Thứ Sáu, 29/03/2024 19:06:48 GMT+7

Tin đăng lúc 15-09-2019

Lượt xem: 5943

Đâu là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019?

Bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2019 dù có những dấu hiệu tích cực như tăng trưởng GDP ở mức cao, kiểm soát được lạm phát, giải ngân FDI tốt, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt, tiến trình hội nhập tích cực… Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế thế giới yếu đi, kinh tế Việt Nam không nên chủ quan mà cần phải gia tăng chống đỡ với những bất lợi bên ngoài thì mới có thể đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Đâu là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019?
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vẫn mở ra nhiều triển vọng mới

Những khó khăn phải đối mặt

 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới yếu đi, tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn cũng như cả thế giới nói chung đều đã điều chỉnh giảm từ mốc 2,9% xuống còn 2,6%. Năm 2019, tăng trưởng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm suy giảm với mức độ không đáng kể, tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, trong 6 tháng cuối năm kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều rủi ro từ bên ngoài, do vậy cần đồng thời đẩy mạnh những cải cách từ trong nền kinh tế để giảm bớt tác động và tăng sức chống chịu đối với các cú sốc đó.

 

Kinh tế Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn với những điểm nghẽn chưa được tháo gỡ. Đó là sự chậm lại của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và nông nghiệp. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm lại (ở mức 11,18%, thấp hơn so với mức 12,87% của cùng kỳ năm 2018) do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút. Ngành nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng; xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại, nhất là từ Trung Quốc, trong khi đây là mặt hàng khó dịch chuyển thị trường.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thương mại toàn cầu hiện đang bị ảnh hưởng mạnh từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cũng như tăng trưởng kinh tế, do vậy, phần lớn phần cầu của thế giới bị sụt giảm, những nước xuất khẩu chính đều có tăng trưởng âm hoặc ở mức rất thấp.

 

Trong bối cảnh thương mại sụt giảm, nhiều tổ chức kinh tế đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Cụ thể, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2019 dự kiến là 6,5% giảm khá nhiều so với đỉnh 10 năm 7,1% của năm 2018; lạm phát trung bình năm 2018 là 3,5%, tăng 3,6% so với năm 2019 và 3,8% năm 2020. Trước đó, dù rất lạc quan khi duy trì đánh giá được mức độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực, hơn cả Trung Quốc, nhưng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ đưa ra mức 6,8%. The World Bank thì lại tỏ ra thận trọng hơn với con số đưa ra là 6,6% do sức cầu bên ngoài yếu và tín dụng thắt chặt. Mặt khác, tổ chức này cũng đánh động rằng, Việt Nam cần phải điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô trong trường hợp những rủi ro nêu ra trở thành hiện thực, dẫn đến suy giảm sâu hơn so với dự kiến.

 

Theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm có thể chịu ảnh hưởng lớn từ rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới. Cùng với đó là những rủi ro có tính bất định rất lớn từ đối đầu thương mại giữa Nhật - Hàn Quốc tác động trực tiếp đến Việt Nam, chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến phức tạp.

 

Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để xử lý được hài hòa tác động từ những căng thẳng thương mại, chiến tranh thương mại giữa các đối tác lớn của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) cho rằng: “Là một nước nhỏ, phụ thuộc vào các đối tác này, rõ ràng Việt Nam cũng sẽ phải tính toán rất nhiều. Ngả về một đối tác nào đó trong thời điểm này sẽ không phải là sự lựa chọn khôn ngoan, nhưng ngược lại chúng ta cứ đứng ngoài và giữ mình quá thì thách thức sẽ không chỉ là việc chúng ta giữ được vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại và đầu tư thế giới, mà còn tạo thêm rào cản không cần thiết cho sự đầu tư của DN vào các hoạt động thương mại quốc tế cũng như chuỗi giá trị khu vực toàn cầu”.

 

Đâu là động lực tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm?

 

Việt Nam không thể tránh khỏi những “cơn gió ngược” đến từ bên ngoài, tuy nhiên chúng ta vẫn hoàn toàn có thể lạc quan vào tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 6,7% dựa vào triển vọng sản xuất tươi sáng và dòng vốn từ nước ngoài ổn định.

 

Trong 6 tháng cuối năm, các động lực hỗ trợ tăng trưởng ở cả phía cung và phía cầu. Trong đó, tiêu dùng cá nhân tăng mạnh; các ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, dịch vụ tiếp tục phát triển; nông nghiệp dần phục hồi.

 

Theo ông Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng sự kỳ vọng của EVFTA, ba nhân tố này có tác động tương đối tốt đối với đầu tư ở Việt Nam nói riêng và tăng trưởng nói chung. Ngoài ra, Chính phủ có những nỗ lực rất mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi sự kinh doanh và chống tham nhũng đã giúp tạo động lực, tạo lòng tin của giới kinh doanh đầu tư trong phát triển kinh tế.

 

Những tháng còn lại của năm 2019, các yếu tố khó khăn và thuận lợi đan xen trên bình diện quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới mặc dù dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2018 nhưng dự kiến vẫn đạt mức khá do kỳ vọng vào tăng trưởng một số nền kinh tế như Mỹ, EU, Nhật Bản, cũng như sự ổn định của giá cả hàng hóa thế giới. Bên cạnh đó, một số yếu tố có thể tác động cả tích cực và tiêu cực đến kinh tế Việt Nam như việc giảm giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc - đối tác thương mại lớn của Việt Nam, diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hay sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong vấn đề dầu mỏ.

 

Ở trong nước, những nỗ lực của Chính phủ trong tiến trình cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, tận dụng các cơ hội của hội nhập quốc tế, nhất là trong điều kiện Hiệp định CPTPP bắt đầu có hiệu lực thực thi với Việt Nam từ năm 2019 và Hiệp định EVFTA sẽ là các yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm, cũng như cả năm 2019. Trên bình diện chung trong bối cảnh suy thoái kinh tế, tăng trưởng GDP cả năm là 6,7 - 6,8% là mức cao so với các nước trên thế giới, tuy vậy, cân nhắc trên các lĩnh vực và nhìn nhận thách thức, chính phủ khẳng định Việt Nam vẫn sẽ kiên định với mục tiêu, dứt khoát không có chuyện điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào trong 6 tháng cuối năm 2019.

 

Lý giải xung quanh vấn đề vậy động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2019 nói riêng và trong thời gian tới là gì? Xin được dẫn lời TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: “Hội nhập, thu hút đầu tư là yếu tố quan trọng để tăng trưởng, phát triển kinh tế, nhưng nội lực trong nước, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng phải được nâng cao, đó mới là tăng trưởng lâu bền”.

 

Hoa Nguyễn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang