Thứ Năm, 25/04/2024 03:58:29 GMT+7

Tin đăng lúc 25-11-2016

Lượt xem: 4866

Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cơ khí phải tham gia vào chuỗi sản xuất chung toàn cầu

Ngành Cơ khí đang phát triển, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp tư nhân đang nổi lên như một nhân tố tích cực. Các doanh nghiệp hướng tới đầu tư vốn cho sản xuất và nội địa hóa các sản phẩm phụ trợ, tuy nhiên sản phẩm cơ khí của nước ta hiện nay chủ yếu là hàng gia công, giá trị kinh tế thấp, công nghệ, thiết bị lạc hậu chưa hình thành một số ngành cơ khí mũi nhọn đủ sức chế tạo dây chuyền đồng bộ.
Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cơ khí phải tham gia vào chuỗi sản xuất chung toàn cầu
Nếu không đổi mới thiết bị công nghệ, DN cơ khí trong nước sẽ thua ngay trên sân nh

Sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được ký kết đã có những ảnh hưởng từ thể chế kinh tế đến mỗi quốc gia thành viên và đặc biệt đến với từng doanh nghiệp. Hiệp định này bao gồm những cam kết giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt được các cơ hội và buộc chính phủ các nước thành viên phải chú ý đến những thách thức đặc thù của mình. Trước ngưỡng cửa của giai đoạn hội nhập sâu và rộng như vậy, ngành Cơ khí nước ta cũng đặt ra cho mình những mục tiêu để nỗ lực thực hiện, trong đó có mục tiêu sẽ trở thành trung tâm chế tạo, chế biến mới của thế giới trong những năm tới. Để làm được điều đó thì cần đến sự cố gắng rất nhiều từ Chính phủ và các doanh nghiệp cơ khí.

         

Sự phát triển của ngành công nghiệp cơ khí vừa là nền tảng, vừa là động lực cho sự phát triển của tất cả các ngành nghề khác nhau trong xã hội, nó còn tác động tích cực đến ngành dịch vụ thông qua sự phát triển của mạng lưới phân phối, thu hút số lượng lao động xã hội tham gia vào quá trình phân công lao động và hợp tác quốc tế. Ông Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: “Trước khi Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP thì nền sản xuất của chúng ta phải thích ứng với những tiêu chuẩn rất cao mà VN đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Nếu VN không ứng dụng những công nghệ cao, công nghệ mới cùng với những giải pháp thật mạnh mẽ thì không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp của các nước bạn”.

         

Hiện nay, cả nước có gần 15.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm cơ khí, nhưng chỉ có gần 100 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 500 tỷ đồng. Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp cơ khí hiện nay là việc tiếp cận các nguồn vốn, do đó đa phần các nhà máy sản xuất cơ khí có dây chuyền, công nghệ lạc hậu, kém đồng bộ, sản phẩm làm ra không có sức cạnh tranh trên thị trường. Để đầu tư sản xuất trong ngành cơ khí thì cần một nguồn vốn rất lớn. Việc tiếp cận các nguồn vốn cho các doanh nghiệp cơ khí thì chủ yếu vẫn thông qua các kênh ngân hàng. Do đó, các doanh nghiệp cơ khí cần được Chính phủ quan tâm, ưu tiên hỗ trợ ưu đãi nguồn vốn hơn nữa.

 

Chính vì hiểu rõ những hạn chế của mình, nên các doanh nghiệp cơ khí đã nỗ lực tận dụng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vận động không ngừng để dần tháo gỡ những khó khăn, tìm ra con đường phát triển cho mình trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Khi gia nhập vào thị trường thế giới, sản phẩm hàng hóa phải đáp ứng được những yêu cầu rất khắt khe của các nước thành viên, đặc biệt đối với các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản… Nếu không tự vận động để đổi mới dây chuyền sản xuất, các doanh nghiệp cơ khí sẽ không thể bám trụ được với lộ trình thực hiện của Hiệp định TPP, càng không thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Chính phủ tuy đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với ngành Cơ khí, nhưng thời gian qua các chính sách đó chưa thực sự phù hợp và đáp ứng đúng nhu cầu của ngành cơ khí. Thực tế, ngành Cơ khí đã vật lộn với cơ chế thị trường để tồn tại và có không ít những doanh nghiệp đã thích ứng được, tìm được phân khúc thị trường cho mình và phát triển khá bền vững. Vì vậy, hội nhập không phải là thử thách đáng sợ với các doanh nghiệp cơ khí, mà ngược lại khi TPP có hiệu lực, chúng ta có khả năng tiếp cận nhanh hơn những công nghệ của các nước phát triển thông qua các cam kết hỗ trợ thương mại. Đây là cơ hội cho các nước chậm phát triển có thể được hưởng, tiếp cận những ưu đãi qua TPP nếu chọn đúng các công nghệ, đàm phán quyền ưu đãi để nâng cao năng lực.

 

Là đơn vị có truyền thống nhiều năm tiên phong trong lĩnh vực chế tạo thiết bị điện của Việt Nam, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) cũng đã quyết tâm đổi mới công nghệ, tập trung mọi nguồn lực để làm chủ khoa học công nghệ trong việc nghiên cứu thiết kế và chế tạo, đáp ứng kịp thời phần lớn nhu cầu về máy biến áp trong ngành. Ông Lê Văn Điểm – Phó Tổng giám đốc EEMC cho biết: “Đến nay, Tổng công ty là đơn vị đầu tiên chế tạo được máy biến áp 500 kV ở Đông Nam Á, trong những năm qua, EEMC đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây mới và nâng cấp nhà xưởng, cùng với đó là đổi mới các trang thiết bị công nghệ với tiêu chí là tiên tiến nhất, hiện đại nhất, điển hình là các lò sấy hơi dầu với công nghệ tiên tiến của Đức…”. Tổ máy biến áp 500 kV của Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh ra đời đã là đối trọng, kéo giá nhập khẩu của thiết bị này xuống 20%, tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng. Thành công của công trình này đã mang lại một sản phẩm mới có trình độ công nghệ cao, giá trị kinh tế lớn cho đất nước, đem lại công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động có kỹ thuật và đồng thời giúp Việt Nam làm chủ được hệ thống điện chủ lực 500 kV… 

 

Như vậy, để thấy rằng bên cạnh sự chủ động, nỗ lực đầu tư vào dây chuyền sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng trong từng sản phẩm của mình, các doanh nghiệp cơ khí hiện nay đang rất cần những chính sách hỗ trợ sát sao hơn nữa của Chính phủ. Có được điều đó, hiệu quả trong việc sản xuất sẽ càng đem lại những kết quả xứng tầm hơn cho ngành Cơ khí nước nhà.

 

Điều mà ai cũng biết đó là khi tham gia vào TPP, Việt Nam sẽ có một thị trường rất lớn, trong đó bao gồm cả lĩnh vực cơ khí nhưng cũng không phải vì thế mà chúng ta vội vui mừng ngay. Bởi vì nhìn lại những năm vừa qua thì ngành Cơ khí của chúng ta xuất khẩu chưa phải là nhiều, tỉ trọng giữa xuất khẩu và nhập khẩu vẫn đang nghiêng về nhập khẩu, vậy câu hỏi đặt ra là ngành Cơ khí có làm chủ được thị phần xuất khẩu của mình hay không, trong khi việc hội nhập sẽ khiến cho thị trường nội địa dễ dàng rơi vào tay của các doanh nghiệp cơ khí nước ngoài. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cơ khí cần phải có chiến lược Marketing, chứng minh được sự hiệu quả để đưa được sản phẩm của mình đến được nhiều thị trường khác nhau trên thế giới.

 

Hiện nay đã và đang có nhiều sản phẩm mà các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam làm rất tốt, như thiết bị cơ khí thủy công cho thủy điện, các chi tiết đạt tiêu chuẩn cho ngành nhiệt điện, hóa dầu, chế tạo thân và vỏ tàu… Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cơ khí phải tham gia vào chuỗi sản xuất chung toàn cầu, muốn có được điều đó ngành Cơ khí cần có một chiến lược Marketing thực sự nhanh nhạy, hiệu quả để có cơ hội tiếp cận với các đối tác nước ngoài, nhằm mở rộng thị trường cho chính mình. Tuy nhiên, đồng hành với các doanh nghiệp, vẫn cần có sự chung tay vào cuộc của các cơ quan quản lý là Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ./. 

 

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang