Thứ Sáu, 29/03/2024 17:41:54 GMT+7

Tin đăng lúc 06-01-2022

Lượt xem: 795

Đau đáu tìm thị trường cho 300 nghìn tấn thanh long đang bị "tắc biên"

Trong thời gian tới, có khoảng 300 nghìn tấn thanh long cần được tiêu thụ. Đây là vấn đề nan giải khi Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu mặt hàng này.
Đau đáu tìm thị trường cho 300 nghìn tấn thanh long đang bị "tắc biên"

300 nghìn tấn thanh long cần "lấy lòng" người tiêu dùng trong nước

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), thanh long là loại trái cây đặc sản của Việt Nam, được trồng tại khoảng 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang – chiếm tới hơn 90% diện tích và sản lượng cả nước.

 

Trong “rổ” hàng hóa rau quả xuất khẩu, thanh long là mặt hàng có giá trị kim ngạch cao, trong đó, thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc (chiếm từ 80-90% sản lượng xuất khẩu thanh long của cả nước, tùy từng năm). 

 

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, do tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 80-90%, nên khi thị trường này có thay đổi về kỹ thuật hay gặp vướng mắc về thương mại, là tình trạng thanh long bị "dội biên" lại xảy ra và không phải chỉ 1 vài lần. Từ cuối tháng 12.2021, tình trạng này lại lặp lại và còn nghiêm trọng hơn các năm trước đó. Theo ông Hồ Tiến Thiệu – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 29.12.2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long tại Việt Nam. Hiện nay, một số xe chở hoa quả đã được điều tiết vào kho bảo quản, những xe chở thanh long đã quay đầu về tiêu thụ tại thị trường nội địa.

 

Như vậy, trong thời gian tới, 300 nghìn tấn thanh long không thể xuất khẩu là bài toán nan giải của Bộ NNPTNT và các địa phương không chỉ tại các “thủ phủ” trồng thanh long đã nói ở trên, mà còn tại một số tỉnh, thành phố như: Vĩnh Long, Trà Vinh, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu; một số tỉnh miền Bắc như: Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Nội...

 

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, thanh long hiện được xác định là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh cao trong số các loại trái cây ở Việt Nam, đồng thời cũng được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc cũng đã mở rộng nhiều diện tích trồng thanh long, lợi thế thị phần của thanh long Việt Nam tại thị trường này không còn như trước nữa. Để duy trì việc tiêu thụ thanh long được ổn định, lâu dài, không "đầu voi đuôi chuột", Bộ NNPTNT cho biết, sẽ thường xuyên tổ chức các diễn đàn kết mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, đặc biệt là tại thị trường nội địa, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

 

Tìm hiểu của PV Lao Động cho thấy, trong tuần vừa qua, mặc dù các doanh nghiệp, siêu thị, các "mạnh thường quân" triển khai lời kêu gọi của Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, UBND và Sở Công Thương các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Bình Thuận, Long An... hỗ trợ tiêu thụ thanh long, nhưng sức mua vẫn chưa thực sự mạnh.

 

Tại siêu thị Big C, Go thuộc Tập đoàn Central Retail, trong tuần đầu tiên "giải cứu" đã tiêu thụ được 20 tấn thanh long, nhưng so với 300 nghìn tấn thanh long đang cho thu hoạch từ nay đến hết tháng 3.2022, cần một kế hoạch dài hơi và bền vững, bởi đây là một con số hoàn toàn không nhỏ.

 

Bài học "bỏ trứng vào 1 giỏ"

 

Theo Bộ NNPTNT, thanh long của Việt Nam cũng được xuất khẩu sang các “vựa” trái cây nhiệt đới như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ. Nhiều năm trở lại đây, một số thị trường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao như Australia, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Chile cũng đẩy mạnh nhập khẩu thanh long của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn là chủ lực.

 

Việc dồn tỉ trọng vào 1 thị trường lớn đã khiến người dân, doanh nghiệp và chuỗi ngành hàng liên quan tới mặt hàng nông sản này gặp nhiều khó khăn khi xảy ra "tắc biên". Đáng nói là, thanh long đầu năm được sản xuất nghịch vụ, bán được giá hơn nhiều so với chính vụ vào tháng 8, tháng 9 hàng năm nên hầu hết các địa phương tập trung sản xuất ở vụ này, lượng hàng nhiều, đầu ra lớn nên khi gặp trục trặc, thiệt hại cũng gần như nhân đôi, bởi do được trồng “nghịch vụ”, nên chi phí cũng cao hơn rất nhiều so với trồng chính vụ.

 

Nhằm giải quyết một cách bài bản, căn cơ vấn đề sản xuất, tiêu thụ thanh long, lãnh đạo Bộ NNPTNT chỉ đạo Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 phối hợp các cục: Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các đơn vị  trực thuộc bộ tổ chức diễn đàn với chủ đề "Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long" vào sáng 6.1.2021. Đây là diễn đàn về thanh long quy mô lớn từ trước đến nay.

Tham gia diễn đàn còn có một số tham luận của nhiều tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài; tham luận của lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và ý kiến của sở NNPTNT các tỉnh có diện tích thanh long lớn.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang