Thứ Sáu, 29/03/2024 00:25:00 GMT+7

Tin đăng lúc 03-02-2023

Lượt xem: 1764

Điện lực Vân Đồn (PC Quảng Ninh): Chủ động triển khai các giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý vận hành đường dây trên biển

Là đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh), những năm qua, Điện lực Vân Đồn đảm nhận nhiệm vụ quản lý vận hành và kinh doanh bán điện trên địa bàn 02 huyện: Cô Tô và Vân Đồn nhằm đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển KT-XH, cũng như nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.
Điện lực Vân Đồn (PC Quảng Ninh): Chủ động triển khai các giải pháp hữu hiệu  trong công tác quản lý vận hành đường dây trên biển
Công nhân Điện lực Vân Đồn kiểm tra đường dây cấp điện cho huyện đảo Cô Tô

Qua thực tiễn cho thấy, việc quản lý vận hành lưới điện trên biển đảo có nhiều khó khăn đặc thù so với trên đất liền, tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, tập thể lãnh đạo và CBCNV-NLĐ, Điện lực Vân Đồn đã có nhiều giải pháp cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định cho 02 huyện đảo này.

 

Huyện Vân Đồn là một huyện đảo miền núi nằm ở vị trí tiền tiêu phía Đông Bắc tổ quốc. Toàn huyện có hơn 600 đảo lớn, nhỏ với diện tích hơn 551 km2, địa hình nhiều núi với độ cao trung bình 40m so với mặt biển và bị chia cắt bởi các đảo. Còn Cô Tô là một huyện đảo biên giới, có 30 đảo lớn, nhỏ với diện tích hơn 50 km2. Đây là huyện đảo biên giới có vị trí đặc biệt về an ninh quốc phòng.

 

Hiện nay, quy mô quản lý vận hành của Điện lực Vân Đồn gồm: 335,8 km đường dây  trung thế, trong đó có 55 km cáp ngầm; 336 trạm biến áp phân phối với tổng công suất đặt 113.529 kVA; 419 km đường dây hạ áp, trong đó có 15,7 km cáp ngầm... đảm bảo cấp điện cho 17.050 khách hàng.

 

Từ năm 2013, Công ty Điện lực Quảng Ninh hoàn thành dự án đưa điện lưới ra 05 xã đảo, thuộc huyện Vân Đồn và toàn bộ huyện đảo Cô Tô, đồng thời giao cho Điện lực Vân Đồn phụ trách quản lý vận hành và kinh doanh dịch vụ điện. Cấp điện cho khu vực này là một đường dây 22kV độc đạo, đi nổi trên các đảo và đi ngầm vượt biển giữa các đảo, với tổng chiều dài đường dây nổi là 165,4 km và 22,6 km cáp ngầm dưới biển; đảm nhiệm cấp điện cho 58 TBA, có tổng công suất đặt 18.180 kVA.

 

Thời gian qua, việc quản lý vận hành đường dây 22kV cấp điện lưới ra 05 xã đảo gặp phải rất nhiều khó khăn, phức tạp. Nguyên nhân là bởi hệ thống đường dây phải đi qua khu vực đồi núi, biển đảo, các cột điện nằm rải rác trên nhiều đảo đá vôi hiểm trở; Các vị trí cột phải tiếp cận bằng tàu thủy nên việc di chuyển rất khó khăn hoặc không thể thực hiện được khi biển động; Khoảng cách di chuyển từ các điểm có thể cập bờ của tầu thủy đến các vị trí cột phải vượt qua địa hình phức tạp, không có đường giao thông. Ngoài ra, do chiều dài đường dây lớn, chênh lệch về công suất tiêu thụ giữa mùa du lịch với các mùa còn lại đã dẫn đến việc kiểm soát tổn thất đường dây, cũng như đảm bảo chất lượng điện áp phía cuối nguồn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, đối với khu vực biển đảo, do ảnh hưởng của khí hậu và môi trường nhiễm mặn nên thiết bị suy giảm chất lượng nhanh. Đặc biệt, vào mùa chim di trú sẽ thường xuyên gặp sự cố thoáng qua do chim bay vào khu vực vi phạm khoảng cách phóng điện.

 

 

Công nhân Điện lực Vân Đồn lên đường ra đảo kiểm tra đường dây trước mùa mưa bão

 

Trước những khó khăn trong công tác quản lý vận hành, xử lý sự cố đường dây cấp điện ra các huyện đảo, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của Công ty Điện lực Quảng Ninh, cùng các cấp chính quyền địa phương, Điện lực Vân Đồn đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo vận hành an toàn và xử lý nhanh các sự cố lưới điện. Điều này đã góp phần tiên quyết trong việc đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục cho khu vực này.

 

Theo đó, trong công tác quản lý hành lang an toàn lưới điện, một trong những nguyên nhân gây nhiều sự cố đã được Điện lực Vân Đồn chủ động ngăn ngừa là đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đoàn thể gồm: Thanh niên, Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… tổ chức chương trình tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ hành lang lưới điện cao áp tại các xã đảo như: Bản Sen, Quan Lạn, Thắng Lợi, Ngọc Vừng. Đồng thời, Điện lực còn thông báo với chính quyền địa phương, đến từng chủ rừng có cây cao ngoài hành lang có nguy cơ gây sự cố cho đường dây khi khai thác, để các chủ rừng chủ động triển khai các biện pháp an toàn và đăng ký cắt điện với Điện lực khi thu hoạch rừng. Đối với những trường hợp khai thác rừng gây sự cố điện, Điện lực Vân Đồn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để kiên quyết xử lý các lỗi vi phạm, đồng thời yêu cầu ký biên bản cam kết không tái phạm. Ngoài ra, Điện lực cũng thương thảo với người dân có cây trồng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, cũng như kiên quyết xử lý triệt để những trường hợp gây mất an toàn vận hành.

 

Về công tác quản lý kỹ thuật lưới điện, Điện lực Vân Đồn đã nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra định kỳ đường dây; Thực hiện xử lý triệt để những tồn tại có nguy cơ ngây mất an toàn lưới điện. Do đặc thù đường dây và điều kiện di chuyển chịu ảnh hưởng không chỉ của gió bão, mà mỗi khi gió mùa Đông Bắc với cường độ lớn, kéo dài nhiều ngày sẽ khiến cho việc xử lý sự cố gặp phải rất nhiều khó khăn. Do vậy, khi có điều kiện thực hiện, Ban lãnh đạo Điện lực sẽ tập trung huy động toàn bộ lực lượng, tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng tại địa phương để tiến hành đồng bộ các công tác quản lý kỹ thuật, đảm bảo tiêu chuẩn vận hành đường dây ở mức cao nhất.

Đối với công tác sửa chữa, cải tạo lưới điện, Điện lực Vân đồn đã luôn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Công ty Điện lực Quảng Ninh. Cùng với đó, Điện lực còn chủ động đề xuất nhiều giải pháp kỹ thuật như: Thay toàn bộ sứ chuỗi Polyme thành chuỗi thủy tinh để phù hợp với không khí nhiễm mặn biển; Thay thế các phụ kiện bị ăn mòn; Bổ sung sứ đỡ các khoảng lèo dài dễ bị chim đậu gây nghiêng lèo vi phạm khoảng cách phóng điện; Đầu tư các thiết bị công nghệ hiện đại để quản lý vận hành đường dây như Flycam, các bộ cảnh báo sự cố; Lắp đặt bổ sung và duy trì hoạt động các thiết bị phân đoạn sự cố điều khiển xa cô lập nhanh nhất khu vực sự cố, khôi phục cấp điện trở lại nhanh nhất cho các phụ tải không bị ảnh hưởng.

 

 

Công nhân Điện lực Vân Đồn xử lý khiếm khuyết trên lưới điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục

 

Riêng đối với công tác chủ động phòng chống thiên tai, khắc phục nhanh sự cố lưới điện cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được Điện lực Vân Đồn đặc biệt quan tâm. Theo đó, với các xã đảo, ngay sau khi có thông tin dự báo thời tiết về bão, gió mùa… gây bất lợi cho công tác vận hành lưới điện, các nhóm xung kích của Điện lực được triển khai thường trực tại các đảo xung yếu, đồng thời di chuyển đến điểm trực trước thời điểm cấm tầu thuyền do gió, bão; Đảm bảo lực lượng tại chỗ phục vụ phòng chống thiên tai, xử lý sự cố lưới điện.

 

Có thể khẳng định, với sự nỗ lực, vượt qua những khó khăn của CBCNV-NLĐ Điện lực Vân Đồn đã góp phần vận hành an toàn lưới điện, đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định để phục vụ phát triển KT-XH, cũng như nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên đảo. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, kết thúc năm 2022, Điện lực Vân Đồn đã cung cấp điện an toàn cho huyện đảo Cô Tô và Vân Đồn với tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 94,7 triệu kWh, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm 2021; Tỷ lệ tổn thất điện năng thực hiện đạt 5,19 %, giảm 1,74% so với cùng kỳ; Số vụ sự cố giảm 38 vụ so với  năm 2021.

 

Việc đảm bảo cấp điện ổn định liên tục cho các huyện đảo biên giới của tổ quốc đã không chỉ hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh mà còn góp phần quan trọng đảm bảo an ninh chính trị quốc phòng, phát triển kinh tế các huyện đảo vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Điều này đã, đang và sẽ được CBCNV-NLĐ Điện lực Vân Đồn quyết tâm thực hiện thắng lợi trong năm 2023, cũng như những năm tiếp theo.

 

Ngọc Lan & Trung Kiên – PC Quảng Ninh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang