Thứ Tư, 17/04/2024 05:50:43 GMT+7

Tin đăng lúc 19-07-2014

Lượt xem: 16671

Đến với bài thơ hay: “Tổ quốc nhìn từ biển”

Tôi được biết Nguyễn Việt Chiến qua các bài báo, bài thơ của anh và còn được biết vài nét về con người anh, có thể gọi anh là cây gạo cội trong làng viết. Những năm gần đây, do những biến cố nghiệt ngã của cuộc đời, anh tìm đến với thơ nhiều hơn. Thơ anh lắng sâu như khu rừng già chứa đầy trầm tích, đầy tính trải nghiệm thực tiễn và lòng trắc ẩn, câu từ chắt lọc, có hồn, có sức sống mãnh liệt, làm cho người đọc như đang nóng lên trong lòng.
Đến với bài thơ hay: “Tổ quốc nhìn từ biển”

Trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”, anh đã dành một góc riêng nhìn về Tổ quốc từ phía biển. Cái nhìn của tình yêu mãnh liệt về Tổ quốc thiêng liêng ấy, vừa bao quát, vừa chi tiết, vừa hình tượng, lại vừa cụ thể… Muốn gửi đến bạn đọc cả nước ta dù ở dưới lăng kính nào, góc nhìn nào, thì Tổ quốc vẫn luôn trong trái tim của bao người từ ngàn đời xưa đến nay. Tổ quốc là nơi mình sinh ra và lớn lên, là đất mẹ, là cội nguồn, là gốc rễ thiêng liêng. Dù ai đi xa muôn phương, ngàn nẻo, lòng vẫn đau đáu nhớ về Tổ quốc, về quê hương xứ sở. Tổ quốc luôn là tình yêu cháy bỏng, thiết tha trong lòng mỗi người Việt Nam chúng ta. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết: “Ôi Tổ quốc nếu cần ta sẽ chết/ Cho mỗi căn nhà, ngọn núi con sông”. Vâng, Nguyễn Việt Chiến đã gửi lại thông điệp đó qua bài “Tổ quốc nhìn từ biển”.

 

Bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” đã cho thấy tác giả là người am tường, với trái tim đầy nhạy cảm đã nhận ra biển Đông đang dậy sóng, đang giông bão, thét gào. Giông bão ấy lại do chính con người tạo ra, chứ không phải giông bão của thiên nhiên, đất trời. Tác giả đã đau đáu một nỗi niềm khi giả định nếu lãnh thổ mình có nguy cơ bị xâm lấn: “Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không?”. Để rồi thức tỉnh những ai đó đang mơ màng, ngộ nhận bằng “Lời cha dặn phải giữ từng thước đất/ Máu xương này, con cháu vẫn nhớ ghi”. Rồi tự lòng mình thấy trăn trở, trằn trọc, thương cho những vùng biển đảo bị mây mù, sóng dữ và bão tố âm u che khuất, dập vùi…

 

Đất nước đã đi qua bao cuộc chiến tranh, những mất mát trong trận mạc tuy đã đi vào dĩ vãng, nhưng mãi khắc ghi vào hình sông, dáng núi để lưu truyền về những đau thương của chiến tranh để lại. Đến núi kia cũng thành Vọng Phu buồn, mang dáng hình góa bụa… quả là một minh chứng sinh động cho lịch sử dân tộc. Trong lịch sử, đã biết bao kẻ thù nhòm ngó, xâm lược nước ta bằng đường biển: năm 938 là quân Nam Hán; năm 1285 và 1288 là quân Nguyên Mông; tới năm 1858, quân Pháp cũng đổ bộ vào nước ta bằng đường biển. Và Đế quốc Mĩ cũng tiến công chúng ta từ đại dương bằng việc đổ bộ xuống Đà Nẵng. Như vậy, để thấy rõ rằng, biển là cửa ngõ để chúng ta tiến ra đại dương, khai thác những tiềm năng kinh tế cho đất nước nhưng cũng là đường đi, là điểm chọn của kẻ thù khi có ý đồ xâm chiếm nước ta. Tác giả phải có cái nhìn rất quân sự, rất thấu suốt về lịch sử cũng như hiện tại, qua đó tác giả cũng khẳng định biển có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển KT-XH. Tác giả đã khắc họa một chiều dài của đất nước với trên 3000 km về bờ biển rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển, nên kẻ thù xâm lược luôn nhòm ngó. Vậy chúng ta phải có chiến lược quân sự phòng thủ vững chắc về biển Đông, phải có những hạm đội mạnh để bảo vệ chủ quyền, lãnh hải của Tổ quốc chống lại những kẻ thù có dã tâm xâm lược. Chính lẽ đó anh đã chọn tên bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”.

 

Tác giả bộc lộ rõ tình cảm của mình với non sông, Tổ quốc: “Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/ Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn”. Để có được Trường Sa hôm nay, phải đổ máu xương của biết bao người và biết bao người đã vùi thân dưới lớp sóng biển mặn mòi ấy vì độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của quốc gia. Càng thể hiện bản lĩnh hơn, rõ ràng hơn, quyết liệt hơn: “Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Những chàng trai ra đảo đã quên mình. Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước/ Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh”. Tác giả quả quyết và khẳng khái rằng khi Tổ quốc chúng ta có quân thù xâm lược, có mất mát đau thương thì truyền thống đoàn kết, đánh giặc, giữ nước lại bừng bừng dấy lên và cả nước sẽ nhất tề đứng dậy chống lại sự xâm lăng ấy, dẫu cho máu xương có phải “dằng dặc suốt ngàn đời” nhưng “hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất”. Cho dù quân thù có mạnh hơn, hung bạo hơn cả trăm lần, song khi hồn dân tộc đã được thức tỉnh sẽ trở thành sức mạnh vô song, vùi chôn quân xâm lăng, nhấn chìm quân cướp nước xuống đại dương, biển cả mênh mông mà lịch sử đã chứng minh về kết cục bi thảm dành cho kẻ thù xâm lược. Khi đất nước đã thống nhất, non sông liền một dải, không còn bóng quân xâm lược, con tàu cách mạng đã cập bến thành công lại tiếp tục rẽ sóng, vượt trùng dương ra khơi, đi tiếp những dặm dài, tìm những khát vọng mới, ước mơ mới. Một tương lai ngời sáng của chân trời đầy nắng ấm đang chờ đón mà tác giả đã khẳng định: “Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.

 

Vâng, “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau”, đó là 2 câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu đã ví Tổ quốc như một con tàu, hiên ngang vượt sóng, chấp nhận giông tố giữa ngàn khơi để mang về cho đất nước những niềm vui mới, hạnh phúc mới. Còn nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã khẳng định: “Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi” mà không sợ gì cuồng phong, bão táp, mưa sa và giông tố mịt mù để tìm đến bến bờ mới, vinh quang mới. Phải chăng các nhà thơ đã có sự liên tưởng trùng hợp và tin chắc rằng “Tổ quốc nhìn từ biển” hay ở phương vị nào cũng luôn mang dáng một con tàu hùng dũng, hiên ngang, khí phách đi giữa ngàn trùng đại dương mà không ngại gì sóng cả, vẫn vững vàng tay lái trước mọi phong ba. Con tàu ấy luôn đi đúng hướng để cập bến thành công, mang về những vinh quang và tự hào trong niềm vui chiến thắng. Con tàu đó là vóc dáng của Việt Nam oai hùng, kiêu hãnh trên vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc mình./.

 

Xuân Trường


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang