Thứ Năm, 28/03/2024 21:19:36 GMT+7

Tin đăng lúc 06-10-2018

Lượt xem: 1017

Đồng chí Đỗ Mười và cuộc đấu tranh kiềm chế, đẩy lùi lạm phát

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 23 giờ 12 phút ngày 1 tháng 10 năm 2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết: "Anh Đỗ Mười và cuộc đấu tranh kiềm chế và đẩy lùi lạm phát (1988-1989)" của nguyên quyền Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước Nguyễn Thượng Hòa.
Đồng chí Đỗ Mười và cuộc đấu tranh kiềm chế, đẩy lùi lạm phát
Hình ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - Ảnh: TTXVN

Từ tháng 10/1956, khi được Đảng điều về làm Thứ trưởng Bộ Nội thương, anh Đỗ Mười rất quan tâm lĩnh vực kinh tế. Một trong những vấn đề anh thường xuyên yêu cầu chúng tôi báo cáo là tình hình thị trường, giá cả và những biện pháp bình ổn giá, đặc biệt là vấn đề cân đối ba mặt: Tiền tệ - tài chính - hàng hóa (lúc đó thường gọi là kim - tài - mậu).

Dưới sự chỉ đạo của anh, ngành thương nghiệp đã cùng với các ngành tài chính, ngân hàng tích cực đấu tranh bình ổn giá có kết quả trong suốt thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sau kháng chiến chống thực dân Pháp (1955-1960).

Bẵng đi một thời gian, được Đảng trao các trọng trách khác từ đầu những năm 1980, anh lại trở lại với công tác kinh tế trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách khởi công nghiệp - xây dựng - vật tư - tài chính - tiền tệ - vật giá - nội, ngoại thương. Một điều khiến anh luôn luôn lo lắng là tình hình giá cả tăng cao, bắt đầu có biểu hiện lạm phát. Anh làm việc ngày đêm với các đồng chí phụ trách các ngành, các địa phương để thúc đẩy sản xuất, tăng nguồn hàng cung ứng cho thị trường, đôn đốc việc tiếp nhận nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư nhập khẩu và cung ứng cho các ngành sản xuất, chỉ đạo hằng ngày việc thu mua nguồn hàng trong nước và cung ứng cho thị trường, công tác tài chính, ngân hàng, vật giá. Kết quả là từ năm 1981 đến năm 1985, giá hằng tháng chỉ tăng ở mức 3-5%.

Từ tháng 6/1988, khi đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, điều anh trăn trở nhất là làm sao khắc phục được lạm phát đã tới mức độ phi mã.

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Nhà nước đã tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiềm chế và đẩy lùi lạm phát như:

- Điều chỉnh cơ cấu đầu tư, kiên quyết giảm đầu tư vào các công trình xây dựng cơ bản quy mô lớn, thời gian xây dựng kéo dài, chậm phát huy hiệu quả.

- Điều chỉnh cơ cấu kinh tế, giảm xây dựng công nghiệp nặng, tập trung sức thực hiện 3 chương trình kinh tế: Sản xuất nông nghiệp, hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.

- Thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, giải phóng sức sản xuất, phát triển mạnh mẽ nền kinh tế hàng hóa có kế hoạch, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển kinh doanh làm ra nhiều của cải cho xã hội và tạo thêm được nhiều việc làm cho nhân dân.

- Đối với các doanh nghiệp nhà nước thì ban hành Quyết định số 217 của Hội đồng Bộ trưởng xóa bỏ cơ chế hành chính bao cấp, mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở trong sản xuất, kinh doanh.

- Đối với nông nghiệp thì Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 tổ chức lại sản xuất nông nghiệp dựa trên cơ sở các hộ nông dân được giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài (thường gọi là khoán 10).

- Xóa bỏ tình trạng chia cắt thị trường, khôi phục giao lưu hàng hóa (kể cả lúa gạo) trên phạm vi cả nước. Mở rộng quyền hoạt động ngoại thương cho các tỉnh, thành phố.

- Thực hiện từng bước cải cách giá, áp dụng chế độ giá kinh doanh Nhà nước không bù lỗ bù giá, đưa dần giá chỉ đạo của Nhà nước lên sát giá thị trường, trên cơ sở đó từng bước xóa bỏ chế độ hai giá.

Tuy nhiên, giá thị trường vẫn tăng mạnh, tới 300-400% rồi gần 500% một năm, tức là đã xấp xỉ mức siêu lạm phát. Hỏi ý kiến các chuyên gia của khối SEV thì các bạn cho biết các nước xã hội chủ nghĩa lúc đó cũng đang lâm vào tình trạng lạm phát, chưa tìm được cách khắc phục. Chuyên gia của các thể chế tài chính quốc tế thì nói là Việt Nam phải có 3 tỷ USD để cân đối tài chính tiền tệ nhưng nước ta khi đó không có đủ.

Còn các chuyên gia kinh tế trong nước, người thì đề xuất phương án phát hành "đồng tiền nặng" được bảo đảm bằng vàng để thay thế dần đồng tiền mất giá hiện hành, người thì đưa ra thuyết "dĩ độc trị độc, lấy lạm phát để trị lạm phát". Nhưng anh Đỗ Mười cho rằng những giải pháp này đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Làm như vậy là Nhà nước hủy bỏ đồng tiền hiện hành, khiến nhân dân mất trắng số tiền đang nắm giữ và sẽ phản đối.

Đi sâu nghiên cứu tình hình kinh tế-tài chính, anh rút ra kết luận: Lạm phát ở nước ta có nguyên nhân do hậu quả của chiến tranh, song chủ yếu là do những yếu kém về tổ chức và quản lý kinh tế - xã hội dẫn đến những mất cân đối lớn trong nền kinh tế. Những biện pháp mà Đảng và Nhà nước đã thực hiện tuy có cải thiện được một bước tình hình kinh tế nhưng vẫn còn những mất cân đối rất quan trọng trực tiếp gây ra lạm phát chưa được khắc phục. Đó là:

- Mất cân đối cung cầu hàng hóa: Việc thực hiện 3 chương trình: Sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là lương thực), sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất hàng xuất khẩu, tuy có làm tăng thêm lượng hàng hóa sản xuất ra, nhưng hàng hóa trên thị trường vẫn khan hiếm, vì phần lớn hàng hóa sản xuất ra được đưa vào cung cấp theo tem phiếu, một số loại hàng dành để xuất khẩu theo các hiệp định của khối SEV như hàng may mặc, giày dép, rượu, thuốc lá,... lượng đưa ra bán ở thị trường không đáng kể.

Vật tư cho sản xuất như xăng dầu, kim khí, phân hóa học, bông sợi, hóa chất nhập khẩu từ các nước xã hội chủ nghĩa không đáp ứng nhu cầu. Việc nhập bổ sung từ các nước ngoài xã hội chủ nghĩa bị hạn chế do thiếu ngoại tệ mạnh. Đại bộ phận vật tư lại được đưa vào cung cấp theo kế hoạch cho các doanh nghiệp nhà nước, phân bón thì đưa vào hợp đồng 2 chiều để trao đổi thóc lúa với nông dân, phần đưa ra thị trường bán cho các cơ sở sản xuất tư nhân rất ít.

Mặt khác, ta lại tự làm khó ta bằng những quy định hạn chế ngặt nghèo việc nhập khẩu qua đường phi mậu dịch của cán bộ, chuyên gia ra nước ngoài công tác, sinh viên và người Việt lao động ở nước ngoài đem theo khi về nước, hạn chế Việt kiều gửi hàng hóa và ngoại tệ về nước cho thân nhân.

- Mất cân đối thu chi tài chính: Do sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả mà thu nhập quốc dân tăng chậm, mức động viên cho ngân sách thấp, lại bị thất thu nhiều, nhất là thuế. Ngược lại yêu cầu chi rất lớn mà đại bộ phận là các khoản bao cấp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước, chi bù lỗ xuất, nhập khẩu, chi hỗ trợ hàng cung cấp theo tem phiếu, chi lương cho công nhân, viên chức nhà nước và trợ cấp theo các chính sách xã hội... Hậu quả là ngân sách nhà nước bội chi ngày càng lớn và Nhà nước phải yêu cầu ngân hàng phát hành thêm tiền mặt cho ngân sách vay để bảo đảm cân đối thu chi ngân sách.

- Mất cân đối giữa nhập khẩu và xuất khẩu và giữa thu chi ngoại hối. Nguyên nhân chính là tỷ giá ngoại hối bất hợp lý, Nhà nước định giá ngoại tệ quá thấp so với giá trị thực trên thị trường. Hậu quả là xuất khẩu thường bị lỗ lớn, Nhà nước phải trợ giá xuất khẩu, ngược lại giá bán hàng nhập khẩu lại quá rẻ khiến Nhà nước thất thu rất lớn. Hằng năm ngân sách nhà nước phải bù lỗ rất lớn cho xuất nhập khẩu.

Cũng do tỷ giá ngoại hối bất hợp lý nên hằng năm yêu cầu Nhà nước cấp ngoại tệ để nhập khẩu vật tư, hàng hóa thiết yếu rất lớn, trong khi ngoại tệ các doanh nghiệp xuất khẩu thu được thì doanh nghiệp chiếm dụng phần lớn, số kết nối cho ngân sách rất ít.

- Mất cân đối giữa tín dụng và huy động vốn vào ngân hàng. Do lãi suất tín dụng quá thấp và giữ nguyên trong một thời gian dài trong khi giá cả thị trường tăng ngày càng cao đã khiến lãi suất của ngân hàng trên danh nghĩa là "dương" nhưng trên thực tế là "âm". Vì vậy từ doanh nghiệp nhà nước đến tập thể, tư nhân đều đổ xô vào vay vốn của ngân hàng, bởi vay được càng nhiều càng có lợi do đồng tiền mất giá. Đầu năm vay 1 triệu đồng, cuối năm số tiền phải trả nợ ngân hàng giá trị thực tế chỉ còn khoảng 200.000 - 300.000 đồng.

Có chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nói với anh Đỗ Mười: "Đầu năm hợp tác xã vay tiền ngân hàng để mua cả con trâu, đến cuối năm số tiền phải trả nợ ngân hàng chỉ bằng đuôi trâu". Ngược lại, do lãi suất tiền gửi vào ngân hàng thực tế "âm" nên không ai chịu gửi tiền vào ngân hàng vì chỉ một thời gian sau, đồng tiền mất giá thì gần như mất trắng số tiền gửi. Nhân dân không còn tin tưởng vào giá trị đồng tiền. Người có nhiều tiền đều đem mua vàng và hàng có giá trị để cất giữ trong gia đình. Các doanh nghiệp cũng không gửi tiền chưa dùng đến vào ngân hàng mà đem mua tư liệu sản xuất để cất giữ.

Vì vậy, mất cân đối giữa tín dụng của ngân hàng và vốn mà ngân hàng huy động được ngày càng nghiêm trọng. Ngân hàng phải phát hành thêm tiền mặt để cho vay. Lượng tiền mặt trên thị trường tăng rất nhanh, có năm tăng tới 300 - 400%.

Tác động cộng hưởng của các mất cân đối trên đây dẫn tới hậu quả là: Mất cân đối tiền, hàng ngày càng nghiêm trọng. Tiền ra khiến sức mua bằng tiền của xã hội tăng. Ngược lại, nguồn cung hàng hóa cho xã hội tuy có tăng do các chính sách thúc đẩy sản xuất của Đảng và Nhà nước nhưng vẫn thấp xa so với nhu cầu xã hội bằng tiền. Tiền nhiều mà hàng ít thì giá cả bị đẩy lên. Giá lên làm tăng nhu cầu tiền lưu thông, buộc ngân hàng phải phát hành thêm tiền. Tiền ra thêm lại đẩy giá lên. Đó là cái vòng luẩn quẩn xoáy trôn ốc làm cho lạm phát ngày càng nghiêm trọng, vì chỉ số lạm phát luôn luôn tương ứng với chỉ số phát hành tiền mặt.

Từ những nhận định lên, anh Đỗ Mười đã tập trung giải quyết năm vấn đề mà anh cho là những nguyên nhân trực tiếp chủ yếu gây ra lạm phát:

- Tiếp tục khắc phục mất cân đối cung cầu hàng hóa;

- Khắc phục mất cân đối thu chi ngân sách;

- Khắc phục những bất hợp lý trong chính sách xuất nhập khẩu và chính sách ngoại hối;

- Khắc phục mất cân đối trong thu chi tiền mặt của ngân hàng, mất cân đối giữa tiền và hàng.

- Xử lý quan hệ giữa giá và lương đi đôi với việc tiếp tục xóa bỏ giá bao cấp, thực hiện chính sách một giá theo giá bảo đảm kinh doanh.

1. Để tiếp tục khắc phục mất cân đối cung cầu hàng hóa

Tháng 2/1989, anh Đỗ Mười bảo tôi sang bàn với đồng chí lãnh đạo Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tìm mọi cách đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước, tạo nên một quỹ hàng hóa để ứng phó với những biến động về cung cầu hàng hóa có thể xảy ra khi thực hiện những biện pháp quyết liệt chống lạm phát.

Để tăng thêm nguồn hàng, anh yêu cầu Bộ Ngoại thương xóa bỏ những quy định không hợp lý về nhập khẩu phi mậu dịch, không những cho phép mà còn khuyến khích cán bộ, chuyên gia, học sinh, sinh viên, lao động ở nước ngoài, Việt kiều khi trở về nước đem hàng về càng nhiều càng tốt, Nhà nước không đánh thuế, không thu mua.

2. Về xuất nhập khẩu và ngoại tệ

Tháng 3/1989, Nhà nước xóa bỏ chế độ hai tỷ giá song hành: bỏ tỷ giá chính thức (lúc đó là 3.500đ/USD, thấp hơn gần 25% so với tỷ giá trên thị trường (4.550đ/USD); thực hiện một tỷ giá ngoại tệ duy nhất được vận dụng linh hoạt theo diễn biến tỷ giá được hình thành trên thị trường qua hoạt động xuất nhập khẩu. Kinh doanh xuất nhập khẩu phải lấy xuất khẩu để thanh toán nhập khẩu, ngân sách không trợ cấp xuất khẩu, không bù lỗ nhập khẩu. Mở rộng quyền hoạt động xuất nhập khẩu cho các tỉnh, thành phố để phát huy khả năng xuất nhập khẩu của các địa phương và tăng nhập khẩu tư liệu sản xuất và những hàng tiêu dùng đem lại nguồn thu cho ngân sách.

Ngoài việc xóa bỏ hai tỷ giá song hành và quy định người được nhận kiều hối phải nộp thuế và bán cho Nhà nước một phần theo tỷ giá chính thức, Nhà nước còn khuyến khích kiều bào ở nước ngoài gửi kiều hối về nước càng nhiều càng tốt. Nhà nước không mua, không đánh thuế.

3. Về tiền tệ và tín dụng

Thực hiện chính sách lãi suất mới trong việc huy động vốn và trong việc cho vay của ngân hàng. Chuyển từ lãi suất thực "âm" sang lãi suất thực "dương" theo nguyên tắc: Lãi suất danh nghĩa hằng tháng được xác định trên cơ sở chỉ số lạm phát bình quân hằng tháng của quý trước cộng với tỷ lệ lãi cơ bản mà người gửi tiền vào ngân hàng được hưởng, người vay tiền của ngân hàng phải chịu. Lãi suất này được điều chỉnh theo sự thay đổi của chỉ số lạm phát từng quý.

Tháng 4/1989, căn cứ vào chỉ số lạm phát bình quân hằng tháng quý IV năm 1988 là 7%, lãi suất mới được quy định như sau:

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng kỳ hạn 3 tháng là 12% một tháng (tức là bằng chỉ số lạm phát 7% cộng với lãi suất cơ bản (thực lãi) 5%). Nếu gửi không kỳ hạn thì lãi suất là 9% một tháng, tức là bằng chỉ số lạm phát 7% cộng với thực lãi 2%.

- Lãi suất tiền vay ngân hàng được nâng lên 10-11%, tức là bằng chỉ số lạm phát cộng với thực lãi mà người vay phải trả cho ngân hàng là 3 - 4%.

Ngân hàng phải quản lý chặt chẽ việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước, giảm tín dụng cho Nhà nước để bù đắp bội chi ngân sách.

Tổ chức lại hệ thống ngân hàng, bao gồm Ngân hàng Nhà nước làm chức năng quản lý nhà nước và nhiều ngân hàng chuyên doanh hoạt động bằng vốn tự thu hút trong xã hội theo nguyên tắc hạch toán kinh doanh có lãi.

Ngân hàng phải thu hút vốn từ xã hội để bảo đảm nhu cầu tín dụng, hạn chế việc phát hành thêm tiền mặt ra thị trường.

4. Về giá và lương

Đưa toàn bộ giá hàng tiêu dùng và tư liệu sản xuất của Nhà nước lên sát giá thị trường.

So với mức giá bán cung cấp quy định tháng 10/1987 thì mức giá bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu tháng 7/1989 tăng từ 8 đến 14 lần. Thí dụ: Giá 1 kg gạo từ 50 đồng lên 578 đồng; giá 1 lít dầu hỏa từ 60 đồng lên 700 đồng; giá 1 lít nước mắm từ 85 đồng lên 668 đồng; giá 1 kg đường kết tinh từ 260 đồng lên 2.105 đồng, giá 1 kg xà phòng giặt từ 240 đồng lên 2.100 đồng.

Việc điều chỉnh giá bán tư liệu sản xuất được tiến hành chậm hơn giá bán hàng tiêu dùng: Tháng 6/1989, vẫn còn giữ chế độ bán hai giá (giá cung cấp và giá bán lẻ sát giá thị trường), đến quý IV-1990, mới bán bình thường theo một giá thống nhất sát giá thị trường. Mục đích là để các doanh nghiệp có thời gian áp dụng các biện pháp thích ứng với mức giá đầu vào mới trên cơ sở giá ở đầu ra đã được điều chỉnh trước.

Giá bán lẻ hàng tiêu dùng được điều chỉnh tăng lên ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cán bộ, công nhân, viên chức. Để bảo đảm lợi ích của cán bộ, công nhân, viên chức, tiền lương được điều chỉnh lên, không những đủ bù lại tác động của việc tăng giá hàng mà còn có cải thiện một phần đời sống của họ: Tiền lương tối thiểu được nâng gấp 4 lần, tổng quỹ tiền lương được tăng lên gấp 5 lần so với năm 1988.

Những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt này khi đưa ra đã gây những phản ứng của cả các nhà kinh tế và các doanh nghiệp. Trước tình hình đó, anh Mười rất thận trọng. Anh cử một đoàn cán bộ gồm: Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước xuống Hải Phòng làm thí điểm. Kết quả cho thấy, việc thực hiện các biện pháp trên không gây ra những rối loạn kinh tế - xã hội như có ý kiến lo ngại. Trên cơ sở đó, anh đề nghị Hội đồng Bộ trưởng áp dụng trên phạm vi cả nước.

Kết quả thật đáng phấn khởi:

- Lạm phát bị chặn đứng, chỉ số giá từ tháng 5 đến tháng 7/1989, giảm so với các tháng trước, có tháng chỉ số là âm: tháng 4 giảm 1% so với tháng 3; tháng 5 giảm 2% so với tháng 4. Tiếp đó, do lạm phát tiếp tục giảm trong tháng 6 và tháng 7, 8, 9, ngân hàng đã hai lần điều chỉnh lãi suất xuống cho phù hợp với chỉ số lạm phát nhưng vẫn bảo đảm người gửi tiền được hưởng lãi suất cơ bản.

- Cung cầu hàng hóa trên thị trường cân đối hơn. Hàng ra thị trường nhiều hơn việc mua bán trên thị trường thoải mái, nhu cầu giả tạo giảm hẳn, sức mua xã hội có phần chậm lại vì các gia đình đem các hàng tích trữ ra dùng thay vì phải mua theo giá mới. Việc xóa bỏ bao cấp ở đầu vào (vật tư, nguyên liệu, vốn) cho các doanh nghiệp nhà nước, tuy lúc đầu có làm cho một số doanh nghiệp lúng túng nhưng họ cũng nhanh chóng ứng phó được bằng cách đưa các vật tư găm trữ trước kia ra sử dụng, thậm chí còn bán bớt các vật tư chưa cần dùng để có thêm vốn hoạt động, khỏi phải vay ngân hàng với lãi suất cao.

- Yêu cầu tín dụng của các doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh: Năm 1988, yêu cầu tín dụng Ngân hàng tăng 350% so với 1987. Trong 6 tháng đầu năm 1989, chỉ tăng 58% so với cả năm 1988.

Ngược lại, tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh: Số dư tiền gửi tiết kiệm đến tháng 6-1990 tăng 15,6% so với tháng 12/1988, thể hiện sự tin tưởng trở lại vào đồng tiền Việt Nam.

Ngân hàng có thêm vốn hoạt động để đáp ứng nhu cầu tín dụng trong xã hội, thậm chí có thể cung ứng thêm tiền mặt cho thị trường mà không đẩy giá lên gây lạm phát như các năm trước.

- Nhân dân phấn khởi. Nền kinh tế tránh được thảm họa lạm phát phi mã, vững bước tiến lên thực hiện đường lối đổi mới của Đại hội VI của Đảng. Các chuyên gia kinh tế nước ngoài vô cùng ngạc nhiên và hết lời ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam đã dũng cảm thực hiện những cải cách cơ bản, nhất là việc xóa bỏ bao cấp gạo, việc thực hiện một tỷ giá ngoại tệ duy nhất trên cơ sở tỷ giá hình thành trên thị trường (mà họ gọi là "phá giá đồng tiền Việt Nam"), việc chuyển đổi từ lãi suất thực "âm" sang lãi suất thực "dương" mà không gây xáo trộn kinh tế, chính trị, xã hội.

Trong những tháng sau đó, chỉ số giá có tăng trở lại, nhưng mức độ tăng thấp hơn nhiều. Đó là do tài chính phải chi những khoản rất lớn cho an ninh, quốc phòng để rút quân khỏi Campuchia và giảm quân số, cho xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế (điện, giao thông vận tải...) để tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn đầu tư của nước ngoài (FDI, ODA), cho xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, phát triển dịch vụ xã hội, để trả nợ đến hạn và lãi tiền vay nước ngoài. Ngược lại, nguồn thu lại gặp những khó khăn mới, như không còn nguồn viện trợ, nguồn vay và nguồn nhập khẩu vật tư chiến lược (xăng dầu, kim khí, phân hoá học) với giá ưu đãi từ Liên Xô. Cho nên ngân sách lại tiếp tục bội chi và lại phải tiếp tục vay ngân hàng, ngân hàng lại phải phát hành thêm tiền để cân đối ngân sách.

Chỉ từ năm 1992 trở đi, khi nền kinh tế phát triển, GDP tăng, đời sống nhân dân được nâng cao dần, tỷ lệ huy động GDP cho ngân sách tăng lên; mặt khác, có thêm nguồn thu mới từ dầu thô, xuất khẩu gạo, vay và viện trợ nước ngoài mới chấm dứt được việc ngân sách phải vay ngân hàng và cơ bản khắc phục được lạm phát.

Rút kinh nghiệm cuộc đấu tranh chống lạm phát, anh Đỗ Mười nêu lên một số điểm:

1. Phải tự mình đi sâu nghiên cứu tình hình để tìm ra những chủ trương, biện pháp thích hợp, không giáo điều máy móc vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài.

Cần phân tích tổng hợp các nguyên nhân - nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp. Phải thấy lạm phát xảy ra là do tác động tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là những yếu kém về tổ chức và quản lý kinh tế - xã hội dẫn tới kìm hãm sức sản xuất xã hội, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, kế hoạch không gắn sản xuất với thị trường, không tôn trọng quy luật giá trị và không vận dụng các đòn bẩy kinh tế, gây ra những mất cân đối nghiêm trọng trong nền kinh tế.

2. Lạm phát là một tai họa lớn, tác động đến toàn bộ nền kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, làm đảo lộn đời sống mọi tầng lớp nhân dân, làm chậm lại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Cho nên chống lạm phát là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, quyết liệt, gian khổ.

Đã là đấu tranh cách mạng thì phải dùng những biện pháp xử lý có tính chất cách mạng. Vấn đề hàng đầu là phải động viên được đông đảo nhân dân tham gia. Muốn vậy phải có chính sách đúng, được nhân dân đồng tình ủng hộ, phải biết dùng lợi ích để lôi cuốn nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo thành động lực thúc đẩy cuộc đấu tranh cách mạng tiến tới mạnh mẽ. Việc nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên 12% là một ví dụ điển hình: Trong khi chỉ số lạm phát là 7% một tháng, với lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12%, nhân dân thấy gửi tiền vào ngân hàng vừa bảo đảm được giá trị tiền gửi vừa có lợi thêm 5% nên đã ồ ạt gửi tiền vào ngân hàng.

Một ví dụ khác: Khi Nhà nước sửa đổi chính sách đối với nhập khẩu phi mậu dịch, hàng từ nước ngoài đem về rất nhiều, hầu hết là hàng mà nhân dân trong nước rất cần như tân dược, vải vóc, đồ điện tử... Người đem hàng về phấn khởi vì có thêm thu nhập, nhân dân cũng phấn khởi vì có hàng để mua. Số lượng kiều hối gửi về cũng tăng gấp nhiều lần. Đối với nông dân, việc nâng giá mua lúa lên sát giá thị trường khiến nông dân phấn khởi, bán gần triệu tấn lúa cho Nhà nước, nhờ đó Nhà nước không còn phải nhập khẩu gạo mà vẫn có lực lượng để bình ổn giá thị trường, ngoài ra có gạo để xuất khẩu.

3. Chống lạm phát phải tiến hành toàn diện, đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ các biện pháp. Tùy tình hình diễn biến mà kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Phải đặt thành trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, tạo ra sự nhất trí quyết tâm cao. Đây là bài học rút ra được từ hai cuộc cải cách giá năm 1981 và năm 1985.

Những biện pháp chống lạm phát áp dụng đầu năm 1989 rất táo bạo, quyết liệt. Nhưng nhờ có anh Đỗ Mười vừa là người chịu trách nhiệm cao nhất, vừa là người có đầy đủ quyền hạn để ra những quyết định cần thiết, kịp thời, cộng với sự chỉ đạo rất tập trung, rất cụ thể, đề cao kỷ cương, kỷ luật nên cuộc đấu tranh chống lạm phát đã giành được thắng lợi tốt đẹp.

 

Nguồn Chinhphu


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang