Thứ Ba, 16/04/2024 12:06:57 GMT+7

Tin đăng lúc 21-10-2014

Lượt xem: 5082

Điện nông thôn miền Bắc – Người dân được hưởng lợi

Tại hội nghị sơ kết công tác sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã đánh giá cao việc thực hiện công tác điện nông thôn ở các Công ty Điện lực.
Điện nông thôn miền Bắc – Người dân được hưởng lợi
Nỗ lực đưa điện về vùng cao

Với kết quả đạt được tính đến thời điểm này, toàn miền Bắc đã có: 249/249 (100%) huyện có điện, 5.060/5.101 (99,2%) số xã, 7.455.011/7.660.796 (97,31%) hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia. Đây là một kỳ tích, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần nỗ lực của EVNNPC trong chiến lược xây dựng và phát triển ngành Điện theo hướng bền vững, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong thời kỳ CNH - HĐH.

 

Nét nổi bật về công tác điện nông thôn của Tổng công ty Điện lực miền Bắc chính là hoạt động trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc, thì có đến hơn 2/3 địa phương là tỉnh trung du, miền núi, hết sức khó khăn trong việc phát triển lưới điện, nhưng EVNNPC lại là đơn vị tiên phong, đi đầu, đột phá trong vấn đề đưa điện về nông thôn. Còn nhớ những năm 80-90 của thế kỷ trước, hàng loạt dự án đường dây và trạm biến áp 110 kV và 35 kV lần đầu tiên ở nước ta đã được xây dựng, đưa điện lưới quốc gia về các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Quảng Ninh, Lai Châu, Lạng Sơn…, đưa ánh sáng của Đảng về với nhiều bản làng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng xa.

 

Tuy nhiên, sau khi có điện, thì việc quản lý sử dụng điện ở các địa phương hết sức lộn xộn, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, tổ quản lý điện do các huyện, xã tự thành lập có chức năng kinh doanh điện năng, do không có năng lực quản lý, kỹ thuật, tùy tiện tăng giá điện, không có khả năng về tài chính và chỉ khai thác mà không chịu đầu tư cải tạo, sửa chữa lưới điện, hậu quả là lưới điện xuống cấp trầm trọng, mất an toàn trong sử dụng điện, giá điện cao ngất ngưởng, nhưng chất lượng điện không đáp ứng được yêu cầu, gây bức xúc trong nhân dân. Nhận thấy việc cần thiết phải sớm thay đổi cung cách quản lý, lập lại trật tự, đảm bảo sự công bằng cho khách hàng sử dụng điện, không để tình trạng cùng một địa phương thì nơi giá điện cao, nơi giá điện thấp, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã đi đầu trong việc thí điểm mô hình ngành Điện tiếp nhận, quản lý lưới điện nông thôn và Công ty Điện lực Bắc Ninh - Đơn vị Anh hùng Lao động đã khởi xướng việc đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cho phép Công ty tiếp nhận toàn bộ lưới điện trung áp nông thôn để trực tiếp quản lý, bán điện tới từng hộ dân. Mô hình này sau đó đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc nhân rộng. Việc tiếp nhận lưới điện và bán điện trực tiếp tới từng hộ dân là một chủ trương, quyết định đúng đắn của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành Điện, bởi ở địa phương nào được Công ty Điện lực tiếp nhận thì ở đó, lưới điện được đầu tư, cải tạo, nâng cấp; đội ngũ thợ điện được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, trách nhiệm phục vụ cao hơn; đặc biệt là chất lượng điện lập tức được ổn định; hạ được tỷ lệ tổn thất điện; khắc phục dần tình trạng câu móc, lấy cắp điện; hạ được giá điện về đúng quy định của Nhà nước, trong đó, người dân nông thôn sử dụng điện sinh hoạt còn được hưởng các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước.

 

Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện Chương trình điện khí hóa nông thôn. Các Công ty Điện lực thành viên đều đã xây dựng đề án kế hoạch, để trong thời gian sớm nhất, hoàn thiện lưới điện trung áp và hạ áp nhằm đảm bảo đưa điện tới từng hộ dân, trong đó tập trung phát triển điện khí hóa nông thôn tại các xã khu vực vùng cao, biên giới phía Bắc. Hàng năm, EVNNPC vẫn phải cân đối để dành hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ các đơn vị thực hiện hoàn vốn đầu tư ban đầu lưới điện trung áp và đầu tư phát triển mới lưới điện, đồng thời tranh thủ nguồn vốn vay trong nước và của các Tổ chức tài chính quốc tế phục vụ các Chương trình cải tạo, nâng cấp lưới điện trung, hạ áp theo Dự án năng lượng nông thôn – REII. Trong đó, các Công ty Điện lực: Thanh Hóa vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 174 triệu USD; Phú Thọ vay Ngân hàng Tái thiết Đức 541,8 tỷ đồng; Điện Biên vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 330 tỷ đồng; Thái Bình vay Ngân hàng Tái thiết Đức 166 tỷ đồng; Yên Bái vay WB 18,5 tỷ đồng… Nhiều địa phương đã hoàn thành kế hoạch điện khí hóa nông thôn – một trong 19 nội dung của Chương trình “Xây dựng nông thôn mới”. Ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Tính đến hết năm 2013, Hà Tĩnh đã có 100% số xã và trên 97% số hộ dân nông thôn được hưởng lợi từ chương trình điện khí hóa nông thôn. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh đã thay đổi, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ thương mại chiếm 82%, còn lại là nông nghiệp. Phân công lao động trên địa bàn xã, liên xã, liên huyện cũng có sự chuyển dịch, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35 – 37% xuống còn hơn 10%”.

 

Đặc biệt, những năm gần đây, EVNNPC cũng rất tích cực chỉ đạo các Công ty chú trọng các dự án đưa điện lưới quốc gia về các xã khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trong đó các tỉnh như Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An…, và nổi bật là hai tỉnh, thành phố là Hải Phòng và Quảng Ninh đã thực hiện hết sức quyết liệt và đem lại hiệu quả. Nhiều xã vùng sâu thuộc đảo Cát Bà như Xuân Đám, Trân Châu, Hiền Hào, Gia Luận, Việt Hải… đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới lưới điện. Đặc biệt, tháng 4/2014, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã tập trung đưa điện lưới quốc gia tới các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn như Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Ngọc Vừng, Thắng Lợi với tổng kinh phí lên tới 311,31 tỷ đồng (hơn 2/3 nguồn vốn là của ngành Điện, còn lại là UBND tỉnh Quảng Ninh). Trước đó, tháng 10/2013, Quảng Ninh cũng đã khánh thành đường cáp điện ngầm ra đảo Cô Tô, một trong những đảo xa đất liền của nước ta, với tổng mức đầu tư 1.107 tỷ đồng do Tổng công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư. Thành tích đưa điện ra các xã đảo huyện Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô đã được Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang ghi nhận trong dịp đến thăm và nói chuyện với CBCNV Công ty Điện lực Quảng Ninh ngày 27/7/2014: “Những cố gắng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói chung, của Công ty Điện lực Quảng Ninh nói riêng đã góp phần thực hiện Chiến lược biển đảo Việt Nam và thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.

 

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững, mà còn gắn với việc thực hiện chương trình điện khí hóa, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần ổn định chính trị, củng cố an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố, Tổng công ty Điện lực miền Bắc thực sự xứng đáng là Đơn vị “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

 

Như Quỳnh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang