Thứ Năm, 18/04/2024 23:00:20 GMT+7

Tin đăng lúc 12-01-2019

Lượt xem: 16101

Doanh nghiệp hài lòng với các thủ tục xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương

Theo "Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018" vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố mới đây, Bộ Công Thương chiếm vị trí số 1 về tỷ lệ các doanh nghiệp đưa ra đánh giá “dễ” và “rất dễ” đối với các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN).
Doanh nghiệp hài lòng với các thủ tục xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương
Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nên tỷ lệ doanh nghiệp có thực hiện các thủ tục quản lý và KTCN trong lĩnh vực QLNN của Bộ Công Thương, trong đó có xuất nhập khẩu là lớn nhất trong các Bộ, ngành. Cụ thể, trong số 3.061 doanh nghiệp được khảo sát, có 483 doanh nghiệp cho biết đã từng thực hiện các thủ tục quản lý và KTCN trong lĩnh vực QLNN của Bộ Công Thương, chiếm 15,8%. Việc chỉ có 15,8% doanh nghiệp được hỏi phải thực hiện thủ tục quản lý và KTCN trong lĩnh vực QLNN của Bộ Công Thương, bao gồm cả thủ tục cấp phép, công bố hợp quy và kiểm tra chất lượng tại cửa khẩu, đã cho thấy nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương trong việc cắt giảm các thủ tục do Bộ quản lý.


Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá các thủ tục của Bộ Công Thương là "dễ" và "rất dễ" luôn nằm ở mức cao nhất. Cụ thể, 27% đánh giá thủ tục cấp phép quản lý chất lượng hàng hóa của Bộ Công Thương là "dễ" và "rất dễ", đứng đầu trong các Bộ, ngành. Về các thủ tục như công bố hợp quy, kiểm tra chất lượng, cấp phép an toàn thực phẩm và kiểm tra an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương cũng chiếm vị trí cao nhất về tỷ lệ doanh nghiệp đưa ra đánh giá "dễ" và "rất dễ".

 

Kết quả khảo sát cũng cho thấy Bộ Công Thương là Bộ có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn thấp nhất khi làm các thủ tục có liên quan đến quản lý chất lượng hàng hóa, bao gồm thủ tục cấp phép, công bố hợp quy và kiểm tra chất lượng. Bộ Công Thương cũng là Bộ có tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia (NSW) cao nhất.

 

Cụ thể, trong số 1.210 doanh nghiệp đã từng thực hiện thủ tục trên NSW, có tới 66% (798 doanh nghiệp) thực hiện thủ tục do Bộ Công Thương quản lý, vượt rất xa so với Bộ đứng thứ 2 là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (459 doanh nghiệp, 38%). Kết quả này cho thấy những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc kết nối các TTHC của mình với NSW theo chủ trương chung của Chính phủ. Đáng chú ý, có tới 41% số doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện các thủ tục của Bộ Công Thương trên NSW là "dễ" và "rất dễ", cao nhất trong các Bộ, ngành.

 

Kết quả khảo sát nêu tại Báo cáo đã cho thấy hiệu quả và nỗ lực của Chính phủ nói chung và ngành Công Thương nói riêng trong việc cải cách TTHC, đặc biệt là cải cách hoạt động quản lý và KTCN được nêu trong các Nghị quyết số 19 của Chính phủ trong các năm 2016, 2017 và 2018. Những giải pháp đúng hướng của Chính phủ trong các Nghị quyết này và chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động KTCN và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được Bộ Công Thương triển khai tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.

 

Để đáp ứng hơn nữa yêu cầu ngày càng cao của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp về cải cách TTHC nói chung và cải cách hoạt động quản lý, KTCN nói riêng, trong giai đoạn 2019 - 2020, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ việc rà soát, sửa đổi các văn bản pháp lý về quản lý, KTCN trong lĩnh vực XNK; cắt giảm danh mục, công bố công khai và minh bạch mã HS của các sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng quản lý, KTCN của Bộ Công Thương; đẩy nhanh việc thực hiện các TTHC trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia (NSW) theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triệt để thực hiện xã hội hóa hoạt động quản lý, KTCN; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành Công Thương để đáp ứng công tác quản lý, KTCN; tăng cường áp dụng biện pháp hậu kiểm và nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác quản lý, KTCN.

 

Nguồn Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang