Thứ Bẩy, 20/04/2024 07:21:26 GMT+7

Tin đăng lúc 30-01-2019

Lượt xem: 3666

Doanh nghiệp Việt: Chủ động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Thời gian gần đây, doanh nghiệp Việt đang dần phát triển quy mô và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhiều hơn, đồng thời, đặt ra điều kiện chặt chẽ về chuyển giao công nghệ trong quá trình hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp Việt: Chủ động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn rất lớn

Tỷ lệ tham gia tăng cao

 

Dù chỉ là một doanh nghiệp non trẻ nhưng kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ năm 2015, khi bắt đầu thành lập, Công ty Cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên đã dành một phần đầu tư lớn cho công nghệ nhằm sản xuất sản phẩm chất lượng. Nhờ đó, đến nay, chỉ sau 3 năm thành lập, Minh Nguyên đã trở thành nhà sản xuất linh kiện nhựa cung ứng cho nhiều ngành công nghiệp như hàng gia dụng kỹ thuật số, linh kiện điện tử, phụ tùng xe hơi… Đồng thời, trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung Việt Nam.


Đây chỉ là một trong nhiều minh chứng rõ nét về sự tham gia của doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo số liệu của Tập đoàn Samsung, năm 2014, Việt Nam có 4 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 1 của tập đoàn, thì đến thời điểm hiện tại, số nhà cung cấp cấp 1 tăng lên đến 29.

 

Bên cạnh đó, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó, khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của công ty đa quốc gia.

 

Tại một hội nghị về công nghiệp hỗ trợ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước dần được cải thiện, đáp ứng một bước tiến trình nội địa hóa của các ngành sản xuất. Cụ thể, 40-45% cho ngành dệt may, da giày; 10-20% cho sản xuất, lắp ráp ôtô dưới 9 chỗ; 15% cho điện tử tin học, viễn thông; 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao.

 

Nâng sức cạnh tranh

 

Dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng ông Ron Ashkin - Giám đốc dự án USAID Link SMS - cho rằng, điểm hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam là dù đã nỗ lực phát triển về quy mô nhưng phần lớn, vẫn mang quy mô nhỏ và vừa, năng suất hạn chế, công nghệ, kinh nghiệm, nhân lực, quản lý yếu. Để kết nối hiệu quả với chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp được khuyến cáo phải phân tích năng lực của chính mình để biết mình đang ở đâu, điểm mạnh, điểm yếu là gì? Người mua cần gì? Khả năng đáp ứng đến đâu… Bên cạnh đó, ưu tiên các việc cần làm và tập trung nguồn lực đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

 

Logistics là vấn đề rất được quan tâm do có vai trò quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp và là lĩnh vực doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có nhu cầu. Thế nhưng, doanh nghiệp logistics Việt Nam mới chỉ phục vụ được khoảng 20-25% nhu cầu, còn lại thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân do chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp logistics Việt Nam thiếu ổn định.

 

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu doanh nghiệp logistics hiểu và vận hành các hoạt động logistics một cách trơn tru sẽ đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, tận dụng được mọi lợi thế trong kinh doanh trước các đối thủ khác trên thị trường.

 

Khi các cam kết hội nhập có hiệu lực, ngày càng nhiều hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, linh kiện, phụ tùng của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc, Thái Lan hay Indonesia.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang