Thứ Năm, 25/04/2024 15:59:58 GMT+7

Tin đăng lúc 30-11-2017

Lượt xem: 8685

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017

Trong số những chỉ tiêu kinh tế có khả năng vượt kế hoạch năm 2017 thì xuất khẩu chính là một trong những chỉ tiêu tích cực có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Các chuyên gia đánh giá, chưa bao giờ bức tranh xuất khẩu của Việt Nam lại “sáng sủa” như năm 2017, vì chỉ tính tới tháng 10, xuất khẩu đã đạt hơn 173 tỷ USD, gần bằng cả năm 2016. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu đã và đang tạo động lực lớn cho tăng trưởng chung của nền kinh tế tại Việt Nam.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017
Nhà máy chế biến thủy hải sản xuất khẩu

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/10, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2017 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 0,3% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 26,2%. 

 

Tính chung 10 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 48,2 tỷ USD, tăng 17,2%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 125,5 tỷ USD, tăng 22,1%. Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, trong 10 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016, Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu với 34,7 tỷ USD, tăng 10,1%; tiếp đến là EU đạt 31,8 tỷ USD, tăng 15,7%; Trung Quốc đạt 25,6 tỷ USD, tăng 48%. Trong khi đó, thị trường ASEAN đạt 18 tỷ USD, tăng 26,8%; Nhật Bản đạt 13,7 tỷ USD, tăng 14,7%; Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 28,6%. Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với việc tập trung vào một số thị trường giàu tiềm năng, sức mua cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN... thì hàng hóa Việt Nam cũng bước đầu xuất khẩu thành công vào một số quốc gia mới ở các khu vực châu Phi, châu Mỹ La tinh...

 

 

Quả Thanh long của Việt Nam đang được thị trường thế giới ưa chuộng

 

Là tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam và khu vực châu Á, Tập đoàn Nam Food hiện đang là một trong những tập đoàn đi đầu trong lĩnh vực sản xuất chuỗi giá trị nông nghiệp xanh, cạnh tranh toàn cầu bằng chiến lược phát triển chuyên nghiệp, bền vững, khép kín từ giống, trồng, chăm sóc, chế biến, xuất khẩu và phân phối – bán lẻ đến tận nay người tiêu dùng. Hiện nay, gấc là một trong số rất nhiều những sản phẩm mới mà Nafoods Group đang đẩy mạnh xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới, đã có hơn 30 sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận với 50 thị trường. Những sản phẩm mang đặc trưng của nông nghiệp Việt Nam đã đóng góp tích cực vào giá trị gia tăng cho ngành.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Tập đoàn Nam Food cho biết: “Trong kế hoạch cuối năm 2017 khi Nam Food có nhà máy ở Long An, chúng tôi sẽ khai thác triệt để vùng nguyên liệu đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là những sản phẩm tại tỉnh Long An có, ngoài chanh chua, chanh leo sẽ phát triển xoài, dứa, mãng cầu, xiêm… và những quả thế mạnh của khu vực ĐBSCL”.

 

Như vậy, không chỉ có doanh nghiệp, mà sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đã giúp hoạt động xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tích cực. Theo ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Cơ cấu nhập khẩu đã có những thay đổi theo hướng thúc đẩy sản xuất kinh tế, sản xuất trong nước, hoặc công tác tìm kiếm thị trường của Chính phủ trong thời gian qua cũng rất tốt, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng với Bộ Công Thương đã tìm kiếm được đầu ra cho quả thanh long, hoặc cho các sản phẩm chăn nuôi”.

 

Đơn cử vừa qua, sau vải, xoài thì thanh long chính là loại trái cây thứ 3 của Việt Nam được xuất khẩu sang Australia. Đây là kết quả của sự nỗ lực trong nhiều năm của Bộ NN&PTNT Việt Nam, các địa phương và người nông dân trồng thanh long. Hiện trái thanh long của Việt Nam đã có mặt tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giá trị xuất khẩu của thanh long đạt khoảng 700 triệu USD vào năm 2016, giữ vị trí chủ đạo trong nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu của Việt Nam. Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu thanh long lớn nhất của Việt Nam, kế tiếp là Hoa Kỳ.

 

 

Vú sữa đang là mặt hàng xuất khẩu hiệu quả của Việt Nam

 

Cùng với đó, sau gần 10 năm Việt Nam gửi hồ sơ đăng ký xuất khẩu vú sữa và được phía Mỹ xem xét thông qua về điều kiện kiểm dịch thực vật, thì vào cuối tháng 9 vừa qua, vú sữa Việt Nam đã chính thức có “visa” đi Mỹ, Việt Nam cũng là nước đầu tiên được cấp phép xuất khẩu vú sữa sang quốc gia này. Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu như trái cây thì xuất khẩu điện thoại, linh kiện; rau quả và nông sản đều tăng trưởng kỷ lục trong năm 2017.

 

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, chính vì thế các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sẽ là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo dự báo của Bộ Công Thương, nếu tốc độ tăng xuất khẩu tiếp tục được giữ vững thì tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm nay có thể đạt khoảng 200 tỷ USD. Đây sẽ là năm đầu tiên Việt Nam đạt mức kỷ lục xuất khẩu lớn nhất từ trước tới nay, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,7%. Hơn nữa, tiềm năng tăng kim ngạch xuất khẩu thời gian tới dự kiến sẽ còn rất dồi dào.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang