Thứ Sáu, 29/03/2024 21:35:12 GMT+7

Tin đăng lúc 21-12-2019

Lượt xem: 12525

Doanh nghiệp tư nhân hiến kế cho đất nước cường thịnh

Đại đa số chủ tịch các tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam đều có hoài bão, niềm tin và khát vọng xây dựng những thương hiệu mạnh không chỉ trên thị trường nội địa mà cả ở thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp tư nhân hiến kế cho đất nước cường thịnh
CTCP ô tô Trường Hải là điển hình của quá trình phát triển từ một công ty công nghiệp quy mô nhỏ thành một tập đoàn hàng đầu trong ngành chế tạo

Chấn hưng đất nước không thể thiếu doanh nhân

 

“Doanh nhân tư nhân luôn ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chấn hưng dân tộc. Cộng đồng doanh nhân tư nhân luôn khát khao được đóng góp ý kiến, hiến kế cho Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng luôn mong muốn Đảng, Nhà nước lắng nghe, thấu hiểu nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam Nguyễn Trọng Điều phát biểu tại Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức. 

 

Quả vậy, quá khứ, hiện tại và tương lai đều cho thấy, DN và doanh nhân chính là đội quân chủ lực trong quá trình chấn hưng kinh tế dân tộc. Quá khứ, hiện tại và tương lai đều cho thấy, DN và doanh nhân chính là đội quân chủ lực trong quá trình chấn hưng kinh tế dân tộc. Kế sách lớn nhất được giới doanh nhân đồng lòng đưa ra tại diễn đàn này là tạo điều kiện để DN phát triển và cùng với việc khuyến khích, tạo thuận lợi để phát triển DNNVV thì cần đẩy nhanh quá trình hình thành nhiều tập đoàn kinh tế…

 

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu và khát vọng, Việt Nam cần có được nhiều hơn nữa những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Hiện Việt Nam bắt đầu có một số tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn nhờ môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng được cải thiện. Một số tập đoàn tăng trưởng nhanh chóng, từ chỗ kinh doanh một vài sản phẩm, chuyển hướng sang kinh doanh đa ngành; từ chỗ chủ yếu làm giàu nhờ vào bất động sản, thương mại, chuyển sang làm giàu bằng công nghệ và dịch vụ chất lượng cao; từ kinh doanh chủ yếu ở trong nước đã đầu tư tại một số nước trở thành công ty xuyên quốc gia. Kinh tế tư nhân, trong đó có tập đoàn kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng tốc độ tăng trưởng, đổi mới công nghệ, hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng, nâng cao thu nhập của người lao động, cải thiện cuộc sống của các tầng lớp dân cư.

 

Niềm tin và khát vọng doanh nhân

 

Đại đa số chủ tịch các tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam đều có hoài bão, niềm tin và khát vọng xây dựng những thương hiệu mạnh không chỉ trên thị trường nội địa mà cả ở thị trường quốc tế. Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương đề ra mục tiêu đưa Thaco trở thành tập đoàn đa ngành, chủ yếu là ô tô của Việt Nam và mang tầm ASEAN. Còn Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bkav Nguyễn Tử Quảng tin tưởng: “Các nhà sản xuất nội địa có thể chiếm thị phần của các tập đoàn toàn cầu, là bệ phóng để vươn ra thị trường toàn cầu, hoàn toàn có thể trở thành những Samsung, LG như của Hàn Quốc”. Hay Chủ tịch Vingroup xác định sứ mệnh của tập đoàn là “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt Nam”.

 

Nhưng để các tập đoàn này lớn hơn, mạnh hơn, vươn ra quốc tế, và để có thêm nhiều hơn nữa những tập đoàn tư nhân, cần có chính sách hỗ trợ tập đoàn kinh tế xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới để không chỉ gia tăng nhanh chóng quan hệ thương mại và đầu tư, mà còn có thể tham gia đấu thầu quốc tế những dự án quy mô lớn.

 

Bên cạnh đó, là hoàn thiện luật pháp liên quan đến huy động vốn, tích tụ và tập trung vốn tạo hành lang phát lý cho hoạt động của tập đoàn; coi trọng đầu tư vốn để có công nghệ hiện đại nhằm tạo lập và quảng bá thương hiệu đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng. Đồng thời cần có khuyến khích DN đổi mới công nghệ... Đặc biệt, việc hợp tác theo chuỗi cung ứng sản phẩm trong nước và toàn cầu là điều kiện quan trọng để DN Việt Nam làm chủ thị trường trong nước, cạnh tranh thắng lợi trên thị trường thế giới.

 

Hiến kế cho DNNVV lớn lên, cho Việt Nam bắt kịp và phát triển trong cuộc CMCN 4.0, TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV thành phố Hà Nội đưa ra 4 khuyến nghị.

 

Thứ nhất, tăng cường, đẩy mạnh truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp: Hình thành Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo của thành phố; Hỗ trợ kinh phí để xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

 

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo: Hỗ trợ kinh phí đào tạo kiến thức chuyên sâu và kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo cho các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ huấn luyện viên, cố vấn và các cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố.

 

Thứ ba, phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo: Hỗ trợ và bố trí kinh phí để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ kinh phí ươm tạo các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại các cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung của Nhà nước hoặc tư nhân.

 

Thứ tư, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. 

 

Nhấn mạnh thế giới đang chạy đua chuyển đổi số để bước nhanh vào kỷ nguyên số hóa, CMCN 4.0 mà trọng tâm là chuyển đổi số tạo cơ hội cho các quốc gia, ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị LienViePostBank kiến nghị, Nhà nước cần sớm ban hành các luật, khung pháp lý trong các lĩnh vực liên quan đến đổi mới, sáng tạo để kiến tạo, khuyến khích, hỗ trợ cho sự phát triển ứng dụng công nghệ 4.0, tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển. Luật và các văn bản dưới luật cần phải đồng bộ, cụ thể, rõ ràng phù hợp cơ bản với thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng về chính sách cho các loại hình doanh nghiệp, loại bỏ các văn bản dưới luật cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ, địa phương có chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng công nghệ Việt Nam, sản phẩm Việt Nam chất lượng ứng dụng công nghệ cao…

 

Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản thành công một phần quan trọng nhờ ở những tập đoàn tư nhân lớn. Ở Mỹ có Amazon.com Google, Apple, Facebook … Theo Tạp chí Forbes, năm 2017, 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất nước như Mỹ sử dụng 28,2 triệu nhân viên, có doanh thu 12800 tỷ USD, đóng góp 2/3 GDP, lợi nhuận 1.000 tỷ USD, giá trị thị trường 21.600 tỷ USD. Hay sự thần kỳ của Nhật Bản vào thập niên 60 đến 80 của thế kỷ 20 có sự đóng góp to lớn của các tập đoàn như Sumitomo, Toyota, Honda, Mitsubishi...

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang