Thứ Bẩy, 20/04/2024 14:20:49 GMT+7

Tin đăng lúc 29-11-2016

Lượt xem: 5196

Để Lục Ngạn có thêm nhiều mùa bội thu

Biết tin huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tổ chức “Ngày hội trái cây huyện Lục Ngạn” lần thứ nhất sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 27/11/2016, tôi và một vài đồng nghiệp cùng về thăm. Thứ Sáu ngày 25/11/2016, Thị trấn Chũ rực rỡ cờ hoa, băng rôn quảng bá ngày hội. Cổng chào đang được tỉ mỉ trang trí bởi những đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công.
Để Lục Ngạn có thêm nhiều mùa bội thu
Lễ dâng quả trong Ngày hội trái cây Lục Ngạn lần thứ nhất

Ngay từ cổng Trung tâm Nhà văn hóa huyện Lục Ngạn, Ban Tổ chức đã ra đón khách rất nồng nhiệt. Những cái bắt tay thật chặt thêm ấm lòng trong cái se lạnh chiều đông và một chặng đường xa. Sau bữa cơm chiều, từng đoàn khách đi tham quan Hội chợ, chụp ảnh lưu niệm tại những gian hàng vừa mới trang trí đẹp lộng lẫy bằng những hoa quả đặc sản của Lục Ngạn như cam, bưởi, vải khô, mì Chũ, mật ong, dấm… 19h30’, đại biểu và nhân dân đã vây kín Vườn hoa Trung tâm huyện Lục Ngạn, nơi có sân khấu hoành tráng để truyền hình trực tiếp chương trình khai mạc Ngày hội trái cây lần thứ nhất hôm nay. Hơn 100 cơ quan báo chí cũng có mặt để tác nghiệp. Buổi biểu diễn bắt đầu sau khi nghe cô dẫn chương trình đọc tên đại biểu Trung ương và của tỉnh về dự. Người ta chú ý nhất là tên của hai vị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giáo dục - Đào tạo. Tôi đứng phía dưới bên cạnh một số người dân trò chuyện với nhau. Thật vinh dự quá, có cả các Thứ trưởng và Chủ tịch tỉnh về dự đấy.

 

- Quê mình nổi tiếng rồi! Một bác nông dân nói.

 

- Chuyện! Quê mình nhiều đặc sản ngon thế cơ mà.

 

- Có doanh nghiệp về bao tiêu sản phẩm cho mình thì tốt, ông nhỉ?

 

- Ôi, tôi tính giờ chỉ cần các ông ở trên làm sao xây dựng được cái thương hiệu cho cam, cho bưởi của mình là đầu ra sẽ “dóc” hết...

 

Gian hàng trưng bày các loại quả

 

Câu chuyện của bà con cứ tiếp tục với những niềm vui và băn khoăn khiến tôi không thể nào chú tâm vào buổi ca nhạc với những diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ múa đang lung linh, lộng lẫy trên sân khấu đầy màu sắc. Dù trời về đêm lạnh, nhiệt độ xuống chỉ còn hơn 10 độ C, thậm chí trời còn lất phất mưa, thế nhưng người người ở đâu vẫn ùn ùn kéo đến, những đôi nam thanh, nữ tú, tay trong tay đi ngắm hội, ngắm những cây trái đầy màu sắc của quê hương. Bố cõng con trên lưng, cho con ngồi lên đôi vai của mình để xem hát, mẹ dịu dàng đứng bên cạnh cầm sữa cho con, cả nhà cùng ngước lên khi xem màn pháo hoa nở rộ trên bầu trời. Mưa bắt đầu rơi nhanh hơn, trong khoảnh khắc đó, từ lãnh đạo đến người dân cùng có chung niềm vui. Nắm tay nhau vì hạnh phúc bởi theo quan niệm của người dân Lục Ngạn, làm việc gì xong mà có mưa là sẽ may mắn, nhất là trong ngày đó vừa có nắng, có mưa. Quả thật, trời như chiều lòng người, ngày khai mạc Lễ hội trái cây Lục Ngạn thời tiết thật đẹp, có rét đấy, nhưng lại nóng với những người đang hì hụi, cặm cụi làm việc ngoài đồng, những người tất bật chở cam, bưởi, mì, mật ong, dấm… từ đồi, vườn cách trung tâm huyện hàng 20 – 30 cây số để trang trí cho ngày hội. Trong cái rét, cái nóng ấy, các phóng viên, nhà báo vác máy quay chạy vội vã để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời cho bà con Lục Ngạn. Dù sao thì cũng mong, từ nay về sau, bà con của 30 xã,  thị trấn huyện Lục Ngạn sẽ luôn gặp may mắn “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển kinh tế, giúp bà con thoát khỏi đói nghèo.

 

Mỳ gạo Chũ - một đặc sản của Bắc Giang cũng được trưng bày trong Ngày hội trái cây Lục Ngạn

 

Ngày 26/11, cánh phóng viên gồm 3 xe nhỏ được đi theo đoàn của Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn đến thăm vườn đồi của anh nông dân Trần Duy Hà, xã Hồng Giang, Lục Ngạn. Dọc đường đi từ đầu làng đến nhà anh, nhà nào cũng trồng cây ăn trái. Cam, bưởi sai trĩu cành, rủ xuống hàng rào, ai khát nước đi qua cũng có thể hái và ăn ngay được. Gia đình anh Hà tiếp đón chúng tôi rất nồng nhiệt. Vườn cam sai trĩu đẹp đến mê mẩn lòng người, nhưng chủ nhân của nó thì đôi bàn tay nhăn nheo, thô sần, anh Hà cười tươi và cho biết: Gia đình tôi trồng 1 hecta cây ăn quả, trong đó chủ yếu là cam. Những năm gần đây, cam được giá và đã cho thu nhập cao, ổn định được cuộc sống, chứ như trước đây, khó khăn lắm, bởi toàn bộ số đất vườn này trồng vải, dù chăm sóc tốt đến mấy và có được giá thì năm ấy cũng chỉ lãi được 8 triệu đồng.

 

Không riêng gì anh Hà, hàng nghìn hộ dân ở Lục Ngạn đang mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư thêm vườn đồi mới, nhưng trồng cam, bưởi cũng khá nguy hiểm và liều lĩnh, bởi nếu như không biết cách chăm sóc, không chịu thương chịu khó để “chiều chuộng” cam thì chúng rất dễ đổ bệnh, nhất là khi gặp phải hai bệnh vàng lá và xanh gân thì chỉ có nước nhổ cây mà vứt đi. Bao nhiêu công sức vốn liếng coi như “cuốn theo chiều gió”. Thế nên nhà vườn bảo nhau, trồng cam như một lần đánh bạc, được ăn cả ngã về không, nhiều nhà trồng cam có bao nhiêu vốn liếng “đập” vào đó hết, khi cam bị bệnh phải nhổ bỏ, muốn đầu tư trồng mới phải đem cả sổ đỏ đi cắm nên nông dân ở đây mới có câu quen thuộc rằng “trồng cam càm sổ đỏ”. Thế mới biết, để có những quả cam, quả bưởi ngon ngọt cho người tiêu dùng, bà con nông dân phải vất vả và bản lĩnh như thế nào?

 

Ngày hội trái cây Lục Ngạn 2016 đã thực sự đem lại niềm vui cho bà con nơi đây, hi vọng rằng trong những năm tới Lục Ngạn sẽ có nhiều mùa cây trái bội thu để cuộc sống của bà con trong huyện sẽ ngày càng ổn định và phát triển

 

Hiện nay, nhờ vào sự cần cù, chịu khó, đồng tâm hiệp lực mà trên mảnh đất Lục Ngạn với hơn 103.253 ha này được phủ bởi một màu xanh bạt ngàn của cam, vải, thanh long…, trong đó diện tích cây ăn quả chiếm 26 ngàn hecta. Đặc biệt nhiều hơn cả là vải – loại quả nổi tiếng nhất cả nước với hơn 16 nghìn hecta, bình quân mỗi năm cho sản lượng khoảng 100 ngàn tấn, không chỉ đủ tiêu thụ trong nước, mà còn xuất khẩu sang nhiều nước khác nhau trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Trung Đông… Lục Ngạn có đủ các loại cam: Cam Vinh; cam đường canh; cam lòng vàng trồng trên diện tích 2.300 hecta. Bưởi cũng có bưởi Diễn; bưởi da xanh; bưởi hoàng…, trồng trên diện tích 1.300 hecta và 120 hecta táo. Mỗi năm, chỉ riêng các loại hoa quả trên mà Lục Ngạn thu về gần 3.000 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ. Đấy là chưa kể đến những dịch vụ ăn theo trong quá trình trồng hoa quả như: Nuôi ong dưới các vườn vải lấy mật; làm dấm từ trái cây, ghép cây, triết cành bán... Không chỉ có vậy, hiện nay UBND huyện Lục Ngạn đang có kế hoạch đầu tư phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn để du khách đến nghỉ ngơi, tham quan, phát triển du lịch địa phương…, nhờ đó sẽ làm tăng thu nhập cho người nông dân. Thấy mừng cho bà con nơi đây.

 

Cũ trong dịp này, Ban Tổ chức đã bình chọn và trao giải thưởng cho 10 hộ nông dân tiêu biểu. Được biết những hộ dân này không chỉ là những nông dân hay lam, hay làm, chịu thương, chịu khó, sáng tạo học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mà còn phát huy tinh thần tương thân tương ái, ủng hộ vào các chương trình thiện nguyện: Xây dựng nhà văn hóa, khu trung tâm thể thao của thôn, ủng hộ người nghèo trong và ngoài tỉnh… Họ thực sự xứng đáng là những người nông dân tiêu biểu trong thời kì đổi mới.

 

Tạm biệt Lục Ngạn, hi vọng rằng trong những năm tới Lục Ngạn sẽ có nhiều mùa cây trái bội thu, cuộc sống của bà con trong huyện sẽ ngày càng ổn định và phát triển. Những vườn cam, đồi vải sẽ trĩu cành trái ngọt và liên tục được giá được mùa, để mỗi năm bà con lại được vui trong niềm vui ngày hội.

 

                                                                             Văn Chung – Nguyễn Hương (Ghi chép từ ngày hội trái cây huyện Lục Ngạn)

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang