Thứ Bẩy, 20/04/2024 15:51:44 GMT+7

Tin đăng lúc 21-05-2018

Lượt xem: 1977

Doanh nghiệp nội bước vào "cuộc đua" cửa hàng tiện lợi

Được đánh giá có nhiều dư địa phát triển tại Việt Nam tuy nhiên các cửa hàng tiện lợi cũng phải chịu những sức ép lớn từ việc tranh giành thị phần, hàng hóa và mở rộng quy mô.
Doanh nghiệp nội bước vào "cuộc đua" cửa hàng tiện lợi
Ảnh minh họa

Với quy mô thị trường được ước tính lên đến 180 tỉ USD vào năm 2020, ngành bán lẻ Việt Nam được xem là có rất nhiều động lực để phát triển khi tăng trưởng tiêu dùng cá nhân được các tập đoàn đa quốc gia chuyên nghiên cứu về thị trường bán lẻ nhận định có mức tăng trung bình 10,5%/năm kể từ năm 2016 trở đi.

 

Nóng dần cuộc đua

 

Mới đây, liên doanh giữa Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op Việt Nam và Tập đoàn NTUC Fair Price (Singapore) chính thức đưa vào hoạt động cửa hàng tiện lợi 24h thương hiệu Cheers trên đường Đinh Tiên Hoàng (phường Đa Kao, quận 1, TP HCM). Đây là cửa hàng thứ 3 của hệ thống Cheers tại TP HCM, cũng là một mô hình mới của Saigon Co.op, bên cạnh hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opExtra, Co.opFood và Co.opSmile hiện có.

 

Theo ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op không giấu tham vọng khi chia sẻ trong năm 2018 dự kến sẽ mở 50 cửa hàng tiện lợi Cheers. 

 

Ngoài mô hình Cheers vừa mới mở, Saigon Co.op cũng là đơn vị sở hữu khá phong phú các loại hình cửa hàng tiện lợi. Ngoài hệ thống siêu thị, đại siêu thị, hiện đơn vị này có 210 cửa hàng Co.op Food, 76 cửa hàng Co.op Smile. Năm 2018, Saigon Co.op đặt mục tiêu mở thêm 170 Co.op Food, 150 cửa hàng Co.opSmile, 50 cửa hàng tiện lợi Cheers đồng thời với việc kết nối đa phương tiện với các hình thức mua sắm khác.

 

Dù không có nhiều những thay đổi nhưng từ đầu năm đến nay, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng tích cực đưa vào hoạt động những cửa hàng SatraFood để tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. Vừa qua, Satra khai trương cửa hàng tiện lợi Satrafood thứ 179 tại số 244 Lê Thị Hoa, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút người tiêu dùng.

 

Như vậy, trong 5 tháng đầu năm 2018, Satra đã khai trương 22 cửa hàng Satrafood, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động thêm 60 cửa hàng trong năm nay.

 

Được đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh nhất về số lượng trong số các doanh nghiệp trong nước là hệ thống cửa hàng tiện lợi Vinmart+ của Vingroup. Chỉ sau 3 năm gia nhập thị trường, đến nay Vinmart+ đã có hơn 1.000 cửa hàng và số lượng cửa hàng đang ngày càng tăng. Việc phủ rộng hệ thống nhanh chóng đã giúp Vinmart+ có được những vị trí đẹp khi nằm ở mặt tiền hoặc tầng dưới các chung cư, tiện lợi cho việc mua sắm của khách hàng.

 

Trong khi đó, dù “sinh sau đẻ muộn” và là một mảng đầu tư “trái tay”, thế nhưng, tại Đại hội Cổ đông mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động tuyên bố, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tăng vốn đầu tư cho hệ thống Bách Hóa Xanh.

 

Theo đó, Thế giới Di động xác định Bách Hóa Xanh sẽ là “lĩnh vực cốt lõi” này trong năm 2018. Doanh nghiệp này dự kiến huy động 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có, lợi nhuận giữ lại và vốn vay trung - dài hạn để phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi hiện đại, với mục tiêu sẽ cán mốc 500 cửa hàng trong tháng 6 năm nay.

 

Không dễ "nuốt trôi"

 

Không chỉ là cuộc chiến giữa các doanh nghiệp cùng ngành, kênh mua sắm này còn đang phải chịu sức ép cạnh tranh từ các kênh như siêu thị về tính đa dạng và tính trải nghiệm, cùng với đó là áp lực từ phía cửa hàng truyền thống về độ phủ sóng.

 

Bên cạnh đó, yếu tố mấu chốt của mô hình cửa hàng tiện lợi là vị trí điểm bán. Thị trường đã chứng kiến những câu chuyện buồn của các cửa hàng tiện lợi khi không khắc phục được yếu tố này.

 

Theo khảo sát mới nhất của Jones Lang LaSalle Việt Nam, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại khu trung tâm Sài Gòn có mức giá trung bình 73 USD/m2/tháng, cao gấp đôi mức giá tại các mặt bằng bán lẻ phía ngoài trung tâm. Trong thời gian tới, cuộc chiến tìm mặt bằng không những tiếp tục tại khu vực trung tâm để lấp những chỗ trống còn sót lại, mà còn bắt đầu mở rộng ra ở các quận huyện lận cận.

 

“Giá thuê mặt bằng trong khu vực đô thị vẫn cao so với sức mua nên doanh nghiệp khó có lãi”, ông Takehiko Kigure, Tổng giám đốc Công ty Family Mart Việt Nam cho biết.

 

Ngay như "tân binh" Bách Hóa Xanh dù được xem là một trong những thương hiệu có tốc độ mở chuỗi cửa hàng nhanh nhất Việt Nam hiện nay nhưng cũng xác định mục tiêu khá khiêm tốn "trong giai đoạn trước tháng 12/2016 chỉ dừng lại ở mức doanh thu mục tiêu và bảo đảm sự hài lòng của khách hàng", trong năm 2017 sẽ đầu tư mạnh đưa tổng số cửa hàng Bách Hóa Xanh lên con số 350. Thế nhưng, số cửa hàng này cũng chỉ đặt ở hai quận Bình Tân và Tân Phú (TP HCM). Nếu thành công thì mô hình này mới được mở rộng ra các khu vực khác trong năm 2018.

 

Như vậy, với điểm bán mới liên tục được mở rộng, thị trường bán lẻ sẽ gia tăng cạnh tranh cả chiều rộng và chiều sâu. Do đó, việc có được mặt bằng như ý, thuận lợi, luôn tạo áp lực lớn lên các nhà bán lẻ Việt Nam.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang