Thứ Ba, 16/04/2024 12:08:15 GMT+7

Tin đăng lúc 09-01-2019

Lượt xem: 9048

Doanh nghiệp hài lòng hơn khi thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu

“Doanh nghiệp ngày càng hài lòng khi thực hiện các thủ tục hành chính trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan Hải quan cần tiếp tục cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính để đẩy mạnh xuất, nhập khẩu”. Đây là nội dung chính trong Báo cáo kết quả cuộc khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất, nhập khẩu năm 2018, được công bố sáng ngày 8/1/2019 tại Hà Nội.
Doanh nghiệp hài lòng hơn khi thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu
Cuộc khảo sát do VCCI, Tổng cục Hải quan và USAID phối hợp thực hiện với 3.061 doanh nghiệp

Cuộc khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện với 3.061 DN; trong đó có 46% từ khu vực DN tư nhân trong nước, 33% thuộc khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 17% từ khối DN nhà nước với các tiêu chí khảo sát gồm: tiếp cận thông tin, thực hiện thủ tục hải quan, sự phục vụ của công chức hải quan, thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành…


“Kết quả từ cuộc khảo sát trong năm 2018 cho thấy, mức độ hài lòng của cộng đồng DN đối với ngành Hải quan đã được cải thiện ở hầu hết các nội dung khảo sát so với năm 2015” - ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI - đưa nhận xét chung và dẫn số liệu từ tiêu chí chất lượng thông tin khi DN tiếp cận thông tin thủ tục hành chính hải quan với 91% DN tham gia đánh giá thông tin cơ quan Hải quan cung cấp là thống nhất; 90% DN đánh giá thông tin thủ tục hành chính sẵn có dễ tìm. So với số liệu năm 2015, 2 tỷ lệ này lần lượt là 77% và 81%.

 

Tương tự với việc thực hiện các thủ tục hành chính hải quan, kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy, tỷ lệ DN gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục (% khó và rất khó) giảm đáng kể so với năm 2015. Đơn cử, thủ tục Kiểm tra hồ sơ và Kiểm tra thực tế hàng hóa trong thủ tục thông quan, tỷ lệ này là 6% (năm 2015: 11%) và 14% (năm 2015: 21%). Tỷ lệ DN đánh giá gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế là 23% so với năm 2015 là 31%.

 

Bên cạnh đó, khi gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính hải quan, trong 2.907 DN trả lời thì có tới 85% DN cho biết tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan hải quan. Đánh giá của DN là khá tích cực khi có 79% đánh giá sự hỗ trợ của cơ quan hải quan “phần lớn và hoàn toàn” kịp thời. Rất đáng chú ý, có tới 84% DN cho biết sự hỗ trợ của cơ quan hải quan là phần lớn hoặc hoàn toàn hiệu quả.

 

Về hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM), từ tháng 8/2017, Tổng cục Hải quan bắt đầu triển khai thí điểm Hệ thống VASSCM. Theo đó, thực hiện kết nối, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử với cơ quan kinh doanh cảng, kho, bãi tại một số đơn vị lớn. Tính đến ngày 8/8/2018, Hệ thống quản lý hải quan tự động được thực hiện tại 5 cục hải quan địa phương gồm: Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh với 81 DN kinh doanh kho, bãi, cảng tham gia. Đến tháng 11/2018, Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi đã được triển khai tại 25/35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố cho 192 DN kinh doanh cảng, kho, bãi.

 

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, các thủ tục hành chính trong hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn còn nhiều trở ngại. Đơn cử, vẫn còn tới 56% số DN tham gia khảo sát cho biết còn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin về thủ tục hải quan; 53% DN gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục kiểm tra, xác định mã số hàng hoá (HS); hay chỉ có khoảng 15-17% DN đánh giá thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành là dễ thực hiện.

 

Từ những kết quả trên, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - nhấn mạnh, trong thời kỳ hội nhập kinh tế, việc đảm bảo thông suốt trong thực hiện các thủ tục hành chính xuất, nhập khẩu là một trong những đòn bẩy để thúc đẩy DN hoạt động trong lĩnh vực này phát triển, tăng cơ hội cạnh tranh cho các DN. Vì vậy, cơ quan Hải quan và các cơ quan nhà nước hữu quan cần tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng côn nghệ thông tin, tăng cường công khai, minh bạch… nhằm tạo thuận lợi cho DN trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

 

Đại diện cho Tổng cục Hải quan, ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng - cho biết, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã rất nỗ lực cải cách, không chỉ là cải cách ra bên ngoài mà còn cải cách ngay trong nội bộ, làm tốt công tác quản trị ngành để chống phiền hà, sách nhiễu DN.

 

Hiện Tổng cục Hải quan đang triển khai một loạt các giải pháp để đảm bảo công tác này, ông Cường nhấn mạnh, Tổng cục đã quy định rõ ràng về công tác thanh tra, kiểm tra và đã ban hành quyết định định danh 300 hành vi tạm gọi trong ngành là những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu.

 

Cùng đó, ngành Hải quan cũng đã giảm việc kiểm tra hàng hoá thủ công bằng cách sử dụng hệ thống máy móc kỹ thuật hiện đại, như: hệ thống máy soi container, máy soi hành lý, camera giám sát và đặc biệt là thực hiện chương trình giám sát hải quan tự động.

 

Trong thời gian tới, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các đơn vị khảo sát độc lập khác để hoàn thiện hơn các phương pháp, cách thức triển khai hoạt động khảo sát, hoàn thiện hệ thống tiêu chí đánh giá đảm bảo đầy đủ, khách quan, chính xác sự hài lòng của DN xuất nhập khẩu đối với sự phục vụ, chất lượng dịch vụ của cơ quan Hải quan.

 

Nguồn Congthuong


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang