Thứ Bẩy, 20/04/2024 10:38:10 GMT+7

Tin đăng lúc 28-10-2019

Lượt xem: 2175

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong xúc tiến tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn

Thời gian qua, các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT) hầu như vẫn chưa tận dụng tốt tiềm năng từ công nghệ 4.0 để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là bài toán khó với các nhà hoạch định chiến lược, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong xúc tiến tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn
Các đại biểu tham dự Toạ đàm xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp nông thôn giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày 18/9/2019, tại Hà Nội, trong buổi “Toạ đàm xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp nông thôn giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Hoàng Chính Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) đã khẳng định: “Cuộc cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tác động mạnh mẽ tới nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, cách mạng công nghệ 4.0 là cơ hội và cũng là thách thức rất lớn. Điều này có ảnh hưởng đến sự thay đổi về nền tảng công nghiệp, tư duy sản xuất, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp”.

 

Thực tế cho thấy, sự phát triển của các công nghệ nền tảng cho phép doanh nghiệp vượt qua nhiều rào cản, tiếp cận thông tin nhanh chóng và tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Song song với việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, việc nghiên cứu và ứng dụng marketing 4.0 là xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp phải thực hiện nếu muốn có được vị thế cạnh tranh cao trên thị trường.

 

 

Ông Hoàng Chính Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội và cũng là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT.

 

Ông Đỗ Đình Lăng, Giám đốc Công ty TNHH LV – Hòn Ngọc Viễn Đông (Hà Nội) cho hay: “Chúng tôi đã xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ gần 10 năm và hiện tại đang từng bước đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất kinh doanh. Chúng tôi đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống website, nâng cấp giao diện để người tiêu dùng có thể tương tác trực tiếp ngay trên trang web. Trong tương lai, chúng tôi sẽ đẩy mạnh mảng kinh doanh thương mại điện tử giàu tiềm năng này”.

 

Ông Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn (Bình Dương) cho biết: “Công ty chúng tôi hiện đang sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, phù hợp xu thế sử dụng chất liệu, vật liệu thân thiện với môi trường. Trước đây làm sơn mài phải mất 5 - 6 tháng, giờ chỉ cần 01 tháng là xong. Bên cạnh việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, chúng tôi cũng phát triển mảng quảng cáo marketing online, trực tiếp trên website, hoặc qua những kênh mua bán trực tuyến, mạng xã hội. Kết quả bước đầu rất khả quan”.

 

Để các hoạt động khuyến công được thực hiện phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa, giúp cho các cơ quan chức năng làm tốt công tác khuyến công, cơ sở CNNT bắt kịp với cách mạng công nghiệp 4.0, năm 2018, Cục Công Thương địa phương đã phối hợp với các Sở Công Thương, Cục Phòng vệ Thương mại, đơn vị tư vấn quản lý chuyên nghiệp tổ chức Hội thảo khuyến công với các vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế tại 3 khu vực Bắc – Trung – Nam để cập nhật các kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công, các doanh nghiệp, cơ sở CNNT.

 

Cục Công Thương địa phương cùng các ban ngành liên quan từ trung ương đến địa phương cũng chú trọng đến công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm CNNT thông qua các kênh thông tin, truyền thông như truyền hình, truyền thanh, báo chí, xây dựng website… Điều này đã giúp các doanh nghiệp kết nối trực tiếp hơn, chặt chẽ hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Các hoạt động này cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu, đóng vai trò quan trọng trong quảng bá sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam, nhất là hỗ trợ hiệu quả việc xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm CNNT.

 

Lực lượng sản xuất CNNT tại các địa phương hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính cũng như năng lực quản lý có hạn. Nhận thức được điều đó, Cục Công Thương địa phương đã hỗ trợ “từ gốc tới ngọn” cho các cơ sở, doanh nghiệp này. Không chỉ hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất sản phẩm, Cục Công Thương địa phương còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối, quảng bá và tìm đầu ra cho sản phẩm CNNT.

 

Sự phối hợp giữa các ban ngành có liên quan và doanh nghiệp, cơ sở CNNT đã đem lại những hiệu quả tích cực cho việc đẩy mạnh chất lượng, đột phá về công nghệ và phương thức sản xuất, kinh doanh, tiếp thị. Đại diện Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định chia sẻ: “Các sản phẩm của Hiệp hội được truy xuất bằng mã QR code, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chúng tôi đang có những kế hoạch nhằm tăng tính nhận diện về thương hiệu sản phẩm, tiến tới phát triển thương mại điện tử, marketing 4.0, lấy con người làm trung tâm nhằm tiếp cận người tiêu dùng nhanh hơn, tốt hơn”. 

 

Minh Phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang