Thứ Sáu, 19/04/2024 16:51:56 GMT+7

Tin đăng lúc 20-02-2016

Lượt xem: 3093

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Liên tục bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khiến doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh đó, Thương vụ Việt Nam tại đây đã luôn sát cánh với doanh nghiệp để cùng bảo vệ thị phần hàng Việt tại quốc gia này.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Khách thăm và dùng thử cà phê tại gian hàng Việt Nam - Lễ hội cà phê Istanbul 2015

Xuất khẩu giảm “phong độ”

 

Nằm ở vị trí cửa ngõ của châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Song theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2015 đạt 1,35 tỷ USD, giảm 9,87% so với kim ngạch của năm 2014. Ngược lại, nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ lại tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước khi đạt 149 triệu USD, đưa tổng kim ngạch thương mại hai chiều  đạt 1,638 tỷ USD, giảm 7,9% năm 2014. Như vậy, dù sụt giảm kim ngạch XK nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức rất cao là 1,209 tỷ USD.

 

Các mặt hàng XK chính của Việt Nam sang thị trường này gồm: điện thoại di động (670 triệu USD); xơ sợi (168 triệu USD); máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện (129,5 triệu USD); dệt may (38 triệu USD)…. Trong đó, điện thoại di động đóng góp tới 49,3% kim ngạch xuất khẩu. Dù vẫn tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên mặt hàng này đã có dấu hiệu chậm lại, giảm 5,26% so với cùng kỳ và không thể bù đắp cho sự đi xuống về kim ngạch của các mặt hàng khác.

 

Nhìn lại thời gian qua, do ảnh hưởng của biến động địa chính trị cùng với tình hình kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng chậm và bất ổn; nhiều biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và kiềm chế nhập khẩu được áp dụng quyết liệt; một số nước cạnh tranh XK với Việt Nam đã ký kết FTA với Thổ Nhĩ Kỳ… đã làm hàng Việt Nam khó vào “sân chơi” này. 

 

 

Hội nghị doanh nghiệp tại Phòng TM và CN Aksaray

 

Chung sức cùng vượt khó

 

Thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước liên tục áp dụng các biện pháp PVTM để “làm khó” hàng Việt. Tiêu biểu, mặt hàng XK chủ lực hàng đầu của Việt Nam là điện thoại di động đang bị điều tra tự vệ. Mặt hàng chủ lực lớn thứ hai là xơ sợi đã bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) từ tháng 8/2014 với một số chủng loại xơ sợi ngắn và tiếp tục bị khởi động điều tra CBPG thêm với một số chủng loại xơ sợi dài khác. Hai sự vụ này đã tác động tiêu cực tới kim ngạch XK của Việt Nam, làm sụt giảm kim ngạch mặt hàng xơ sợi năm 2015 còn một nửa so với năm 2013.

 

Trong bối cảnh đó, Thương vụ đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cập nhật kịp thời nhiều tin tức thị trường; đồng thời cung cấp thông tin cho các công ty Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ để kết nối giao thương, buôn bán. Mặt khác, Thương vụ còn hỗ trợ xác minh đối tác Thổ Nhĩ Kỳ theo yêu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam đối với các mặt hàng như hóa chất, sản phẩm thủy tinh, máy móc thiết bị ...

 

Hơn nữa, Thương vụ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan và doanh nghiệp để xử lý các vụ việc PVTM của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là tích cực và chủ động đề xuất biện pháp xử lý trong vụ điều tra lẩn thuế chống bán phá giá với mặt hàng đá hoa cương, ống thép inox và gỗ dán. Cụ thể, Thương vụ đã cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời cho các đơn vị hữu quan, đồng thời giữ liên hệ chặt chẽ với bên liên quan tại địa bàn để khai thác thông tin, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan hữu quan của các nước. Thương vụ cũng luôn theo sát diễn biến các vụ việc điều tra, tích cực khai thác thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để cung cấp cho doanh nghiệp.

 

 

Thương vụ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan và doanh nghiệp để xử lý các vụ việc PVTM của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là tích cực và chủ động đề xuất biện pháp xử lý trong vụ điều tra tự vệ với mặt hàng đá hoa cương.

 

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang