Thứ Năm, 25/04/2024 05:57:45 GMT+7

Tin đăng lúc 10-03-2015

Lượt xem: 4305

Điểm báo MOIT tuần từ ngày 02/3 đến ngày 08/3/2015

Tuần đầu tiên của tháng 3, nhiều sự kiện nổi bật của ngành Công nghiệp – Thương mại đã được báo chí trong nước quan tâm đề cập, đáng chú ý là:
Điểm báo MOIT tuần từ ngày 02/3 đến ngày 08/3/2015

CPI thấp bất thường nhưng không đáng ngại

 

Là thông tin được đăng tải trên báo Hải Quan điện tử ngày 05/03/2015. Theo đó, trước tác động của giá xăng dầu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục “giảm tốc” những tháng gần đây. Điều này một lần nữa lại dấy lên những tranh luận trái chiều về “sức khỏe” của nền kinh tế. Việc chỉ số CPI tháng 2 giảm 0,05% so với tháng trước đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều này càng trở nên đáng chú ý hơn khi đây là tháng Tết đầu tiên (trong vòng 10 năm qua), chỉ số giá tiêu dùng ở mức âm. Nhiều ý kiến lo ngại do sức mua thấp khiến CPI không tăng được.

 

 

Tuy nhiên khi đưa ra các nguyên nhân chủ yếu tác động đến giá tiêu dùng tháng 2 giảm, Tổng cục Thống kê lại không đề cập đến yếu tố “sức cầu thấp”. Theo cơ quan này, CPI thấp trước hết là do lạm phát thời gian qua luôn được kiểm soát tốt, kinh tế vĩ mô ổn định. Hai là, giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm ở mức sâu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Ba là công tác bình ổn giá và việc bảo đảm nguồn cung, cầu hàng hóa trên thị trường trong dịp tết Nguyên đán được thực hiện hiệu quả.

 

Theo báo cáo mới nhất từ ngân hàng HSBC, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 2. Chỉ số PMI tăng ổn định chứng tỏ sự cải thiện trong liên tục hơn một năm qua của hoạt động sản xuất.

 

Kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định

 

Báo Điện tử Petrotimes ngày 03/03/2015 có bài viết khẳng định: "Kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định". Theo đó, số lượng đơn đặt hàng mới tăng trưởng ấn tượng nhờ sự xuất hiện của các doanh nghiệp mới. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, chỉ trong tháng 2 thì số lượng doanh nghiệp mới thành lập đã đạt gần 7.000, số vốn đăng ký tăng tới 44,6%. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng 7% so với tháng 2/2014, tính chung chỉ riêng 2 tháng đã tăng 12% so với 2014.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tình hình sản xuất trong nước 2 tháng đầu năm phát triển tốt, sức mua tăng cao (riêng tháng 2/2015 là 10,7%), cao hơn rất nhiều cùng kỳ các năm trước (2014: 6,2%; 2013: 3,6%). Với sự tăng trưởng sức mua như vậy, chỉ số CPI giảm liên tiếp không phải là một vấn đề đáng lo ngại - chủ yếu là do giá xăng dầu, giá gas điều chỉnh giảm mạnh.

 

 

Đồng tình với báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Việc tăng giảm giá xăng dầu quốc tế không phải là vấn đề thường xuyên mà lạm phát trong thời gian dài trước kia của chúng ta là do kiểm soát giá. Trong đó nhiều mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá đã từng bước chuyển sang cơ chế thị trường, một số mặt hàng đã được điều chỉnh phù hợp, điều hòa hơn. Từ xu hướng diễn biến lạm phát cho thấy đã tạo dư địa để điều chỉnh các chỉ tiêu đi kèm để phù hợp, tạo thuận lợi hơn cho nền kinh tế, trong đó có việc tiếp tục nới lỏng phần nào chính sách tín dụng tiền tệ với việc giảm lãi suất trung, dài hạn”.

 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn, lạm phát cơ bản đang tiệm cận mức lý tưởng (2,4% so với 3 - 3,5%) với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khoảng 7%. Những yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, thuận lợi đã giúp niềm tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng ở mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

 

Bộ Công Thương tăng hạn ngạch nhập khẩu trứng gia cầm

 

Ngày 04/03/2015, Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam cho biết: "Bộ Công Thương tăng hạn ngạch nhập khẩu trứng gia cầm". Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương mới ban hành Thông tư quy định về nguyên tắc điều hành nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2015. Lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2015 đối với mặt hàng muối (Mã số hàng hóa 2501) là 102.000 tấn. Trứng giá cầm các loại phải là trứng thương phẩm không có phôi sẽ có hạn ngạch nhập khẩu năm 2015 là 46.305 tá. So sánh lượng hạn ngạch nhập khẩu năm nay với năm 2014, mặt hàng muối vẫn có hạn ngạch nhập khẩu bằng với năm 2014. Mặt hàng trứng gia cầm có hạn ngạch nhập khẩu năm 2015 tăng thêm hơn 2.000 tá.

 

 

Bộ Công Thương cho biết, thương nhân trực tiếp sử dụng muối làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế sẽ là đối tượng được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối. Thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có nhu cầu nhập khẩu được phân giao cho mặt hàng trứng gia cầm.

 

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/2/2015 đến hết ngày 31/12/2015. Thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối thực hiện theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ muối sản xuất trong nước.

 

“Không để tăng giá điện ảnh hưởng nhiều đến người dân”

 

Đây cũng là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng được đăng tải trên Bản tin thời sự 19h củaVTV1Đài truyền hình Việt Nam ngày 6/03/2015. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, khi chúng ta thực hiện tăng giá điện theo cơ chế giá thị trường luôn luôn phải tính đến yếu tố xã hội để không ảnh hưởng nhiều đến người dân.

 

Trong năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhiều lần trình lên Bộ Công Thương về việc các yếu tố đầu vào tăng, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Công Thương đã không đồng ý cho tăng giá điện do lo ngại nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Nếu tính đủ các chi phí đầu vào thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ phải tăng giá điện tới gần 13%. Tuy nhiên, mức tăng được Chính phủ cho phép chỉ ở mức thấp nhấp là 7,5%. Mức tăng này đã được Liên Bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước cân nhắc, tính toán kỹ khi tác động của nó tới chỉ số tiêu dùng CPI chỉ ở mức 0,18% và không ảnh hưởng nhiều tới các hộ dân.

 

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định, sau khi tính toán và trên cơ sở đề xuất của ngành điện, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan trước hết là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cả ba Bộ này về cơ bản cũng thống nhất với ý kiến của Bộ Công Thương. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thống nhất đó, Bộ Công Thương đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Khi thực hiện cơ chế giá thị trường, chúng ta luôn luôn phải tính đến yếu tố xã hội để không ảnh hưởng nhiều đến người dân.

 

Hiện nay, chúng ta duy trì ở 30 kWh điện ban đầu cho các hộ nghèo. Từ lần điều chỉnh điện tháng 8/2013, Nhà nước đã không thu thêm tiền điện của các hộ này và lần này cũng như thế. Chênh lệch do việc tăng giá điện sẽ tiếp tục được Nhà nước trả cho các hộ nghèo, kể cả các hộ sản xuất. Qua tính toán bước đầu, nếu tăng 7,5%, đối với những hộ sử dụng nhiều điện như xi măng, sắt thép thì chi phí giá thành tăng từ 0,2-0,8%.

 

Người tiêu dùng khiếu nại sản phẩm dịch vụ, hãy gọi 1800-6838

 

Là thông tin đăng tải trên báo Đầu Tư điện tử ngày 06/03/2015. Theo đó, ngày 06/03/2015, tại Hà Nội, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã bấm nút thông qua Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng.

 

Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày càng bức thiết, mỗi năm có hàng nghìn vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến đến người tiêu dùng. Tại Cục Quản lý cạnh tranh, riêng năm 2014 vừa qua đã tiếp nhận hơn 1.000 khiếu nại trong lĩnh vực tiêu dùng. Trong các phương thức gửi phản ánh thì điện thoại tiếp nhận nhiều nhất, tỷ lệ gần 90%.

 

 

Bởi vậy, để thúc đẩy công tác bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh đã triển khai xây dựng và lắp đặt tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng với đầu số 1800-6838, với chức năng tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng khi có thắc mắc, khiếu nại về hàng hoá, dịch vụ. Đây là số điện thoại miễn phí, người gọi đến không mất cước bưu điện. Số điện thoại này rất dễ nhớ, các chữ số “6,8,3,8” tương ứng các phím “N,T,D,V” trên bàn phím điện thoại với ý nghĩa “Người - Tiêu - Dùng - Việt”.

 

Phát biểu tại Lễ ra mắt Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, việc đưa vào vận hành Tổng đài tại Hà Nội mới chỉ là bước đầu của quá trình xây dựng hệ thống tổng đài trên toàn quốc. Dự kiến trong quý II, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ tiếp tục lắp đặt tổng đài tại văn phòng đại diện của Cục tại TP.HCM, sau đó sẽ thiết lập, kết nối đường dây đến các Sở Công thương, Hội Bảo vệ người tiêu dùng trên khắp cả nước.

 

Thực phẩm sau Tết giá ổn định, trái cây tăng nhiệt

 

Ngày 08/03/2015, Báo Công an Nhân dân điện tử có bài viết: “Thực phẩm sau Tết giá ổn định, trái cây tăng nhiệt”.Theo đó, bài báo cho biết, sau những ngày nghỉ Tết, giá nhiều mặt hàng trên thị trường đã ổn định trở lại và đang có xu hướng giảm. Giảm nhiều nhất là các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng hàng ngày. Đặc biệt, nhiều nơi đã giảm giá mạnh. Riêng mặt hàng trái cây thì tăng giá mạnh do vào mùa lễ hội, rằm tháng Giêng…

 

 

Nếu như mọi năm, người tiêu dùng thường mua thực phẩm dự trữ từ trước Tết thì Tết năm nay người tiêu dùng có xu hướng không dự trữ thực phẩm mà chỉ mua cách ngày vì siêu thị và chợ đa số khai trương sớm. Chính vì vậy mà các mặt hàng thực phẩm sớm ổn định giá sau Tết. Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing Saigon Co.op cho biết, “Co.opmart khai trương sớm từ mùng 2 Tết chủ yếu để bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc và gia cầm, mức giảm giá từ 10% - 20% cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống nói chung”.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang