Thứ Tư, 24/04/2024 01:36:10 GMT+7

Tin đăng lúc 24-08-2021

Lượt xem: 1230

Doanh nghiệp bán lẻ "khó trăm bề"

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đang "bóp nghẹt" nhiều mắt xích của nền kinh tế trong đó có chuỗi cung ứng hàng hoá, bán lẻ mặc dù bề nổi nhìn có vẻ lạc quan.
Doanh nghiệp bán lẻ "khó trăm bề"
Sức tăng trưởng gần đây chủ yếu đến từ các mặt hàng thiết yếu do tâm lý tích trữ hàng hóa. Tuy nhiên, những mặt hàng này có biên lợi nhuận không cao.

Mặc dù nhu cầu tăng cao tưởng chừng sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà bán lẻ thì thực tế lại không hề lạc quan như vậy bởi sức tăng trưởng gần đây chủ yếu đến từ các mặt hàng thiết yếu - những mặt hàng này có biên lợi nhuận không cao. Trong đó chi phí phát sinh do chống dịch của doanh nghiệp lại rất lớn và luôn đối diện nguy cơ cao.

 

Nguy cơ "gãy" chuỗi cung ứng

 

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, thiếu nhân lực vận hành hệ thống do người lao động sinh sống trong các vùng cách ly y tế, nghi nhiễm Covid-19; thiếu hụt lực lượng giao hàng (shipper), khó giao hàng liên quận ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho khách hàng, đặc biệt là các kênh online.

 

Hệ thống cũng đang phải đối diện chi phí cao cho các hoạt động xét nghiệm Covid-1, một số đơn vị phải xét nghiệm 3 ngày một lần, có tháng lên đến 10 lần với phí xét nghiệm hiện tại trung bình từ 1.5 triệu – 3 triệu mỗi nhân viên. 

 

Các quy định chưa được phố biến và áp dụng đồng nhất tại các trạm kiểm soát giao thông trong các vùng xanh của thành phố mặc dù nhân viên và nhà cung cấp đã xuất trình thẻ và giấy xác nhận làm việc của công ty.

 

Bên cạnh đó, hoạt động của trung tâm thương mại - một trong những lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn cùng nhiều đối tác thuê "gặp rất nhiều khó khăn" vì phải ngừng kinh doanh hoặc tạm ngừng hợp đồng thuê và hiện chưa có kế hoạch mở cửa trở lại.

 

Cùng cảnh, đại diện Saigon Co.op cho biết lợi nhuận 2 tháng gần đây âm nặng. Cụ thể, giai đoạn giãn cách xã hội, lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến các điểm bán của Saigon Co.op từ offline đến online đều quá tải nhưng phân tích ngành hàng doanh nghiệp phát hiện đang gồng mình chịu lãi âm 2 tháng gần đây. Bởi trong thời gian này, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%) trong khi đây là ngành hàng có tỷ lệ lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các ngành hàng, chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt,....

 

Bên cạnh đó, các mặt hàng bình ổn cũng được siêu thị bù lỗ để giữ giá, điển hình nhất là mặt hàng trứng gà, có thời điểm giá bán ra của siêu thị còn thấp hơn giá mua vào.

 

Cùng với yếu tố hàng hóa, hàng loạt chi phí khủng đặc thù mùa dịch phát sinh cũng là khó khăn lớn cho siêu thị như chi phí xét nghiệm nhanh và chuyên sâu liên tục cho nhân viên, tài xế, chế độ chính sách cho người lao động mùa dịch, phí shipper giao hàng tăng cao.

 

Ngoài ra, hàng loạt siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food phải đóng cửa khi xuất hiện ca nhiễm... khiến doanh thu không ổn định, các nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng.

 

Không riêng Saigon Co.op những tên tuổi lớn như TopS Market, GO, LotteMart, Big C… đã nhiều lần phải đóng cửa các siêu thị của mình dài ngày vì có khách hàng là F0 ghé thăm. Việc bị đột ngột đóng cửa để các cơ quan chức năng khử trùng, truy vết, xét nghiệm gây ra những hệ lụy rất lớn về doanh số, chỉ tiêu kinh doanh trong tháng, quý. Trong khi đó, quỹ lương cho nhân viên, các khoản chi khác như điện, nước chi phí thuê mặt bằng vẫn phải duy trì…

 

Song song với càn quét tại các hệ thống siêu thị tại phía Nam, Covid bắt đầu “chuyển địa bàn” ra phía Bắc. Và chuỗi những ngày khó khăn của siêu thị chắc chắn chưa dừng lại, dù rằng hàng loạt địa phương đã và đang thực hiện phong tỏa, tìm mọi biện pháp để hạn chế sự lây lan của biến chủng Delta.

 

Ngày 1/8, người dân Hà Nội rúng động với thông tin Công ty TNHH Cung ứng thực phẩm Thanh Nga có nhiều lao động dương tính với Covid-19. Thanh Nga là nhà cung cấp thịt cho nhiều hệ thống bán lẻ, trong đó có các cửa hàng VinMart, VinMart+ tại Hà Nội. Cũng ngay trong đêm 1/8, một tin đồn thất thiệt đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Nhiều trang facebook đã đồng loạt chia sẻ thông tin hàng trăm cửa hàng của siêu thị VinMart được nhân viên F0 của công ty Thanh Nga giao hàng khiến cho nhiều khách hàng của chuỗi siêu thị này rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng.

 

Để trấn an khách hàng của mình, Vinmart đã phải nhanh chóng phát đi thông báo “Thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về danh sách hàng trăm siêu thị, cửa hàng thuộc VinCommerce có tiếp xúc F0 của nhà cung cấp Thanh Nga và nguy cơ lây nhiễm không phải là thông tin chính thống”.

 

Cần “lá chắn” đủ mạnh

 

Như vậy, mặc dù nhu cầu tăng cao tưởng chừng sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà bán lẻ thì thực tế lại không hề lạc quan như vậy. Báo cáo chiến lược nửa cuối năm kỳ vọng nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng và bán lẻ của Cty Chứng khoáN Rồng Việt (VDSC) cho thấy, sức tăng trưởng gần đây chủ yếu đến từ các mặt hàng thiết yếu. Nhóm sản phẩm này có cầu ít co giãn theo thu nhập, bởi túi tiền của người tiêu dùng tăng hay giảm, nhu cầu mua sắm vẫn giữ nguyên. Đà tăng trong giai đoạn giãn cách chủ yếu do tâm lý tích trữ hàng hóa. Tuy nhiên, những mặt hàng này có biên lợi nhuận không cao.

 

Ngược lại, các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các chuỗi bán lẻ lại có mức độ co dãn lớn hơn về cầu. Nói cách khác, sự phân hóa giữa các nhóm mặt hàng đang diễn ra.

 

Khi được hỏi về triển vọng ngành bán lẻ trong tương lai gần, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch của Thế giới Di Động (MWG), không giấu sự lo ngại. "Chờ đợi sự bùng nổ về nhu cầu như chiếc lò xo bị ép lại là câu chuyện của những chuyên gia vật lý học, còn kinh doanh thì không có cái lò xo nào cả", ông Tài nói về triển vọng năm tới của ngành bán lẻ. Thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm sẽ khiến sức mua giảm và mức giảm này là tác động trong lâu dài, theo dự đoán của ông Tài, không chỉ năm nay mà tới năm sau, thậm chí còn ảnh hưởng cả giai đoạn 2023 - 2024.

 

Trước thực tế này, doanh nghiệp hy vọng tấm lá chắn vaccine sẽ sớm được "cấp" cho nhân viên các doanh nghiệp bán lẻ. 

 

Ngoài ra, nhiều hệ thống bán lẻ đề xuất, nên tổ chức các chương trình ưu đãi, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các hình thức thanh toán điện tử để kích cầu. Nhằm chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19 khi nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, nên xem xét tối ưu và đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, để đẩy nhanh các hoạt động xuất nhập khẩu của các công ty FDI.

 

"Hiện tại số lượng hàng hóa lưu kho, ứ đọng, chưa thể nhập khẩu còn rất nhiều do một số đơn vị cơ quan hải quan và hoạt động thông quan đang phải tạm ngừng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nếu chúng ta không sớm có giải pháp, khả năng tình hình sẽ rất khó khăn cho cả 2 phía: cơ quan hải quan và doanh nghiệp xuất nhập khẩu", ông Furusawa Yasuyuki nhận định.

 

Doanh nghiệp cũng kiến nghị kéo giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, với lộ trình lui khoàng 3 - 6 tháng, tăng tỷ lệ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, bên cạnh các chính sách đã được Chính phủ công bố.

 

Đại diện Saigon Co.op đặc biết nhấn mạnh mong cơ quan thuế xem xét ưu đãi hoặc giãn thuế cho các hệ thống siêu thị.  

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang