Thứ Bẩy, 20/04/2024 10:33:04 GMT+7

Tin đăng lúc 10-07-2018

Lượt xem: 3900

Dấu ấn doanh nghiệp tư nhân Hải Phòng

Hải Phòng hiện có xấp xỉ 20 nghìn doanh nghiệp, trong đó đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực tư nhân.
Dấu ấn doanh nghiệp tư nhân Hải Phòng
Tổ hợp nhà máy LG ở Hải Phòng

Năm 2017, thu nội địa của thành phố đạt gần 22.000 tỷ đồng, trong đó cộng đồng các doanh nghiệp đóng góp gần 16.000 tỷ đồng, chiếm gần 73%. Hải Phòng coi thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, coi phát triển doanh nghiệp là then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

 

Tiên phong phát triển kinh tế tư nhân

 

Ngược dòng lịch sử, chỉ sau thời gián ngắn khi người Pháp thành lập thành phố Hải Phòng vào năm 1988, Hải Phòng đã có hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc, là một trung tâm công nghiệp của cả Đông Dương. Ngoài sự phát triển mạnh loại hình tư bản tư nhân của người Pháp, thành quả kinh tế của những người Việt tại Hải Phòng thời kỳ thuộc Pháp cũng rất đáng nể.

 

Có thể kể đến một số doanh nhân điển hình như doanh nhân Bạch Thái Bưởi gắn với Công ty Giang Hải Luân nổi danh cả nước về công nghiệp đóng tàu và vận tải hàng hải; doanh nhân Nguyễn Sơn Hà với hãng sơn Sơn Hà không chỉ đủ sức cạnh tranh với các hãng sơn lớn ở thế giới, mà sự nghiệp canh tân của ông cũng nổi bật, xứng đáng nằm trong danh sách những nhà tư sản cách mạng tiêu biểu của Việt Nam; doanh nhân Đoàn Đức Ban thành công vang dội nhờ phát triển nghề sản xuất nước mắm truyền thống với thương hiệu Vạn Vân, tiền thân của sản phẩm nước mắm Cát Hải hiện nay…

 

Đến nay thực hiện công cuộc Đổi mới do Đảng lãnh đạo, Hải Phòng lại là địa phương hăng hái đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế nhiều thành phần và đã thu được những thành tựu to lớn. Tiêu biểu phải kể đến ngành dịch vụ cảng biển. Hiện nay, thành phố có gần 40 doanh nghiệp cảng, đa phần là tư nhân, sử dụng chiều dài cầu cảng hơn 11km, lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng từ 13 đến 15%/năm; riêng năm 2017 đạt 92 triệu tấn..

 

Ngành dịch vụ du lịch, dịch vụ xã hội cũng đóng góp vào bản đồ kinh tế thành phố nhiều sắc màu, với hệ thống hàng chục bệnh viện, hàng trăm trường học dân lập, cùng hơn 20 nghìn doanh nghiệp hoạt động theo các mô hình trách nhiệm hữu hạn, cổ phần tư nhân, doanh nghiệp tư nhân… tính đến thời điểm năm 2017.

 

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp với sức bật đến từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng với các khu công nghiệp lớn như: Đình Vũ, Tràng Duệ (LG), VSIP…

 

Các doanh nghiệp nộp ngân sách thành phố Hải Phòng lên tới 16 nghìn tỷ đồng (trên 22 nghìn tỷ đồng năm 2017), chiếm 73% tổng thu ngân sách của thành phố.

 

Thành phố đã đề ra những cơ chế mở, thu hút hàng trăm nghìn tỷ đồng của các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh như VinGroup, SunGroup, Him Lam… đầu tư vào các dự án lớn. Song song với đó, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, tìm cơ hội kết nối các nguồn lực.

 

Nói đến phát triển kinh tế tư nhân Hải Phòng trong giai đoạn đổi mới, không thể không kể đến cú bứt phá của thu hút đầu tư trong nước mấy năm gần đây. Đó là các dự án khổng lồ do các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư, như hàng trăm nghìn tỷ đồng của VinGroup cho các dự án khu vui chơi giải trí đảo Vũ Yên, khu nông nghiệp kỹ thuật cao Vineco ở huyện Vĩnh Bảo, khu nhà ở cao cấp ở quận Hồng Bàng, bệnh viện Vinmec ở quận Lê Chân và tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, sản xuất điện tử Vinsmart ở huyện Cát Hải; SunGroup với hàng chục nghìn tỷ đồng cho dự án phát triển du lịch Cát Hả;  tập đoàn Mường Thanh với dự án hơn 5 nghìn tỷ đồng phát triển khu du lịch ở Đồ Sơn…

 

 

Nhiều khách sạn 5 sao được xây dựng trên địa bàn thành phố

 

Song song với đó, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, tìm cơ hội kết nối các nguồn lực. Thành phố không ngừng nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có chỉ thị yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra, chủ tịch UBND các quận, huyện không tiến hành thanh tra, kiểm tra quá một lần/năm đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất. Đồng thời tổ chức đối thoại doanh nghiệp định kỳ một lần/tháng, lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp để hoàn thiện cơ chế.

 

Bất cập từ hai phía

 

Thẳng thắn nhìn nhận, tuy đạt được những thành quả ban đầu đáng ghi nhận nhưng nhìn chung doanh nghiệp tư nhân ở Hải Phòng còn nhiều bất cập, yếu kém. Trách nhiệm quản lý hướng dẫn của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng còn hạn chế.

 

Trong tuân thủ chính sách pháp luật, một phần vì năng lực tài chính giai đoạn khởi nghiệp yếu, trình độ quản lý hạn chế, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, trong khi mục tiêu và tham vọng lại lớn nên một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp tư nhân vô tình vi phạm, nhất là các điều kiện về an toàn lao động, về môi trường, về chế độ lao động và việc làm…

 

Tuy nhiên cũng không ít doanh nghiệp ngay từ lúc sinh ra đã hình thành ý thức vi phạm, phổ biến trên lĩnh vực mua bán hóa đơn, chứng từ giả; sản xuất, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; lập dự án một đằng hoạt động một nẻo để chiếm dụng đất đai… mà thời gian qua Hải Phòng cũng như cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc lớn. Tồn tại trên có lẽ chính là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch về thống kê số lượng doanh nghiệp ở Hải Phòng, giữa lũy kế đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế, phản ánh bất cập trong công tác hậu kiểm. Có số lượng lớn các doanh nghiệp được thành lập nhưng không hoạt động, không phát sinh thuế. 

 

Chưa kể một vài doanh nghiệp tư nhân khi đã phát triển thành quy mô lớn, cũng không ngần ngại vi phạm để trục lợi, mà trường hợp Cty T.S từng có tên trong danh sách những doanh nghiệp hàng đầu Hải Phòng, đã phải “xóa sổ” vì vi phạm, khiến cho các lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp, hầu hết cùng một gia đình phải vướng vào vòng lao lý là một ví dụ.

 

Bên cạnh đó sự vi phạm của các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên các lĩnh vực môi trường, trật tự xây dựng, thuế, bảo hiểm xã hội... còn diễn ra khá phổ biến.

 

Vấn đề tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, thời gian qua thành phố Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản xác định vi phạm và xử lý đối với nhiều dự án chậm tiến độ thực hiện dự án, sử dụng đất không đúng mục đích. Trong đó, đã ban hành quyết định thu hồi đất đối với 12 dự án với diện tích 243,6ha; xem xét thu hồi 19 dự án diện tích 105,98 ha; đang tổng hợp hồ sơ xử lý vi phạm đối với 27 dự án diện tích 118,32 ha... Đây là hệ quả kéo dài thành quá trình của một thời kỳ dài buông lỏng trong công tác quản lý đất đai của chính quyền.

 

Mặc dù có những bước tiến ngoạn mục, nhưng kinh tế tư nhân ở Hải Phòng chưa thực sự được hệ thống hóa thành một mô hình phát triển đột phá. Thành phố cũng chưa có nhiều sản phẩm tư nhân có sức cạnh tranh cao. Tình trạng tự phát, chụp giật trong sản xuất kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu tính ổn định, tình trạng vi phạm pháp luật theo kiểu làm liều cũng không thể hiện được mục tiêu tăng trưởng bền vững. Những vấn đề bất cập này không phải riêng của kinh tế tư nhân Hải Phòng, mà diễn ra tương tự ở nhiều địa phương trong cả nước.

 

 Nghị quyết TW 10 về “Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế tư nhân" nêu rõ: “Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác…”. Tuy nhiên, bà Đào Thị Kim Ngân – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng cho rằng: “Từ Nghị quyết đến thực tế vẫn còn một khoảng cách khá xa. Đơn cử, việc hỗ trợ doanh nghiệp, hiện có khá nhiều chính sách khác nhau nhưng việc triển khai rất hạn chế, chẳng hạn như việc tiếp cận nguồn vốn, việc bố trí mặt bằng sản xuất. Riêng mặt bằng sản xuất, các chính sách ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… là chính sách chung áp dụng cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng chưa  có chính sách riêng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hơn nữa trên thực tế, do quy mô sản xuất nhỏ, nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu hoặc không đủ khả năng thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp. Chính vì vậy, trong số các thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng, tỷ lệ được giải quyết về mặt bằng sản xuất chỉ đạt khoảng 25%”.

 

Lấy kinh tế tư nhân làm động lực chính

 

Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW 10 về phát triển kinh tế tư nhân, thành phố đặt ra mục tiêu tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân tại Hải Phòng theo hướng lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần đưa kinh tế - xã hội thành phố phát triển nhanh, bền vững, tạo sự phát triển đột phá, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại.

 

Đồng thời, nâng cao chất lượng hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân, xây dựng doanh nghiệp thành phố Hải Phòng có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, xây dựng và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; nhiều doanh nhiệp tham gia mạng sản xuất chỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

 

Về số lượng doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, toàn thành phố có trên 33.000 doanh nghiệp hoạt động; đến năm 2025 có trên 42.000 doanh nghiệp hoạt động và đến năm 2030 có trên 53.000 doanh nghiệp hoạt động. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tư nhân phấn đấu đạt cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đến năm 2020 đạt khoảng 51% - 53%, năm 2025 đạt khoảng 55% - 56%, đến năm 2030 đạt khoảng 60% - 65%.

 

UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ: tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương, giải pháp, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra phối hợp của cấp ủy đảng, nâng cao vai trò của tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp.

 

Một hệ thống chính sách, giải pháp đã được vạch ra tương đối bài bản. Chỉ mong rằng nó sớm trở thành hiện thực cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giữa mong muốn và thực tế.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang