Thứ Bẩy, 20/04/2024 20:40:04 GMT+7

Tin đăng lúc 11-05-2014

Lượt xem: 5364

Để ngày càng có nhiều người Việt dùng hàng Việt

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được Bộ Chính trị kết luận trong Văn bản số 264 ban hành ngày 31/7/2009, đến nay đã gần 5 năm. Mục đích của cuộc vận động là “Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.
       Để ngày càng có nhiều người Việt dùng hàng Việt

Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu Thị trường định hướng (FTA) cho thấy, hiện nay đã có hơn 70% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Số liệu của Công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng gần đây cũng chỉ rõ, có đến 90% người tiêu dùng tại Tp. Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt Nam và 83% người tiêu dùng Hà Nội sử dụng và hài lòng với sản phẩm Việt. Nói chung người tiêu dùng trong nước ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80%, nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới 58% người tiêu dùng ưa chuộng.

          Những năm gần đây, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên phạm vi toàn quốc không ngừng tăng. Trong các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống…, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế. Đa số hàng Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.

          Tuy nhiên, để ngày càng nhiều người Việt Nam dùng Việt Nam thì cần chú trọng một số vấn đề sau đây:

          Thứ nhất, chất lượng và giá cả hàng hóa có tính chất quyết định đến yêu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng. Trên thực tế, năng lực sản xuất hàng hóa trong nước còn yếu, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, hàm lượng chất xám trong sản phẩm còn ít. Đã thế, giá thành sản phẩm lại cao, mẫu mã, bao bì, đóng gói hàng nội không hấp dẫn. Do vậy, hàng ngoại đang lấn lướt, chiếm ưu thế nhiều chủng loại, không chỉ các mặt hàng sản xuất với công nghệ cao, mà cả các loại hàng hóa bình thường như hàng tiêu dùng, thực phẩm, trái cây… Đến nay, đã có khoảng 500 nhãn hiệu được công nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, cho thấy khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực để chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá nhỏ so với hàng triệu sản phẩm có mặt trên thị trường Việt Nam. Muốn đẩy lùi hàng ngoại trước hết thay đổi tư duy phần gốc là “nhà sản xuất”. Thực tế, nhiều nhà sản xuất Việt Nam chỉ chú trọng thị trường xuất khẩu mà không chú ý đúng mức đến thị trường trong nước, chẳng hạn như hàng dệt may, da giày bị lỗi thì mang ra bán tại thị trường nội địa. Hướng tới thị trường trong nước, điểm yếu của các nhà sản xuất may mặc, giày dép, điện tử… Việt Nam là khâu nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, nên không khác nhiều so với hàng Trung Quốc. Đồng thời, nhiều mặt hàng của Việt Nam không có thiết kế đặc trưng mà chủ yếu là cóp nhặt của nước ngoài, nhưng chất lượng tồi hơn, nên dễ bị coi là hàng nhái. Nhiều người cho rằng, đừng đổ lỗi cho người tiêu dùng, bởi người tiêu dùng khi bỏ tiền ra, họ phải cân nhắc thiệt, hơn. Người tiêu dùng Việt Nam đều là những người yêu nước, nhưng không phải vì thế mà cứ nhắm mắt dùng sản phẩm nội vừa đắt vừa không đảm bảo yêu cầu của mình. Để chiếm lĩnh thị trường nội, doanh nghiệp Việt phải đầu tư công sức, tiền của, trí tuệ để sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, giá cả hợp lý, từ bỏ kiểu làm ăn chụp giật, hướng tới chiến lược lâu dài. Một số nhà quản lý cho rằng: “Muốn vận động người tiêu dùng sử dụng hàng Việt, trước tiên phải vận động người sản xuất đảm bảo chất lượng hàng hóa. Doanh nghiệp nỗ lực sẽ giúp hàng Việt đi vào cuộc sống”.

          Thứ hai, phải mở rộng và phát triển kênh phân phối. Muốn đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt thì phải mở rộng và phát triển thị trường, tức là mở rộng và phát triển các kênh phân phối. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, đến năm 2015, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa qua kênh phân phối hiện đại khoảng 40%, qua kênh phân phối truyền thống là 60%. Hiện có khoảng 700 siêu thị và trung tâm mua sắm, trong đó các nhà bán lẻ nước ngoài chiếm đến 40%. Như vậy các doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với khả năng mất thị trường nội địa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bắt đầu từ 1/2015, theo cam kết của nước ta khi gia nhập WTO, các nhà bán lẻ nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp 100% tại nước ta. Hơn nữa, trong thời gian tới, khi nước ta tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mức thuế quan giảm xuống 0% cho các mặt hàng nhập khẩu, người tiêu dùng được hưởng lợi vì được tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu chất lượng tốt từ Mỹ, Nhật, Singapo… Đã có nhiều ý kiến đổ lỗi cho các doanh nghiệp nội chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, song thực tế là hàng Việt đang phải đối mặt với những rào cản lớn từ hệ thống hạ tầng cơ sở để đến tay khách hàng. Thực trạng về cơ sở hạ tầng đầu tư cho bán lẻ còn lạc hậu, chưa được đầu tư thích đáng. Theo báo cáo của một số nhà nghiên cứu, tại Tp. Hồ Chí Minh, để có 1 m2 đầu tư cho dịch vụ bán lẻ, doanh nghiệp phải trả tới 65 USD/m2/tháng thuê mặt bằng. Thậm chí, nếu muốn có được một mặt bằng rộng, địa thế đẹp thì giá lên đến 220 USD/m2/tháng. Như vậy, sẽ không có nhiều doanh nghiệp đứng vững và mở rộng mạng lưới phân phối.

Từ thực tế này, nhiều doanh nghiệp đang hướng về thị trường nông thôn. Với dân số trên 90 triệu người, trong đó khoảng 70% dân số sống ở nông thôn. Hơn nữa, cuộc sống người dân nông thôn đang từng bước được cải thiện, vì vậy, thị trường nông thôn đang và sẽ là thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt. Nhưng theo thống kê, hiện tại ở nông thôn nước ta, bình quan 2 xã mới có 1 chợ đúng nghĩa, cá biệt một số vùng Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên… có khi 5 xã mới có 1 chợ. Trong khi đó, hệ thống giao thông ở các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa vô cùng yếu kém, ảnh hưởng đến việc tiếp cận giữa hàng hóa Việt với người tiêu dùng… Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết, có khoảng 10-15 doanh nghiệp đang được xem là thành công nhất trong khai thác thị trường nông thôn, song doanh số bán ở khu vực này chỉ chiếm 20-25% tổng doanh thu của Công ty. Sự khó khăn của doanh nghiệp Việt là cơ hội cho các loại hàng giả, hàng nhái, thậm chí cả hàng ngoại kém chất lượng chiếm lĩnh thị phần.

          Thứ ba, truyền thông luôn phải đi trước một bước. Ghi nhận những thành công trong công tác tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều cơ quan có trách nhiệm đánh giá, “Các cơ quan báo đài đã vào cuộc nhanh, thực hiện tốt việc tuyên truyền về Cuộc vận động, giúp thay đổi nhận thức của người dân. Đồng thời, các cơ quan truyền thông đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các nhân tố mới trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, tạo nên nền tảng và những bài học giáo dục của Cuộc vận động. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục, chưa đi sâu phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Nội dung, phương thức triển khai tuyên truyền còn nhiều lúng túng, thiếu hấp dẫn. Nhiều báo, đài đưa tin, bài, quảng cáo sai sự thật, không đúng chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nhiều cơ quan báo, đài đưa tin phê phán sai phạm của doanh nghiệp không thực tế, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và gây hoang mang cho người tiêu dùng. Để làm tốt Cuộc vận động, các cơ quan thông tấn, báo chí cần phối hợp với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ giúp người tiêu dùng lựa chọn, ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt. Kịp thời phản ánh, tuyên truyền các mô hình, điển hình thực hiện tốt Cuộc vận động, đồng  thời đấu tranh phê phán những hành vi gian lận trong sản xuất, kinh doanh, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bài trừ tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận người tiêu dùng.

          Ngoài những vấn đề chủ yếu trên, để Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực, cần giải quyết hàng loạt vần đề nổi cộm. Đó là phải tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể phải gương mẫu thực hành tiết kiệm trong chi tiêu mua sắm phương tiện đi lại, công cụ sản xuất, mua sắm tài sản, vật dụng văn phòng, thực hiện các dự án xây dựng cơ bản cần ưu tiên dùng hàng nội. Phải biết cách thay đổi tâm lý “sính ngoại”, tạo niềm kiêu hãnh quốc gia của người tiêu dùng. Đồng thời, cần tăng cường hơn công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, chống mua bán, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

          “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một Cuộc vận động có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, bởi nó góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý. Đây chỉ là Cuộc vận động nhằm khuyến khích, định hướng tiêu dùng trong nhân dân, không phải là một quyết định hành chính mang tính bảo hộ mậu dịch, lại càng không phải định hướng buộc người tiêu dùng trong nước phải mua hàng hóa giá cao, chất lượng thấp chỉ vì đó là hàng nội.

Hà Phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang