Thứ Năm, 28/03/2024 18:25:38 GMT+7

Tin đăng lúc 04-01-2019

Lượt xem: 6609

Dầu giảm giá gần 40%, thép giảm 4%, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng cao trong quý cuối năm 2018

Quý cuối năm 2018 ghi nhận thị trường hàng hóa toàn cầu biến động cực mạnh, trong đó điểm nhấn là dầu thô.
Dầu giảm giá gần 40%, thép giảm 4%, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng cao trong quý cuối năm 2018

Giá dầu giảm gần 40%

 

Trong quý 4/2018, giá dầu biến động mạnh theo xu hướng giảm, dầu WTI giảm 39%, dầu Brent giảm 36%.

 

Giá dầu đã lên mức cao nhất 4 năm vào tuần đầu tháng 10/2018 sau đó giảm liên tục. Chốt phiên 3/10/2018, dầu WTI lên tới 76,41 USD/thùng trong khi dầu Brent đạt 86,29 USD/thùng. Tuy nhiên, kể từ đó, giá giảm mạnh, kết thúc phiên ngày 21/12/2018 giá dầu Brent xuống 53,82 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) cũng giảm xuống 45,59 USD/thùng.

 

Giá dầu tăng mạnh đầu tháng 10/2018 do nhiều nguyên nhân như thị trường bị cuốn vào lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran bất chấp thông tin dự trữ dầu thô Mỹ hàng tuần liên tục tăng và sản lượng dầu thô của Saudi Arabia, Nga cùng lên cao. Thị trường cũng nghi ngờ công suất dầu thô thực tế của Saudi Arabia không thể bù đắp được nguồn cung thiếu hụt từ Iran khi các lệnh trừng phạt bắt đầu từ ngày 4/11/2018. Xuất khẩu dầu từ Iran cũng giảm mạnh hơn dự kiến do các nước tuân theo yêu cầu giảm nhập khẩu của chính phủ Mỹ.

 

Tuy nhiên, chính những lo lắng này đã đẩy nguồn cung thế giới tăng lên đột ngột. Sản lượng dầu của Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến đạt kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày trong những tuần đầu tháng 11/2018. Saudi Arabia tăng sản lượng lên sát mức kỷ lục trong tháng 10/2018. Nga và các nước sản xuất khác bắt đầu bơm mạnh dầu ra thị trường những tháng gần đây. Tiếp đó Mỹ cho phép 8 nền kinh tế tiếp tục mua dầu của Iran với số lượng hạn chế trong vòng 180 ngày.

 

Trong khi đó, nhu cầu dầu thế giới dự báo sẽ tăng chậm lại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến bất ổn trong thương mại toàn cầu và thị trường tiền tệ mới nổi, gây ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu.

 

Ngoài ra, giới đầu tư rút khỏi đặt cược dầu tăng giá, các quỹ đầu tư đi từ tâm lý lạc quan tới tâm lý bi quan vào giá dầu chỉ trong vòng vài tuần. Các quỹ giao dịch dầu WTI đã giảm vị thế mua xuống thấp nhất một năm, trong khi vị thế mua đối với dầu Brent cũng xuống thấp nhất kể từ tháng 7/2018.

 

Tổ chức OPEC cùng các đồng minh ngoài OPEC cùng cả Nga đã đồng ý thỏa thuận cắt giảm sản lượng chung 1,2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 1/2019, tuy nhiên các nhà đầu tư vẫn nghi ngờ sản lượng cắt giảm này có thể bù cho sản lượng tăng lên từ những nơi khác đặc biệt là Mỹ.

 

Giá thép giảm 4%

 

Trong quý 4/2018, giá thép toàn cầu giảm 4-5% so với quý trước đó nhưng vẫn tăng trên 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Cuộc chiến thương mại toàn cầu ngày một căng thẳng gây thiệt hại nặng nề tới nhiều nền kinh tế. Sau khi Mỹ áp dụng Luật 232 đánh thuế 25% vào thép, các nước tăng cường kiểm soát nhập khẩu bằng các hàng rào thuế quan và bảo vệ ngành thép nội địa, khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu thép của nhiều nước giảm mạnh. Nhu cầu tiêu thụ thép chững lại trong khi nguồn cung dồi dào ép giá giảm xuống.

 

Thị trường thép cây đang có xu hướng tăng nhờ nhu cầu mạnh, bất chấp các hạn chế thương mại. Mỹ hiện vẫn nhập khẩu nhiều thép cây trong khi nhu cầu ở Châu Âu tăng lên. Hạn ngạch nhập khẩu thép cây ở khu vực này giảm dần vào cuối năm và khu vực này vẫn đang cần nhập nhiều thép thành phẩm tuy nhiên đang vấp phải một số vấn đề về vận tải do mực nước sông thấp và đồng Euro yếu.

 

Tại Mỹ, sau khi giá tăng rất mạnh vào đầu năm do nước này áp dụng Luật 232 gây lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong nước, giá thép dây cán nóng đã giảm mạnh trong tháng cuối năm do hoạt động xây dựng yếu mang tính mùa vụ, nhu cầu yếu, giá nguyên liệu thô giảm, nguồn cung dồi dào, buộc các nhà máy phải cắt giảm giá trong khi giá thép tấm cán nóng tăng nhẹ do nhu cầu mạnh, nguồn cung thắt chặt. Tuy nhiên, Mỹ vẫn phải phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa do giá thép trong nước cao hơn các nước khác.

 

Giá gạo xuất khẩu Châu Á biến động trái chiều

 

Giá gạo xuất khẩu Châu Á biến động trái chiều trong quý cuối năm nay. Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng, trong khi gạo Thái Lan và Philippines vững, còn gạo Việt Nam giảm. Chính sách tăng giá thu mua lúa gạo trong nước tác động đến thị trường gạo Ấn Độ, trong khi Trung Quốc siết quy định nhập khẩu gạo ảnh hưởng tới xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

 

Cụ thể, giá gạo Ấn Độ loại 5% tấm tăng từ 2-5 USD/tấn kết thúc quý ở mức 375 - 382 USD/tấn. Giá lúa gạo trong nước tăng sau khi Chính phủ nâng giá thu mua thêm 13% cho lúa vụ này (so với cùng vụ năm ngoái) lên 1.750 rupee/100 kg. Điều này cũng góp phần đẩy giá gạo xuất khẩu của nước này tăng trước, trong và sau khi Chính phủ thực hiện chính sách này.

 

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan cũng tương đối vững (đầu quý loại 5% tấm ở mức 390- 393 USD/tấn, cuối quý khoảng 390 - 391 USD/tấn).

 

Giá gạo trên thị trường Philippines liên tiếp giảm trong quý 4/2018 sau nhiều đợt Cơ quan Lương thực Quốc gia nước này (NFA) mở thầu mua gạo để tăng lượng dự trữ của Chính phủ, từ đó tăng cung cho thị trường trong nước.

 

Tuần đầu tiên của tháng 12/2018, giá gạo xát thường và xát kỹ trung bình lần lượt giảm còn 42,17 peso và 45,73 peso/kg. Tuy nhiên, so với mức giá một năm trước (khi đó giá 2 loại này ở mức 38,06 peso và 42,24 peso/kg), giá gạo hiện tại vẫn cao hơn lần lượt 10,8% và 8,74%. Đồng thời, giá hiện cũng vẫn cao hơn mức giá bán lẻ quy định (là 39 peso đối với gạo xát thường và 44 peso/kg với gạo xát kỹ).

 

Giá tôm giảm mạnh tại Mỹ

 

Giá tôm tại Mỹ - thị trường nhập khẩu tôm chủ yếu của các nước châu Á, đang trong tình trạng ảm đạm suốt quý 4/2018. Giá tôm cỡ 41/50 bỏ đầu giảm 14% từ mức 3,5 USD/Lb (tương đương 7,7 USD/kg) trong tháng 10/2018 xuống còn khoảng 3 USD/Lb (tương đương 6,6 USD/kg) vào giữa tháng 12/2018 - đây là mức thấp nhất tại thị trường Mỹ trong ba năm nay.

 

Giá tôm nguyên liệu tại Ấn Độ trong tháng 10,11/2018 tăng do nhu cầu nhập khẩu của Mỹ tăng để phục vụ mùa Giáng sinh, hơn nữa đồng Rupees yếu đi và lượng tồn kho giảm mạnh, nhưng sang tháng 12/2018 giá tôm giảm 8 - 13%.

 

Hiện giá tôm đang trong xu hướng giảm xuống mức đáy nhiều năm qua. Nguyên nhân do nguồn cung quá lớn, lượng tôm còn tồn trong kho lạnh của Mỹ rất cao, hơn nữa tôm bị từ chối thông quan do nhiễm kháng sinh và chất cấm.

 

Giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng cao

 

Trong quý 4/2018, giá TĂCN & NL thế giới tăng so với quý 3/2018 và quý 4/2017. Nguyên nhân chính là do Mỹ và Trung Quốc "đình chiến" thương mại trong 90 ngày đã thúc đẩy nhu cầu đậu tương, mặc dù dịch tả lợn Châu Phi ở Trung Quốc vẫn tiếp tục bùng phát, tính từ 3/8-7/12/2018 tổng cộng có 91 ổ dịch xuất hiện tại 21 tỉnh của Trung Quốc gây lo ngại về nhu cầu.

 

Ngô: Giá ngô tăng 1,8% so với quý trước đó và tăng 8,03% so với quý 4/2017 do nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trong dịp gần Tết Nguyên đán tại Trung Quốc cũng như các nước khu vực châu Á tăng mạnh, thúc đẩy nhu cầu ngô tăng.

 

Lúa mì: Giá lúa mì trên sàn Chicago tăng nhẹ 1,07% so với quý liền trước và tăng mạnh 20,56% so với cùng quý năm ngoái do nhu cầu tăng và thời tiết xấu ảnh hưởng đến năng suất cây trồng tại Bắc Mỹ.

 

Đậu tương: Giá đậu tương tăng 0,69% so với quý 3/2018 nhưng giảm 6,69% so với quý 4/2017. Giá đậu tương kỳ hạn tại Mỹ trong phiên đầu tháng 12/2018 tăng mạnh sau khi Nhà Trắng tuyên bố Trung Quốc nhất trí ngay lập tức mua thêm nông sản Mỹ, như một phần trong thỏa thuận "đình chiến" thương mại giữa hai nước. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Chicago tăng 3,2% lên 9,233 USD/bushel, cao nhất 6 tháng.

 

Bột cá: Giá bột cá tại thị trường Peru giảm 0,49% so với quý 3/2018 nhưng tăng 5,22% so với quý 4/2017, do nhu cầu bột cá tăng trở lại.

 

Nguồn Trí thức trẻ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang