Thứ Sáu, 29/03/2024 04:10:26 GMT+7

Tin đăng lúc 13-08-2016

Lượt xem: 3348

Doanh nghiệp và nhà phân phối ‘bắt tay’ tiêu thụ hàng Việt

Các doanh nghiệp (DN) sản xuất muốn tiêu thụ sản phẩm tốt cần tìm hiểu nhu cầu thị trường, sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt, bao bì, mẫu mã phải hấp dẫn, có sự khác biệt và dễ nhận diện.
Doanh nghiệp và nhà phân phối ‘bắt tay’ tiêu thụ hàng Việt
Một gian hàng của DN tại triển lãm kết nối hàng Việt với các kênh phân phối. Ảnh: VGP/Lê Anh

 

Chiết khấu phải phù hợp

Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam, ngày 12/8 tại TPHCM, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức hội thảo-triển lãm kết nối hàng Việt với các kênh phân phối.

 

Tại hội thảo, ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH True Milk cho biết, hiện nay, việc kết nối với hệ thống siêu thị và các kênh phân phối còn có nhiều khó khăn, hạn chế như: Chi phí chiết khấu của các hệ thống siêu thị khá cao (từ 15-20%), chưa kể mỗi năm các hệ thống siêu thị đều đề nghị tăng mức chiết khấu. Bên cạnh đó, chi phí cho các nhãn hàng mới, chi phí mặt bằng tại hệ thống siêu thị cũng khá cao...

 

Ông Hải cho rằng, các siêu thị nên căn cứ tình hình kinh doanh của nhà cung cấp để đưa ra mức chiết khấu thương mại hợp lý, giảm thiểu khoảng cách giá bán giữa kênh siêu thị và kênh truyền thống.

 

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, bà Huỳnh Bảo Châu, Giám đốc marketing Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex  cho biết, mặc dù là DN lớn, sản phẩm chất lượng tốt, nhưng Công ty vẫn gặp khó khăn khi đưa hàng vào siêu thị, nhất là mức chiết khấu cao. Vì vậy, bà Châu cho rằng cần có quy định chung về việc tăng mức chiết khấu hằng năm cho các nhà phân phối.

 

Bên cạnh đó, các hiệp hội, ngành nghề cần phát huy vai trò của mình nhằm giải quyết các khó khăn của DN trước những chính sách phi lý mà nhà phân phối thực hiện.

 

Sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu thị trường

 

Là DN bán lẻ hàng đầu Việt Nam, với hơn 90% hàng hóa kinh doanh tại hệ thống là hàng Việt Nam,  trong nhiều năm qua, Saigon Co.op luôn ủng hộ và sẵn sàng giao lưu hợp tác với các cơ sở sản xuất, ngành hàng trong nước.

 

Bên cạnh đó, Saigon Co.op còn đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về nông thôn với tần suất trên 1.000 chuyến mỗi năm. Trong đó, 100% hàng hóa kinh doanh là hàng Việt với mức giảm giá hấp dẫn từ 5-40% nhằm giúp người tiêu dùng nông thôn được tiếp cận nhiều hơn với những sản phẩm mang thương hiệu Việt có chất lượng cao và giá cả phù hợp.

 

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op, dù siêu thị luôn ưu tiên cho các sản phẩm hàng Việt, nhưng không thể phủ nhận rằng, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập. 

 

Đơn cử là hàng nông sản, chỉ tính từ đầu năm tới nay doanh số bán hàng ngoại nhập tại hệ thống siêu thị Co.opmart đã tăng đến 40% so với cùng kỳ. Đây là thách thức lớn cho hàng Việt nếu không có sự đa dạng, cải tiến mẫu mã, chất lượng.

 

Theo ông Toàn, các DN sản xuất muốn tiêu thụ sản phẩm tốt cần tìm hiểu nhu cầu thị trường, chiếm lĩnh và duy trì thị trường bằng chính sách chất lượng, cải tiến công nghệ, giảm giá thành...

 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Hong Won Sik, Tổng Giám đốc Lotte Mart Việt Nam cho biết, hiện nay, Lotte Mart Việt Nam đang thực hiện giao dịch thương mại với khoảng  trên 1.500 DN, trong đó có khoảng 1.400 DN tại Việt Nam. Trên các quầy kệ của hệ thống Lotte Mart, tùy từng địa phương, tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 90%.

 

Để đưa hàng vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Lotte Mart, theo ông Hong Won Sik, các DN Việt Nam cần đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

 

Bên cạnh đó, các DN cần quan tâm đến xu hướng người tiêu dùng, sản xuất ra các sản phẩm có sự khác biệt với các sản phẩm cùng loại và phù hợp với thị hiếu người mua. Một yếu tố quan trọng nữa đó là bao bì, mẫu mã sản phẩm phải hấp dẫn, có sự khác biệt và dễ nhận diện.

 

 

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm giữa 6 nhà phân phối với hơn 40 DN sản xuất hàng Việt.

 

Các đơn vị phân phối thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ gồm: Lotte Mart Việt Nam (ký với 14 DN), Circke K (với 5 DN), Auchan (với 8 DN), Giant (8 DN), Aeon (2 DN), Co.opmart (5 DN).

 

 

Nguồn: Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang