Thứ Tư, 24/04/2024 03:10:54 GMT+7

Tin đăng lúc 05-01-2016

Lượt xem: 5898

Điện lực Kinh Môn: Xứng đáng là nơi tuyến đầu trên mặt trận kinh doanh điện năng

Kinh Môn là một huyện có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng với Đền Cao - nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và động Kính Chủ - nơi có nhiều hang động đá vôi tuyệt đẹp, gắn với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Hải Dương cũng như của Việt Nam trong thời kỳ chống ngoại xâm. Đặc biệt, Kinh Môn còn là huyện có nguồn tài nguyên khoáng sản vật liệu phong phú, trong đó chủ yếu là đá vôi.
Điện lực Kinh Môn: Xứng đáng là nơi tuyến đầu trên mặt trận kinh doanh điện năng
Ứng dụng công nghệ ghi chỉ số công tơ

Với tiềm năng lợi thế như vậy, nên từ hàng chục năm qua, Kinh Môn được coi là trọng điểm kinh tế của tỉnh Hải Dương nhờ các dự án công nghiệp phát triển mạnh, trong đó, có chuỗi các nhà máy xi măng như Hoàng Thạch, Phúc Sơn, Phú Tân, thép Hòa Phát, luyện quặng Tân Nguyên và nhiều doanh nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ gia, liên doanh với nước ngoài khác…, đem lại nguồn thu ngân sách to lớn cho quốc gia và tỉnh Hải Dương. Bên cạnh đó, Kinh Môn cũng là địa phương có nhiều cơ sở sản xuất làng nghề, chế biến thực phẩm, hoa màu, nằm rải rác trên phạm vi 22 xã sản xuất nông nghiệp là chính. Tốc độ tăng trưởng điện hàng năm phục vụ sản xuất và đời sống trên địa bàn huyện từ 15 - 20%, trong đó, sản lượng điện phục vụ cho sản xuất công nghiệp chiếm 90 - 92%. Vì vậy, đây là cơ hội để Công ty Điện lực Hải Dương nói chung, Điện lực Kinh Môn nói riêng thúc đẩy sản xuất kinh doanh điện năng, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao, góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

 

Tuy nhiên, để củng cố, ổn định đi vào hoạt động nền nếp, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của khách hàng, Điện lực Kinh Môn đã trải qua một thời kỳ đầy khó khăn, thách thức. Hoạt động trên địa bàn rộng, nhiều đồi núi, qua nhiều sông…, khi tách từ Chi nhánh điện Kim Môn thành lập Chi nhánh điện Kinh Môn thì trụ sở không có, phải thuê nhà dân rất chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề, trong khi số lượng CBCNV chỉ có 15 người. Năm 2001, được sự giúp đỡ của Công ty Điện lực Hải Dương, Điện lực đã làm thủ tục xin đất xây dựng trụ sở, sau đó từng bước nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, bổ sung nhân sự. Vào giai đoạn này, khi công nghiệp chưa phát triển, nguồn điện phụ thuộc chủ yếu lấy từ trạm Lai Khê để cấp điện cho toàn huyện, sau đó, Công ty đã tiến hành khảo sát, lập đề án xây dựng 01 trạm 110 kV Nhị Chiểu với 02 máy biến áp 63.000 kVA, đi trước, đón đầu, phục vụ các dự án công nghiệp. Cùng lúc đó, một số khách hàng sản xuất lớn cũng đã đầu tư xây dựng trạm biến áp 110 kV riêng (trên địa bàn huyện hiện nay có 04 trạm biến áp 110 kV của ngành Điện và khách hàng). Những năm gần đây, kinh tế - xã hội trong nước đang có mức tăng trưởng khá, cùng với đó là nhu cầu sử dụng điện của các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất ngày càng tăng mạnh. Chỉ tính trên địa bàn Kinh Môn, sản lượng điện tiêu thụ của một nhà máy xi măng như Hoàng Thạch, Phúc Sơn, hoặc Nhà máy thép Hòa Phát cũng lên tới 35 - 37 triệu kWh/tháng, với số tiền sử dụng điện khoảng 40 - 45 tỷ đồng. Nếu để so sánh về mặt kinh tế thì doanh thu của Điện lực Kinh Môn chiếm ½ doanh thu của toàn Công ty; về số lượng thì sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ của Kinh Môn (đơn vị cấp huyện) là lớn nhất Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Do vậy, từ năm 2008, ngay sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, Điện lực Kinh Môn đã đề nghị Công ty tập trung đầu tư mạnh hơn cho phát triển và cải tạo nâng cấp, sửa chữa lưới điện, nhằm khai thác thế mạnh của các cơ sở sản xuất công nghiệp và nhu cầu sử dụng điện của khách hàng để phục vụ cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình. Hiện tại, Điện lực đang quản lý 10 trạm/10 biến áp 35 kV/6 kV và 139 trạm/143 máy biến áp 35 kV/0,4 kV, với tổng công suất đặt của các trạm lên tới 38.375 kVA; tổng chiều dài đường dây trên không và cáp là 194,425 km và hạ áp là 413,59 km. Riêng khách hàng cũng có tới 123 trạm/157 máy biến áp (công suất 132.073 kVA).

 

 

Cấp điện cho Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch

 

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của khách hàng, từ 2013 đến nay, Điện lực Kinh Môn cũng đã lập kế hoạch, hoàn thành xây dựng thêm 05 trạm biến áp với tổng dung lượng 1.770 kVA tại các xã Quang Trung, Hiệp Hòa, Thái Sơn, An Cường, Huệ Trì và đang tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch mới 09 trạm biến áp khác, tổng công suất gần 3.000 kVA, góp phần thu hẹp khoảng cách cấp điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện, hạ tỷ lệ tổn thất điện năng.

 

Quá trình xây dựng và phát triển, đến nay, Điện lực Kinh Môn đã có 80 CBCNV (trong đó có 13 nữ) do ông Nguyễn Văn Hiển là Giám đốc đang gánh vác trách nhiệm nặng nề như một người lính nơi tuyến đầu của ngành Điện Hải Dương và đã liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, khó khăn vẫn còn ở phía trước, bởi để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của khách hàng, đảm bảo lưới điện vận hành liên tục ổn định và an toàn là nhiệm vụ hết sức nặng nề, thử thách bản lĩnh của những người thợ điện, hy vọng, với một tập thể đoàn kết, gắn bó, sáng tạo, biết phát huy sức mạnh tập thể, tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương, đặc biệt là Công ty Điện lực Hải Dương, Điện lực Kinh Môn sẽ phấn đấu xứng đáng là một trong những đơn vị đi đầu trên mặt trận kinh doanh điện năng của ngành Điện Hải Dương trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

 

Mai Hương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang