cơ hội thấp hơn hẳn. Có những em dù đào tạo trung cấp nhưng có tiếng Anh, có rất nhiều cơ hội. Đẩy mạnh ngoại ngữ là một trong những "tấm visa" để người lao động hội nhập tốt hơn trong thời đại 4.0 hiện nay”.

 

Minh Phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang