Thứ Năm, 28/03/2024 22:38:25 GMT+7

Tin đăng lúc 16-09-2019

Lượt xem: 5658

Điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt

Đó là một trong những nội dung chính tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019.
Điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt
Ảnh minh họa

Nghị quyết nêu rõ, nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2019 còn rất nặng nề, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó lưu ý không được chủ quan, phải thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình trong nước và thế giới để kịp thời có đối sách hiệu quả, phù hợp, không để bị động, bất ngờ. 

 

Kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi số vốn đầu tư công chậm giải ngân

 

Về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 đã được giao; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân chậm của bộ, ngành, địa phương mình; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 của Chính phủ; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/4/2019 và Công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ; kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. 

 

Kiên quyết thực hiện việc điều chuyển hoặc thu hồi số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2019 đã giao cho các bộ, ngành, địa phương nhưng giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

 

Tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên

 

Nghị quyết Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để kịp thời ứng phó, đồng thời tạo thêm dư địa cho điều hành, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những tác động bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, dự báo để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. 

 

Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành khung khổ thử nghiệm chính sách mới cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo các Quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch phát triển các ngành để tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí và không hiệu quả. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch đầu tư công năm 2020 của bộ, ngành mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định.

 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát các biến động của thị trường trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; điều hành tỷ giá phù hợp. Tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, góp phần hạn chế tín dụng đen. 

 

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; triển khai sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giám sát, cảnh báo, ngăn ngừa các rủi ro về hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp và cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng. Bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử. 

 

Ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

 

Nghị quyết cũng yêu cầu, Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng Việt Nam có lợi thế. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 và các địa phương có biên giới chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động có biện pháp ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa để bảo vệ sản xuất trong nước.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, tình hình nguồn nước để hướng dẫn các địa phương chủ động có phương án tổ chức sản xuất phù hợp; kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Đánh giá việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.

 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị EC đưa ra đối với Việt Nam về chống khai thác hải sản trái phép không khai báo và không theo quy định; có chiến lược khai thác, nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững; rà soát, đánh giá để khai thác hiệu quả đội tàu đánh cá mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. 

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang