Thứ Năm, 28/03/2024 17:07:27 GMT+7

Tin đăng lúc 17-11-2018

Lượt xem: 5271

Động lực để doanh nghiệp phát triển

 Nhiều tổng công ty lớn hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế đã thực hiện cổ phần hóa và có những bước chuyển mình rõ nét. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, kết quả này khẳng định tính đúng đắn của chủ trương cổ phần hóa, đồng thời tạo ra động lực mới giúp các doanh nghiệp phát triển.
Động lực để doanh nghiệp phát triển
Đoàn công tác TCty Thương mại Hà Nội (Hapro) tham dự Hội chợ WorldFood 2018

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, 10 tháng năm 2018, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa và đạt được kết quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đánh giá về hiệu quả của quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa đều có doanh thu, lợi nhuận, quyền lợi cho người lao động tốt hơn. Các doanh nghiệp đã đổi mới phương thức quản trị, tăng tính tự chủ trong các hoạt động, đặc biệt là việc công khai minh bạch thông tin.


Điển hình như Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower), thời điểm chuẩn bị cổ phần hóa, khả năng huy động vốn của doanh nghiệp có hạn. Sau cổ phần hóa và chuyển sang mô hình công ty cổ phần, doanh nghiệp đã huy động thêm vốn theo nhiều kênh nhờ phương thức quản trị mới giúp tình hình tài chính, kết quả kinh doanh đều khả quan. Vừa qua, PVPower đã được Chính phủ giao triển khai tiếp hai dự án nhiệt điện: Nhơn Trạch 3 và 4. Dự kiến, PVPower sẽ hoàn thành tiến độ và sớm đưa dòng điện hòa lưới điện quốc gia vào năm 2021-2022. Nhìn lại quá trình cổ phần hóa vừa qua, có rất nhiều mô hình tốt như Petrolimex, Vinamilk, PV Gas, Vietnam Airlines và một số doanh nghiệp khác sau khi cổ phần hóa đều có hoạt động hiệu quả hơn. Qua đó cho thấy hiệu quả từ chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ là không thể phủ nhận.
 

Là một trong những doanh nghiệp chủ lực của Thủ đô đã thực hiện cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ và UBND TP Hà Nội, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã có những bước chuyển mình rõ nét sau cổ phần hóa. Chủ tịch Tập đoàn BRG, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Hapro, bà Nguyễn Thị Nga cho biết, sau cổ phần hóa, Hapro tiếp tục xây dựng và phát triển để trở thành một tổng công ty xuất nhập khẩu và thương mại nội địa có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô. Trọng tâm phát triển của Hapro là đẩy mạnh và nâng cao kim ngạch xuất khẩu, đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực; là đơn vị chủ lực trong lĩnh vực xuất khẩu, gắn thương hiệu xuất khẩu Hapro với thương hiệu BRG của tập đoàn. 
 

Những kết quả khả quan mà các doanh nghiệp đạt được sau cổ phần hóa đã khẳng định chủ trương đúng đắn nhằm tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, theo ông Đặng Quyết Tiến, bên cạnh việc tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động, cần quyết tâm thay đổi nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp. Bởi, sau khi cổ phần hóa, mô hình hoạt động của các doanh nghiệp sẽ phải là “bình mới, rượu mới”, tránh tình trạng né trách nhiệm, sợ va chạm nên chưa làm quyết liệt, mạnh mẽ…
 

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ thường xuyên nắm bắt, kịp thời lắng nghe để tháo gỡ những vướng mắc của các đơn vị và địa phương, qua đó sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch đặt ra.

 

Theo báo Hà Nội mới


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang