Thứ Năm, 25/04/2024 05:41:22 GMT+7

Tin đăng lúc 29-05-2017

Lượt xem: 3189

Để thương hiệu bánh phồng Sơn Đốc phát triển

Từ lâu, bánh phồng Sơn Đốc đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Bến Tre. Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc đã có từ lâu đời, tới năm 2007, thương hiệu bánh phồng Sơn Đốc được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa và UBND tỉnh Bến Tre công nhận là làng nghề truyền thống, đây chính là cơ hội cho các sản phẩm của làng nghề ngày một phát triển và vươn xa.
Để thương hiệu bánh phồng Sơn Đốc phát triển
Bến Tre nổi tiếng với đặc sản bánh phồng Sơn Đốc

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc nổi danh trong câu nói “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh Phồng Sơn Đốc”, ca tụng sự khéo léo và uy tín của làng nghề làm bánh tráng dừa, bánh phồng đặc trưng của Bến Tre. Sơn Đốc cũng là làng nghề truyền thống lâu đời bậc nhất tỉnh Bến Tre với hàng trăm năm hình thành và phát triển, đã được công nhận là làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Để giúp làng nghề có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường, từ năm 2001, HTX Bánh phồng Sơn Đốc đã ra đời. Toàn làng nghề hiện có hơn 30 cơ sở sản xuất, trong đó, nhiều cơ sở đã được HTX hỗ trợ máy móc, trang thiết bị sản xuất và được hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, nhiều hộ đã được cấp “Giấy chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn vệ sinh thực phẩm”. Kể từ khi được công nhận nhãn hiệu, sản phẩm bánh phồng Sơn Đốc không chỉ có mặt trên thị trường các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh ngoài khu vực như Bình Thuận, Ninh Thuận…, mà còn được xuất khẩu đến nhiều nơi như Hoa Kỳ, Canada và một số nước châu Âu.

 

Nếu như trước đây, các hộ dân làm bánh phồng phải cán bánh bằng tay do chưa có máy móc can thiệp, thì nhiều năm trở lại đây, nhờ nhận được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bến Tre (TTKC) trong việc hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị như máy sấy bánh, phòng than mà người dân làng nghề đã giảm bớt được nhiều khó khăn do thời tiết trong sản xuất. Ngoài ra, TTKC còn hỗ trợ 30% tương đương hơn 35 triệu đồng là số tiền để các gia đình mua máy ép chân không phục vụ cho việc đói gói sản phẩm, từ đó năng suất lao động được tăng lên, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Nhiều năm qua, nghề làm bánh phồng đã mang lại cho các hộ sản xuất cuộc sống khá giả, giúp giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế của xã. Bên cạnh việc hỗ trợ máy móc kỹ thuật, TTKC còn hỗ trợ phát triển sản xuất tại làng nghề thông qua các hoạt động hỗ trợ như: Tập huấn để nâng cao kiến thức về sản xuất sạch hơn (SXSH), vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm giúp cho các hộ sản xuất tạo ra sản phẩm với chi phí giá thành thấp, đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh và hạn chế ô nhiễm môi trường; Tư vấn đánh giá SXSH nhằm chuẩn hóa quy trình, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong quá trình sản xuất giúp hộ sản xuất giảm chi phí sản xuất nhờ tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và góp phần bảo vệ môi trường…

 

Bà Lê Thị Thúy Hằng - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Hợp tác xã Bánh phồng Sơn Đốc mặc dù mới chuyển đổi vào đầu năm 2016, nhưng qua đánh giá của huyện thì nó đã mang lại hiệu quả bước đầu. HTX có tập trung tổ chức hoạt động, động viên thành viên trong sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ một cách kịp thời, hiệu quả ở các khâu trong quá trình sản xuất như: Giải quyết đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, chất lượng bảo quản tốt hơn và chất lượng phục vụ cho thành viên sản xuất ổn định, qua đó, giúp cho thương hiệu "Bánh phồng Sơn Đốc" đủ sức cạnh tranh trên thị thường trong nước và vươn ra thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động địa phương.

 

Có thể thấy, với một tỉnh có nhiều làng nghề như Bến Tre thì việc chú trọng phát triển kinh tế ở khu vực làng nghề đã đóng góp không nhỏ vào việc phát triển kinh tế ở địa phương, tạo ra nhiều việc làm, tác động chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng tích cực, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, trước thực trạng việc sản xuất kinh doanh, bảo tồn và phát triển làng nghề còn nhiều khó khăn, hạn chế như hiện nay, vẫn rất cần sự quan tâm, tiếp tục hỗ trợ từ các cơ quan ban, ngành và địa phương trong việc bảo tồn phát triển các làng nghề như: Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến thiết bị, đổi mới công nghệ; Quy hoạch diện tích để phát triển làng nghề, đồng thời tổ chức đào tạo nghề; Ban hành chính sách khuyến khích phát triển thành lập các doanh nghiệp ở nông thôn, làng nghề với quy mô lớn, sản xuất tập trung để làm đòn bẩy thúc đẩy ngành nghề nông thôn phát triển; Quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh để đảm bảo nguyên liệu đầu vào… Để các làng nghề tiếp tục phát triển và sản phẩm của các làng nghề có thể vươn cao, vươn xa hơn nữa.

 

Hoa Nguyễn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang