Thứ Sáu, 19/04/2024 15:48:08 GMT+7

Tin đăng lúc 09-06-2020

Lượt xem: 2250

Doanh nhân trẻ Phạm Ngọc Anh Tùng và hành trình đưa nông sản Việt lên sàn TMĐT

Lăn lộn cùng với ruộng đồng, với nông dân cộng thêm những nền tảng về tự động hóa học được từ trường Bách Khoa, Phạm Ngọc Anh Tùng đang từng bước góp phần đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử.
Doanh nhân trẻ Phạm Ngọc Anh Tùng và hành trình đưa nông sản Việt lên sàn TMĐT
Phạm Ngọc Anh Tùng - nhà sáng lập FoodMap

Phạm Ngọc Anh Tùng là cái tên không lạ với giới công nghệ Việt Nam. Anh từng được mệnh danh là chàng trai robot với nhiều sáng chế. Bẵng đi ít năm, bỗng thấy Tùng xuất hiện với một diện mạo khác lạ, nhà sáng lập Công ty Foodmap chuyên về đặc sản Việt Nam.

 

Lương duyên tiền định

 

Phạm Ngọc Anh Tùng học chuyên ngành điện tử - tự động hóa tại Đại học Bách Khoa TPHCM. Năm học thứ 3, anh quyết định rời trường để theo đuổi đam mê trong lĩnh vực ứng dụng tự động hóa vào nông nghiệp cho các tập đoàn.

 

Cái duyên với nông nghiệp đã đưa anh đến với vai trò Giám đốc Cầu Đất Farm Đà Lạt trong 3 năm. "Ba năm học tập và trưởng thành trong môi trường thuần nông nghiệp, có cơ hội làm và tìm hiểu dưới góc nhìn vừa là nhà quản lí, vừa trực tiếp sản xuất, vừa thu mua, vừa phân phối và xuất khẩu đã cho tôi kinh nghiệm về đâu đó ngành và từ đó yêu, gắn bó luôn với nông nghiệp. 3 năm trải nghiệm ấy là cơ hội quý giá mà không phải người trẻ nào ở tuổi 25 đều có thể có được", anh Phạm Tùng chia sẻ.

 

Rời Cầu Đất Farm, anh Phạm Tùng có hơn một năm đi tới nhiều quốc gia trên thế giới, tham quan các mô hình nông nghiệp, lang thang ở các siêu thị lớn. Anh tới nhiều nơi nhưng hầu như không thấy bóng dáng thực phẩm, nông sản của Việt Nam.

 

Những suy nghĩ, trăn trở, cộng với "máu" tự động hóa sẵn, những trải nghiệm của bản thân trong nông nghiệp và tiềm năng của ngành đã thúc đẩy anh Phạm Tùng thành lập ra FoodMap.

 

Mô hình FoodMap là “From farm to table: two sides - one chain - one platform” (đưa đặc sản từ vườn tới thẳng bàn ăn, bớt trung gian, để người nông dân và người tiêu dùng đều có lợi nhất). Trong bối cảnh câu chuyện đưa trái cây, rau quả Việt lên sàn thương mại điện tử vẫn còn mới, còn nhiều điều phải làm tại Việt Nam, thông qua nền tảng này, sợi dây kết nối giữa hai đầu sản xuất và tiêu dùng được thắt chặt gần nhau hơn. Mong muốn của nhà sáng lập là cắt bớt các khâu trung gian và xây dựng một sàn nông sản đáng tin cậy cho người tiêu dùng với những thông tin minh bạch, rõ ràng.

 

Theo suy nghĩ của nhà sáng lập FoodMap, bài toán khó nhất của trong nông nghiệp Việt Nam không phải quy trình sản xuất, không phải là phân phối hay dư lượng chất bảo vệ thực vật trong nông sản… mà nằm trong 2 "key words" tối quan trọng: đầu ra.

 

"Nghĩa là phải bán được hàng cho nông dân, có đầu ra cho sản phẩm của họ. Nếu không giải quyết được đầu ra, mối quan hệ với người nông dân chỉ giống như lâu đài trên cát", anh Phạm Tùng chia sẻ.

 

Anh Tùng cũng chia sẻ, quan điểm của các thành viên FoodMap là không có Giải cứu nông sản. FoodMap và nhà sản xuất, người nông dân cùng mang lại những giá trị cho nhau và cùng nhau xây dựng những câu chuyện thật, sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng.

 

Tùng nói: “Mỗi chiến dịch được khởi động từ FoodMap là một câu chuyện thực tế, ý nghĩa giúp người tiêu dùng hiểu hơn về người nông dân, hiểu hơn sản phẩm họ sử dụng. Người tiêu dùng luôn mong muốn sử dụng những sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lí. Thế nên không có lí do gì mà nhà sản xuất chất lượng lại không bán được hàng. Vấn đề ở đây là cần một giải quyết bằng một phương pháp mới, linh hoạt và sáng tạo hơn".

 

Đưa nông sản Việt lên "sàn"

 

Anh Tùng Phạm cho biết, FoodMap hiện nay đang làm việc với 2 nhà cung cấp. Thứ nhất là các nhà cung cấp có tên tuổi sẵn, có thương hiệu sẵn. Thứ hai, là các nhà sản xuất không có tên tuổi, ví dụ như nông dân. Với các sản phẩm chưa có tên tuổi nhưng chất lượng tốt, FoodMap sẽ làm thương hiệu riêng như Nông sản Tốt lành để bán cho các đại lý, cửa hàng tiện lợi, siêu thị…

 

Mới đây, FoodMap trở thành cánh tay nối dài với nông dân, khi hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki.

 

"Tuy nhiên, sàn nông sản vẫn còn là câu chuyện mới ở Việt Nam nên FoodMap vẫn còn đang thận trọng", Tùng chia sẻ và bật mí, FoodMap cũng đang xúc tiến để đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử quốc tế Amazon.

 

Nhà sáng lập FoodMap có sự tin tưởng lạc quan vào việc xuất khẩu nông sản có thương hiệu Việt trong tương lai và anh tin điều trên có cơ sở.

 

Việt Nam đang xuất khẩu nhiều sản phẩm thô. Và trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ chuyển sang xuất khẩu các sản phẩm có thương hiệu, có giá trị hơn. "Thương mại điện tử đang thuận tiện hơn. Nhiều người trẻ có kiến thức về công nghệ thông tin đang tham gia vào nông nghiệp hơn. Nông sản Việt đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới nhưng người ta không biết đó là sản phẩm từ Việt Nam. Và điều này sẽ dần thay đổi", anh Phạm Tùng chia sẻ.

 

Nhà sáng lập FoodMap tin rằng nông sản Việt sẽ đi xa hơn vì 4 yếu tố sau: việc truy xuất nguồn gốc đang được thực hiện và làm được tốt điều này, giá trị nông sản sẽ tăng lên; thị trường nội địa cho nông sản sẽ đi lên vì rõ ràng, người Việt đang nhận thấy những sản phẩm nông nghiệp trong nước rất tốt và muốn mua đồ trong nước; chính sách dành cho nông nghiệp sẽ cởi mở hơn. Ngoài du lịch và IT thì nông nghiệp là ngành rất tiềm năng của Việt Nam; nguồn vốn dành cho nông nghiệp ngày càng nhiều, từ nguồn vốn trong nước đến FDI.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang