Thứ Sáu, 29/03/2024 16:39:35 GMT+7

Tin đăng lúc 09-05-2018

Lượt xem: 4818

Đồng Nai: Ưu tiên hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp

Trong những năm qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh triển khai theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm gắn với các chương trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, đề án phát triển cụm công nghiệp (CCN), công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực phù hợp với tiềm năng lợi thế của từng địa phương… Trong đó phát triển CCN là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tỉnh Đồng Nai nhằm tạo thuận lợi hơn cho các DN vừa và nhỏ có môi trường, mặt bằng sản xuất, kinh doanh.
Đồng Nai: Ưu tiên hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
CCN Tân Hạnh (TP Biên Hòa) đã có nhiều DN vào hoạt động

Thu hút đầu tư, phát triển các CCN

 

Theo quy hoạch, Đồng Nai có 27 CCN với tổng diện tích 1.500ha. Để kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển CCN, năm 2015, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 189 về hỗ trợ phát triển CCN. Trong đó, gồm 3 nội dung chính là: Hỗ trợ ứng vốn để bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho CCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng; Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN; Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện dự án di dời vào CCN.

 

Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện các chính sách này vẫn bộc lộ một số bất cập nên kết quả chưa được như mong muốn. Hết năm 2017, mới có 4 CCN triển khai xây dựng hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, 2 CCN đang triển khai xây dựng hạ tầng, 15 CCN đang tiến hành các thủ tục đầu tư, 3 CCN có DN xin đầu tư, còn lại 2 CCN vẫn chưa có DN đăng ký. Do đó, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX vào tháng 12/2017 đã sửa đổi, bổ sung một số điểm mới nhằm thúc đẩy việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Theo đó, bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh tại các CCN làng nghề (trước đây chỉ có DN vừa và nhỏ); Bổ sung thêm Ban quản lý CCN cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Công Thương vào chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Bên cạnh đó, các DN cũng được hỗ trợ xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, chất thải rắn so với chỉ hỗ trợ hệ thống cấp thoát nước như trước.

 

 

CCN gốm sứ Tân Hạnh đang thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất

 

Những chính sách mới này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cũng như doanh nghiệp thứ cấp khi sản xuất tại các CCN.

 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

 

Tuy chính sách hỗ trợ cho các DN, cơ sở di dời vào CCN đã ban hành từ năm 2016, nhưng hiện rất ít DN làm thủ tục hưởng hỗ trợ. Một trong những nguyên nhân chính là chưa có thông tin. Theo Trung tâm Khuyến công tỉnh, để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền chính sách hỗ trợ đến các DN, cơ sở thuộc diện phải di dời vào các CCN. Đồng thời đề xuất, kiến nghị Sở Công Thương, các sở ngành liên quan nghiên cứu đơn giản thủ tục, hồ sơ thụ hưởng chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN, cơ sở thuộc diện phải di dời vào các CCN./.

 

Năm 2018, tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ, hoạt động khuyến công năm 2018 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo kế hoạch khoảng 46 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương dành hỗ trợ hạ tầng 02 cụm công nghiệp là 40 tỷ đồng. Theo kế hoạch, từ 2018 - 2020 tỉnh sẽ hỗ trợ khoảng 120 tỷ đồng để làm hạ tầng 6 CCN.


Minh Vũ

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang