Thứ Sáu, 29/03/2024 07:46:26 GMT+7

Tin đăng lúc 15-11-2015

Lượt xem: 3642

Doanh nghiệp cơ khí: Thiếu đầu ra

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp đối với Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Doanh nghiệp (DN) trong ngành mong muốn có chính sách cụ thể, giúp tạo lập thị trường.
Doanh nghiệp cơ khí: Thiếu đầu ra

Bất cập từ cơ chế, chính sách

 

Trong “Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”, ngành Cơ khí phấn đấu đạt mục tiêu có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập; sử dụng công nghệ hiện đại ở một số phân ngành, đáp ứng cơ bản nhu cầu công nghiệp hóa của đất nước và xuất khẩu. Đến năm 2035, ngành được phát triển với đa số phân ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Chiến lược cũng đưa ra nhiểu giải pháp thực hiện như: Ban hành kịp thời chính sách thúc đẩy ngành Cơ khí phát triển; nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước; tạo lập thị trường ở một số lĩnh vực, tạo tiền đề cho ngành Cơ khí làm chủ công nghệ và nâng cao khả năng chế tạo; thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư trọng tâm trọng điểm, đa dạng hóa nguồn vốn của DN… nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất.

 

Tại Hội thảo “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam”, ông Nguyễn Chỉ Sáng- Viện trưởng Viện nghiên cứu Cơ khí- cho rằng, chính sách hỗ trợ cho ngành Cơ khí còn chung chung. Do đó, cần có cơ chế cụ thể về đầu tư, vay vốn, thuế, đất đai, kích cầu, bảo vệ thị trường… Cũng theo ông Sáng, ngành Cơ khí có 2 loại hàng hóa, một loại vận hành theo quy luật thị trường, một loại cần có bàn tay điều tiết của nhà nước. Vì vậy, phải xác định rõ từng ngành hàng, đối tượng và cơ chế hỗ trợ.

 

Ông Phạm Văn Tài - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải- chia sẻ: Ngành Cơ khí mới chỉ có chính sách hỗ trợ vĩ mô mà chưa có hướng dẫn rõ ràng cho từng lĩnh vực để DN mạnh dạn đầu tư.

 

Hỗ trợ tạo lập thị trường

 

Chính sách hỗ trợ tạo lập thị trường cho DN ngành Cơ khí tuy có nhưng đã bị tụt hậu so với các nước xung quanh. Ông Trần Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh – dẫn chứng: Năm 2014, Luật Đấu thầu đã được ban hành. Luật quy định: Khi đấu thầu quốc tế với các sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, DN được cộng thêm 7,5% vào giá. Tuy nhiên, hiện nay các nước trong khu vực đã hỗ trợ trên 7,5% . Vì vậy, khi đấu thầu quốc tế, DN cơ khí Việt Nam rất khó thắng thầu.

 

Ông Trần Văn Quang đề nghị: Thay vì hỗ trợ cho vay lãi suất thấp, nhà nước nên tạo thị trường để DN tự đầu tư phát triển đồng thời đưa ra quy định bắt buộc: Sản phẩm trong nước sản xuất được, không cho phép nhập khẩu.

 

Đại diện Công ty TNHH MTV Cơ khí Đông Anh cũng đề xuất: Nhà nước cần hỗ trợ DN tham gia đấu thầu các hạng mục trong xây dựng, cung cấp thiết bị cho nhà máy nhiệt điện bằng cách chia nhỏ gói thầu.

 

Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành Cơ khí chiếm trên 21%, năm 2035 chiếm 24% trong cơ cấu ngành công nghiệp.

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang