Thứ Năm, 25/04/2024 22:16:02 GMT+7

Tin đăng lúc 31-10-2021

Lượt xem: 1179

Đề án “Tập huấn cho lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp” đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân tại Thái Bình

Trong những năm qua, việc sử dụng cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn đã thay đổi diện mạo nền nông nghiệp tại Thái Bình; làm tăng giá trị sản xuất, tiết kiệm thời gian, giảm sức lao động cho người dân; tận dụng, khai thác hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Đề án “Tập huấn cho lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp” đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân tại Thái Bình
Ông Trần Ngọc Phúc – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình trình bày báo cáo tại Hội nghị

Theo báo cáo tổng kết đánh giá kết quả thực hiện “Đề án tập huấn cho lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp” phục vụ cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2015 – 2020, tại Quyết định số: 1547/QĐ-UBND ngày 13/7/2015 của UBND tỉnh Thái Bình, trong 05 năm qua, nhờ đưa máy móc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã làm tăng giá trị sản xuất, tiết kiệm thời gian, sức lao động cho người dân, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp vào thời điểm mang tính mùa vụ; tạo quỹ đất cho sản xuất vụ Hè, vụ Đông. Cơ giới hóa được tiến hành chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt trong sản xuất lúa.

 

Nguồn kinh phí thực hiện đề án và dành cho khuyến công địa phương giai đoạn 2015 – 2020 đã giúp TTKC tỉnh Thái Bình triển khai được 336 lớp tập huấn cả lý thuyết và thực hành cho lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp tại 183 xã trên địa bàn toàn tỉnh, với 12.810 người tham gia, chủ yếu các đối tượng là lao động nông thôn, có nhu cầu cần học tập, nâng cáo trình độ, kỹ thuật về vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các loại máy cơ khí nông nghiệp.

 

 

Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình phát biểu tại Hội nghị

 

Tại Hội nghị ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tich Hội Nông dân tỉnh Thái Bình cho biết: Thái Bình là tỉnh nông nghiệp chiếm đa số, chính vì vậy, chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh là từng bước hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tận dụng mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hiện nay toàn tỉnh có tổng số 18.640 máy các loại, việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn đã đem lại hiệu quả rõ rệt, máy móc đã dần thay thế, giúp người nông dân bớt đi những nhọc nhằn, khó khăn mà họ phải gánh chịu. Có thể nói, với việc tổ chức được hơn 300 lớp tập huấn cho lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp là việc làm mới trên cả nước chưa có tỉnh nào thực hiện... Có thể khẳng định, đề án đã tác động rất lớn đến việc tích tụ, tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” một mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp thâm canh hiệu quả, bền vững, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa xuất khẩu chất lượng cao.

 

Ông Nguyễn Văn Hòa cũng hy vọng trong thời gian tới, Sở Công Thương – TTKC sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh, xây dựng đề án khuyến công “Tập huấn cho lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp” nhằm phát huy hiệu quả số máy móc đầu tư trên địa bàn; Phối hợp với Hội Nông dân làm nòng cốt, cầu nối cho người nông dân liên kết với doanh nghiệp, để sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa và hợp đồng cung cấp sản phẩm, đảm bảo phát triển bền vững.

 

Tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Chung – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình chia sẻ: Thực hiện đề án theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về cơ cấu lại ngành nông nghiệp cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, việc ứng dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp luôn được các cấp, ngành của tỉnh chú trọng, vì vậy, huyện Thái Thụy luôn đi đầu trong công tác đẩy nhanh và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp (sau huyện Vũ Thư). Đến nay toàn huyện có hàng nghìn máy làm đất, máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hoàn..., đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân trên địa bàn huyện. Ông cho rằng, việc cơ giới hóa đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp thu được hai lợi ích. Một là, giải phóng sức lao động cho nông dân, đẩy nhanh tiến độ gieo trồng dúng thời vụ, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp vào thời điểm mang tính mùa vụ. Hai là, đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp đã tạo việc làm, tăng nguồn thu từ làm dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình cho người dân địa phương.

 

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

Đồng quan điểm với các ý kiến đánh giá của các đại biểu dự hội nghị, ông Nguyễn Văn Phú – Chủ tịch UBND xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư thì nhấn mạnh, năm 2020, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 220,8 tỷ đồng, tăng 73,8 tỷ so với năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đạt 60,7 triệu đồng/người/năm, tăng 9,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2014. Có được kết quả trên nhờ vào sự chỉ đạo của các cấp, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng xuất, giảm sức lao động cho người dân. Năm 2019, được sự quan tâm hỗ trợ của TTKC tỉnh tổ chức lớp tập huấn vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng máy nông nghiệp cho 75 học viên là lao động nông thôn, đã giúp người dân trong xã nắm bắt được nguyên lý hoạt động của động cơ, tự vận hành, bảo dưỡng máy móc và sửa chữa những hỏng hóc thông thường. Đến nay, người dân đã làm chủ được các phương tiện, không còn tình trạng máy hỏng ngoài đồng chờ thợ sửa chữa như trước đây. Ông mong rằng địa phương sẽ tiếp tục được sự hỗ trợ từ TTKC tỉnh tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ người dân tiếp cận được những tiến bộ khoa học mới được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Hải – Giám đốc TTKC tỉnh Thái Bình cho biết: TTKC đã được UBND tỉnh giao dự toán kinh phí thực hiện đề án, trong 05 năm qua, TTKC đã thực hiện tốt đề án đem lại hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội cao. Để đạt được kết quả trên là nhờ vào sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Công Thương, Hội Nông dân tỉnh, sự phối hợp của các phòng chuyên môn trong Sở Công Thương; Phòng Kinh tế Hạ tầng các huyện, thành phố; Hội Nông dân các huyện. Đặc biệt, có sự chỉ đạo trực tiếp của các Cấp ủy, Chính quyền địa phương và sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, nhất là sự tham gia nhiệt tình của các học viên tham gia lớp tập huấn.

 

Trong thời gian tới, TTKC sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động khuyến công, hỗ trợ người dân đưa cơ giới hóa đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nông nghiệp. Bên canh đó, kiến nghị UBND tỉnh phân bổ ngân sách hàng năm để đào tạo ngắn hạn cho người lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân đầu tư máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp, nhằm khai thác hiệu quả nguồn nhân lực và tài nguyên sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người lao động, ổn định chính trị và an toàn xã hội.

 

Công Du


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang